Thời hoàng kim của Oscar De La Hoya, đi đâu, người ta cũng thấy “cậu bé vàng quyền Anh Mỹ” có Bob Arum bên cạnh. Đến thời của Pacquiao, nhà VĐTG 7 hạng cân khác nhau, thì người ta thấy lão già 83 tuổi này xuất hiện ở cả tỉnh Sarangani, nơi Pacquiao vận động nhân dân vào ghế đại biểu quốc hội Philippines.
Một con người kỳ lạ
Khi Pacquiao hạ K.O Oscar De La Hoya vào năm 2008, người ta chưa kịp biết lúc đó, Pacquiao có ông bầu là… Bob Arum (chứ ông nào còn là “người” của De La Hoya nữa). Bob Arum là con “cáo già” hay biết cách “đắc nhân tâm”? Đây là câu hỏi khó cho những võ sĩ đã từng chọn Arum làm ông bầu.
Báo chí Philippines viết về chuyến đi đến Sarangani của Bob như sau: “Đó là hành trình thứ 9 của lão đến Philippines. Từ Las Vegas, Arum bay vèo đến Manila rồi đón chuyến bay đến Sarangani, chọn khách sạn East Asia đểcất bớt đồ đạc. Arum đi bộ vòng quanh khu vực những người ủng hộ Pacquiao trong cuộc cạnh tranh chính trị với đối thủ Chiongbian trước khi thấy ông bàn với Pacquiao về kế hoạch so tài của anh với Mayweather vào tháng 11 tới rồi ông biến. Arum chẳng cần biết kết quả bầu cử ra sao, nhưng lão thừa biết, lão cần phải xuất hiện tại đây”.
Đó là con người kỳ lạ. Arum lớn lên trong 1 gia đình Do Thái tại New York. Tốt nghiệp ĐH New York và ĐH luật Harvard, từng hành nghề luật sư ở ban hành pháp Mỹ. Đến năm 1965, ông bắt đầu sử dụng kiến thức của mình để hành nghề ông bầu, và nhanh chóng trở thành đối thủ kình địch của Don King từ những năm 1980 (còn Don King gọi Arum là “đồ chuột cống bẩn thỉu”).
Những giai thoại rùng rợn về Bob Arum
Giai thoại rùng rợn về lão là… cái chết của võ sĩ James Shuler. Ngày 10.3.1986, Arum đứng ra tổ chức trận đấu giữa huyền thoại Thomas Hearns và James Shuler tại Neveda, được HBO truyền trực tiếp toàn nước Mỹ và Puerto Rico mà sau này trở thành 1 trong 100 trận đấu kinh điển của thời đại. Trận đấu diễn ra chưa tới… 1 hiệp khi võ sĩ bất bại suốt 22 trận đấu trước đó, James Shuler, bị hạ K.O sau 2 phút. Đêm đó, Shuler vào phòng Arum, ngỏ lời cám ơn lão vì đã tạo cơ hội cho anh được đấu với huyền thoại Hearns. Rủng rỉnh tiền trong túi, Shuler mua ngay 1 chiếc xe máy và đúng 1 tuần sau qua đời vì tai nạn giao thông trên chiếc xe 2 bánh mới cáu này.
Clip trận đấu cuối cùng của James Shuler:
Trước đó, Arum còn là ông bầu của huyền thoại Muhammad Ali qua những trận đấu siêu kinh điển với London, Mildenberger, Williams… và sau này, những Roberto Duran, George Foreman, Joe Frazier, Larry Holmes, Carlos Monzón, Iran Barkley, Thomas Hearns, Sugar Ray Leonard… đều thông qua lão để được lên sàn đấu và ít nhất 1 lần được sở hữu các đai vô địch quan trọng.
Arum không ngại xung đột với các đối thủ. “Cái tội” nặng nhất mà lão hay mắc phải là phân biệt chủng tộc. Lão từng bị Robert Lee (cựu chủ tịch của LĐ quyền Anh thế giới) kiện qua câu phát biểu xanh rờn: “Cứ để bọn da trắng và da đen lên sàn đấu, ở ngoài, chúng ta rủng rỉnh đếm tiền”. Nhà sản xuất John Daly (từng thắng 13 giải Oscar trong phim Trung đội và Hoàng đế cuối cùng) cũng từng phải “tức hộc máu” khi mất trắng 800.000 USD để bồi thường hợp đồng do sự kiện “High Noon in Hong Kong” (diễn ra ngày 22.10.1994 với 4 trận đấu tranh đai WBO) bị Arum “phổng tay trên”. Là “mafia làng quyền Anh”, nhiều lần, Arum cũng bị “sờ gáy”: Năm 1995, bị phạt 125.000USD vì hối lộ quan chức Nevada; năm 2004, FBI vào cuộc điều tra khi nghi ngờ Arum dàn xếp các trận đấu (mãi đến năm 2006, lão mới được kết luận vô tội…).
Ít võ sĩ nào dám đưa ra nhận xét riêng về cá tính của Arum, nhưng ai cũng sợ lão hết. Đó là chuyện tất nhiên như cái cách phát biểu của Pacquaio, người tăng tài sản từ 1 triệu USD lên đến 40 triệu USD sau khi “qua tay” Arum: “Mẹ tôi khuyên tôi trở lại sàn đấu, dù tôi đã thắng lợi ở sàn chính trị. Còn chuyện tôi sẽ thượng đài với ai, hãy đi hỏi ông Arum”.
Hiện tại, Bob Arum tập trung đào tạo và phát triển võ sĩ cùng các chương trình thi đấu quyền Anh tại Tây Nam nước Mỹ, nơi có nhiều cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha (đông đảo khán thính giả mê quyền Anh).
Nhật Vũ (tổng hợp)