Theo truyền thông Trung Quốc, võ công của Cung Bảo Điền lợi hại hơn nhiều so với những nhân vật nổi tiếng như Hoàng Phi Hồng hay Diệp Vấn.
ĐẠI CAO THỦ KHIẾN HOÀNG PHI HỒNG HAY DIỆP VẤN PHẢI “CHÀO THUA”
Tờ Baidu (Trung Quốc) từng có bài viết với tiêu đề: “Ba đại cao thủ thời hiện đại của Trung Quốc: Vệ sĩ của Từ Hi thái hậu đứng đầu; Diệp Vấn và Hoàng Phi Hồng không thể lọt vào top 3”.
Theo bài viết này, Diệp Vấn là huyền thoại võ được nhắc tới nhiều nhất trong những năm gần đây, sau khi loạt bộ phim cùng tên do tài tử Chân Tử Đan thủ vai được trình chiếu. Ngoài việc được quảng bá thông qua những màn tái hiện của Chân Tử Đan thì Diệp Vấn cũng là nhân vật võ thuật được đánh giá cao bởi ông là đại võ sư từng sở hữu tới 2 triệu đệ tử, trong đó có một huyền thoại lừng lẫy đó chính là Lý Tiểu Long.
Tuy nhiên, theo quan điểm thống nhất của nhiều nhà nghiên cứu võ thuật, trong thực tế ở làng võ Trung Quốc thời kỳ hiện đại thì có ba nhân vật sở hữu trình độ võ công được đánh giá cao nhất gồm Cung Bảo Điền, Tôn Lộc Đường và Đỗ Tâm Ngũ. Trong số ba vị đại cao thủ này thì võ công thực tế của Cung Bảo Điền được xếp đầu bảng. Nếu xét về võ công, cả ba nhân vật này (đặc biệt là Cung Bảo Điền) hoàn toàn vượt xa so với Hoàng Phi Hồng hay Diệp Vấn.
Chân dung huyền thoại võ thuật Cung Bảo Điền (ảnh: Baidu).
Cung Bảo Điền (1870 – 1943) chính là người từng giữ chức vụ làm “Tổng quản đại nội thị vệ” của triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc, là cận vệ thân tín nhất có trọng trách bảo vệ an nguy cho hai nhân vật đứng đầu triều đình là Từ Hi thái hậu và vua Quang Tự.
Cung Bảo Điền được coi là một bậc kỳ tài võ học, một võ sư bất khả chiến bại, sở hữu nhiều công phu đặc dị khi ông mới chưa đầy 20 tuổi. Nói về võ công siêu phàm của ông, tờ Baidu viết:
“Ở Trung Quốc, những cao thủ võ thuật thực sự đang ngày càng ít dần. Trong thời đại mà công nghệ phát triển như ngày nay, nhiều người vẫn tập luyện võ thuật để bảo vệ bản thân hoặc người khác nhưng võ thuật hiện đại của Trung Quốc chỉ có 3 người xứng đáng được coi là những đại cao thủ thật sự. Người đứng đầu chính là Cung Bảo Điền, cùng với Tôn Lộc Đường và Đỗ Tâm Ngũ. Thực tế, Diệp Vấn và Hoàng Phi Hồng thua kém họ rất nhiều”.
Một bức họa về chân dung Cung Bảo Điền.
TỪ ĐỨA TRẺ NGHÈO KHỔ ĐẾN ĐẠI CAO THỦ VÔ ĐỊCH THIÊN HẠ
Theo Baidu, Cung Bảo Điền sinh năm 1870 trong một gia đình rất nghèo ở tỉnh Sơn Đông – địa phương được coi là một trong những cái nôi của nền võ thuật cổ truyền Trung Quốc. Cao thủ võ thuật ở Sơn Đông thì nhiều không đếm xuể.
Do quá nghèo nên Cung Bảo Điền không có tiền để đi học văn hóa. Năm lên 13 tuổi, ông đã phải tới một cửa hàng bán gạo ở Sơn Đông để làm thuê. Thế nhưng, giống như một cơ duyên, chính cửa hàng bán gạo này lại là bước đệm ban đầu để Cung Bảo Điền khẳng định tên tuổi trong giới võ lâm.
Lý do là bởi cửa hàng này thi thoảng có cung cấp gạo cho triều đình. Cung Bảo Điền được giao nhiệm vụ vận chuyện gạo tới vương phủ. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ của mình, Cung Bảo Điền có cơ duyên gặp gỡ Đổng Hải Xuyên – một huyền thoại võ thuật vốn làm việc trong triều đình dưới trọng trách là Tổng quản đại nội thị vệ và cũng là người sáng tạo ra tuyệt kỹ Bát quái liên hoàn chưởng.
Cung Bảo Điền khi còn trẻ.
Ngay từ lần gặp đầu tiên, Đồng Hải Xuyên đã nhận ra Cung Bảo Điền là người có tố chất thiên bẩm để trở thành một đại cao thủ. Thế nhưng ban đầu, do bận nhiều công việc triều đình nên Đồng Hải Xuyên không trực tiếp thu nhận Cung Bảo Điền làm đệ tử ngay mà giao cho một tướng quân dưới trướng của mình là Doãn Phúc đứng ra dạy võ cho Cung Bảo Điền. Song, một thời gian sau, chính Đổng Hải Xuyên đã trực tiếp truyền dạy công phu cho Cung Bảo Điền cho nhận thấy khả năng hơn người của đệ tử.
Theo website Qulishi.com và Sina thì chính Đổng Hải Xuyên là người đã giúp Cung Bảo Điền từ bỏ công việc của một nhân viên bán gạo để chuyển tới vương phủ với một nhiệm vụ duy nhất đó là luyện võ.
Có một chi tiết khá thú vị được Qulishi.com và Sina nhắc tới khi nói về chặng đường luyện võ của Cung Bảo Điền. Theo đó, hàng ngày, Đổng Hải Xuyên luôn đưa cho Cung Bảo Điền một chiếc bát bằng gỗ. Thế rồi, Đổng Bảo Xuyên yêu cầu đệ tử phải đổ đầy mồ hôi vào chiếc bát thông qua những bài tập rất nặng của mình. Nếu chiếc bát chưa đầy mồ hôi, Cung Bảo Điền sẽ không thể nghỉ ngơi.
Cung Bảo Điền hiểu được ý tốt của sư phụ nên anh càng chăm chỉ tập luyện. Sau 5 năm tập võ dưới trướng của Đổng Hải Xuyên, Cung Bảo Điền đã trở thành một cao thủ, sở hữu nhiều tuyệt kỹ võ công trong đó có khả năng thượng thừa về bắn cung, kiếm thuật, kỹ pháp Bát quái liên hoàn chưởng và đặc biệt nổi bật là khả năng khinh công.
Dưới sự truyền dạy của sư phụ, Cung Bảo Điền trở thành cao thủ số một, không có đối thủ khi ông trở về quê hương ở Sơn Đông. Đặc biệt, chính nhờ những năng lực phi thường của mình mà từ năm 1897 (khi mới 27 tuổi), Cung Bảo Điền đã được đưa vào hoàng cung để thay thế chính sư phụ của mình (Đổng Hải Xuyên) đảm nhận trọng trách cực kỳ quan trọng đó là Tổng quản đại nội thị vệ.
Theo Qulishi.com và Sina thì Cung Bảo Điền có nhiều công lao trong việc bảo vệ an toàn cho Từ Hi thái hậu và vua Quang Tự. Có lần, Từ Hi thái hậu thậm chí còn tặng cho Cung Bảo Điền một chiếc hoàng bào sau khi chứng kiến tài năng và lòng trung thành của ông.
Thế nhưng, do thời cục, chứng kiến sự suy tàn của triều đình nhà Thanh vào những năm đầu của thế kỷ 20, Cung Bảo Điền dần trở nên chán nản với công việc của mình. Năm 1905, ông đã đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng trong cuộc đời đó là cởi mũ áo xin từ quan để trở về quê hương tại Sơn Đông, sống một cuộc đời bình dị.
Chiếc áo mà Từ Hi thái hậu từng tặng cho Cung Bảo Điền.
THÂN THỦ NHANH TỚI MỨC ĐẠN BẮN KHÔNG TRÚNG
Trong những năm đầu của thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, phong trào tìm kiếm cao thủ võ thuật để truyền dạy cho các lực lượng quân đội trở nên rất phổ biến. Năm 1922, Cung Bảo Điền được một tướng lĩnh là Trương Tác Lâm mời về làm HLV đào tạo võ thuật cho quân đội.
Qulishi.com cho hay, Trương Tác Lâm nghe danh Cung Bảo Điền đã lâu, rằng ông là một cao thủ bất phàm nên đã tìm đến để gặp gỡ. Thế nhưng ban đầu, Trương Tác Lâm lại nảy sinh sự nghi ngờ sau khi thấy vóc dáng khá bỏ bé của Cung Bảo Điền.
Bị nghi ngờ tài năng, Cung Bảo Điền đã đưa ra một lời đề nghị rất kỳ lạ để cùng Trương Tác Lâm tỉ thí. Cung Bảo Điền nói rằng ông muốn Trương Tác Lâm dùng súng và có thể bắn mấy phát tùy thích, còn ông sẽ lùi lại 20 bước rồi sẽ dùng thân thủ của mình để đoạt súng trong tay của đối thủ. Trương Tác Lâm ngỡ ngàng, nghĩ rằng Cung Bảo Điền là kẻ quá ngạo mạn. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, Trương Tác Lâm đã chấp nhận lời đề nghị đầy “quái đản” này.
Tướng Trương Tác Lâm – người từng dùng súng vẫn để thua trước Cung Bảo Điền.
Khi cuộc tỉ thí bắt đầu, Trương Tác Lâm bắn liền hai phát, nhưng không trúng được Cung Bảo Điền. Trương Tác Lâm nín thở, định bắn tiếp phát thứ ba, ông thấy Cung Bảo Điền đã biến mất. Trong tích tắc, Trương Tác Lâm nghe thấy tiếng của Cung Bảo Điền nói ở bên tai: “Nếu muốn bắn trúng tôi, hãy quay về đằng sau”. Thế nhưng, khi Trương Tác Lâm còn chưa kịp ngoái đầu về phía sau, ông đã bị Cung Bảo Điền đoạt mất cây súng ở trên tay.
Sau màn tỉ thí này, Trương Tác Lâm vô cùng thán phục tài năng của Cung Bảo Điền. Trương Tác Lâm lập tức bổ nhiệm Cung Bảo Điền làm đặc phái viên phụ trách 3 tỉnh miền Đông Trung Quốc và là HLV trưởng đào tạo võ thuật cho lực lượng quân đội. Theo Sina, Cung Bảo Điền đã có nhiều lần cứu mạng Trương Tác Lâm khỏi một số vụ ám sát từ quân Nhật.
Đến năm 1928, Trương Tác Lâm vẫn bị thiệt mạng sau nghi vấn rằng ông đã bị quân Nhật ám sát. Sau cái chết của Trương Tác Lâm, Cung Bảo Điền rất buồn bã. Ông lại xin từ quan, rút khỏi quân đội để trở về quê một lần nữa.
Cung Bảo Điền dạy cung thủ cho các môn đệ, khi ông đã về già.
Sau chuyến hồi hương lần thứ hai, Cung Bảo Điền dồn toàn tâm toàn ý cho việc dạy võ. Theo Qulishi.com, Cung Bảo Điền đã đào tạo ra nhiều đệ tử giỏi mà sau này có nhiều đóng góp cho phong trào kháng chiến chống lại đế quốc Nhật Bản.
Đến năm 1943, Cung Bảo Điền qua đời vì tuổi cao tại nhà riêng ở tỉnh Sơn Đông, hưởng thọ 73 tuổi. Sau này, một số hãng phim truyền hình tại Trung Quốc đã khắc họa lại cuộc đời và tài năng võ thuật của ông, dù các bộ phim này không nổi tiếng được như Diệp Vấn, Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng…
Trong giới võ lâm Trung Quốc, hậu thế ca ngợi ông là một huyền thoại võ thuật bất khả chiến bại, được nhiều người gọi là “bậc thầy vĩ đại”.
Một bức chân dung khác của Cung Bảo Điền
(Bài viết được tổng hợp từ các nguồn Baidu, Qulishi, Sina…)
Theo Trí Thức Trẻ