Lý Tiểu Long đề cao triết lý hành động qua môn võ Triệt quyền đạo, gói gọn trong 3 quan niệm: Phi cổ điển, đơn giản và trực tiếp. Cứu cánh của nó là tính hiệu quả.
Lý Tiểu Long – huyền thoại hai mặt
Những kẻ từng thách đấu, xem thường khả năng thực chiến của Lý Tiểu Long
Không phải tự nhiên mà dư luận Mỹ xem Lý Tiểu Long là một danh nhân. Nếu anh là một kẻ vai u thịt bắp, giỏi nghề đánh đấm, bất quá anh chỉ là một kẻ võ biền. Nếu anh mang đẳng cấp cao trong một bộ môn võ thuật hoặc tạo nhiều thành tích trong các cuộc thi đấu, bất quá anh chỉ giỏi tài diễn xuất với những đòn đá đẹp, sử dụng vũ khí hay thì anh cũng mới dừng lại ở thân phận của một diễn viên hay cao hơn là một ngôi sao điện ảnh. Nhưng người ta đã tôn vinh anh là danh nhân bởi vì anh đã vượt hơn lần mức võ nghệ để tiến lên được đỉnh cao nhất của nghệ thuật chiến đấu: võ đạo.
Anh đã hình thành một hệ thống triết lý võ đạo, sống cùng triết lý đó và để lại cho đời sau: Triệt quyền đạo. Vượt lên trên ý nghĩ đơn thuần của một bộ môn võ thuật, Triệt quyền đạo là một cách thế sống. Anh đã trả võ thuật về ý nghĩa nguyên thủy của nó, như anh đã từng nói: “Võ thuật trên thực tế chỉ đơn giản là một nghệ thuật chiến đấu. Sự hiện diện của nó đáng kể nó giúp cho người ta đạt tới hiệu quả cao trong mục đích ngăn chặn một cuộc tấn công. Nói rõ hơn, nó là một nghệ thuật dành thắng lợi trong chiến đấu. Nền tảng của Triệt quyền đạo dựa trên ba quan niệm chủ yếu gồm: phi cổ điển, đơn giản và trực tiếp.
PHI CỔ ĐIỂN
Phi cổ điển có thể hiểu khái quát là không chấp vào các nguyên tắc truyền thống, các hình thức giáo điều khô khốc, thiếu sự sống. Lý Tiểu Long đã nhắm nhiều đến tính hiệu quả và khó chịu với sự lệ thuộc quá đáng vào tính hình thức, nhất là sự lệ thuộc dai dẳng, phi lý vào con “ngáo ộp” truyền thống, cổ điển.
TÍNH TRỰC TIẾP
Trong một cuộc phỏng vấn của báo Black Belt vào năm 1967, phóng viên hỏi Lý Tiểu Long: “Tính trực tiếp là gì”?. Người hỏi chưa dứt lời thì chiếc ví trên tay của Lý Tiểu Long đã bay vút về phía ông ta. Người phóng viên vội đưa tay chụp lấy. Lý Tiểu Long đợi cho ông ta hoàn hồn trở lại rồi nói: “Đó là tính trực tiếp. Ông không phí thời giờ, chỉ việc đưa tay chụp lấy chiếc ví. Ông không cần phải ngồi xổm, xuống tấn trảo mã, hay vận dụng một đòn thế cổ điển nào mà chỉ vươn tay ra chụp. Nếu ông làm đủ các trò kia thì ông đã không chụp kịp rồi”.
TÍNH ĐƠN GIẢN
Nói về tính đơn giản, Lý Tiểu Long cho biết: “Nghệ thuật thực sự là một cách biểu lộ cái Ngã. Càng phức tạp, càng hạn chế trong phương pháp bao nhiêu. Các hình thức kỹ thuật đóng một vai trò rất quan trọng trong giai đoạn khai tâm, nhưng nếu cứ mù quáng bám chặt lấy chúng thì rốt cục sẽ bị câu thúc bởi các giới hạn của chúng. Hãy nhớ kỹ điều này, bạn sử dụng kỹ thuật chứ không phải biểu diễn kỹ thuật. Nếu có ai đó tấn công bạn, phản ứng của bạn không phải là đòn số 1, tấn số 2, phần 4, mục 5… mà là lao thẳng vào như một tiếng động, chẳng cần cân nhắc gì. Chỉ đơn giản thế thôi, không ồn ào, không rùm beng với các kỹ thuật màu mè, huê dạng”.
Triệt quyền đạo là môn võ không tự ghép mình vào một hệ thống, không tạo ra những khuôn thước mẫu mực và luôn thức đẩy võ sinh phải tiếp tục rèn luyện để dành lấy sự tự do nguyên thủy.
Tóm lại, Triệt quyền đạo là một cách thể diễn đạt cá nhân do mỗi cá nhân chủ động theo những gì thực sự có nơi bản thân. Do đó, không thể có sự truyền dạy nào rốt ráo môn võ này.
Cái cần và có thể dạy được là những ý niệm dần dắt mọi người đi tới chỗ giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của các môn phái, các hệ thống. Bời vì, trong quá trình hình thành như một bộ môn nghệ thuật chiến đấu là võ thuật. Triệt quyền đạo còn tự thể hiện là một cách thế sống. Đó chính là con đường dẫn đến cuộc hành trình của một con người nhằm khám phá chính bản thân mình và bao trùm ở trong đó cuộc hành trình của một võ sinh mang cùng tính chất tự khám phá bản thân để dành lại sự tự do nguyên thủy. Chính với ý nghĩa này mà món quà Lý Tiểu Long lưu lại đã được trân trọng đón nhận và được đề cao hơn bất cứ thành quả lớn lao nào mà anh đã đạt được.
Bằng những nỗ lực vượt lên chính mình, dù chỉ có mặt trên trần gian trong khoảng thời gian ngắn ngủi như Lý Tiểu Long đã trở thành mẫu người giống như một truyền ngôn trong kinh Thánh mô tả: “Người chết vẫn còn nói!”.
https://youtu.be/wB-VdhvQMPM
V.Đ