(VoThuat.vn) – Một trong ba người vinh dự được Lý Tiểu Long trao tặng danh hiệu Võ sư Triệt quyền đạo là võ sư mang hai dòng máu Philipines và Mĩ Dan Inosanto.
- Chân dung cao thủ võ thuật Nhật khiến Lý Tiểu Long, Chân Tử Đan cũng phải kính nể
- Bật mí những bí mật mà bạn chưa biết về ‘Thần cước’ Bill Wallace
Ông xuất hiện trong cuộc đời của Lý Tiểu Long như một người bạn, người thầy, học trò và là một trong số ít những người được Lý Tiểu Long tôn trọng và tin tưởng. Dan Inosanto chính là người đã giữ cho những triết lí của Lý Tiểu Long được sống mãi đến ngày nay.
Năm 1964, ông lần đầu tiên dạy Lý Tiểu Long dùng côn. “Khi đó, anh ấy nghĩ nó chỉ là một khúc gỗ vô dụng. Vậy mà sau ba tháng, anh ấy đã múa nó thành thạo như thể đã tập luyện cả đời vậy”, Inosanto nói. Đã có vô số những bộ phim, tài liệu và sách báo về Lý Tiểu Long nhưng chắc chắn chúng sẽ không thể hoàn thiện nếu không có sự giúp đỡ của người đàn ông hiểu rõ về huyền thoại võ thuật và các kĩ năng của Lý Tiểu Long như Dan Inosanto.
Dan Inosanto đã từng chia sẻ: “Không có Diệp Vấn thì sẽ không bao giờ có Lý Tiểu Long, và nếu không có Lý Tiểu Long thì cũng sẽ chẳng có Triệt quyền đạo. Những người đàn ông này là người mở đường và nếu không có họ, chúng ta có thể sẽ không đạt được cảnh giới như ngày hôm nay và tôi nghĩ đó là lí do vì sao xã hội châu Á lại coi trọng võ sư như vậy.
Tôi luyện tập Vịnh Xuân quyền vì tôi thực sự muốn khám phá nó. Tôi có chín sư phụ Vịnh Xuân và Lý Tiểu Long là người thứ chín. Anh ấy trẻ, rất tài năng và thông minh so với tuổi của mình. Thời điểm đó, Lý Tiểu Long có thể còn chút tự phụ nhưng thật sự anh ấy là người có kiến thức và hiểu biết nhiều hơn so với những người cùng trang lứa.
Anh ấy có lòng tôn kính cao độ dành cho Diệp Vấn nhưng tôi có nghe nói rằng vì Lý Tiểu Long không mang 100% dòng máu Trung Quốc nên đôi khi Diệp Vấn không muốn dạy Lý Tiểu Long trước mặt các học trò khác. Vậy nên ông giao Lý Tiểu Long cho Trương Trác Khánh và Hoàng Thuần Lương dạy dỗ. Và thời gian trôi đi, khi đặt chân đến Hoa Kì, Lý Tiểu Long bắt đầu tự làm mọi việc theo cách của mình nhưng vẫn tôn trọng Diệp Vấn như ngày đầu. Chắc chắn có thể thấy sự kính trọng của học trò dành cho người thầy ở đây.
Anh ấy biết có những phương diện mà Vịnh Xuân thực sự hiệu quả và ở phương diện nào thì không. Vịnh Xuân rất hữu hiệu ở những nơi không gian nhỏ hẹp. Nếu có một không gian rộng lớn như sân bóng và có từ 3 đến 5 đối thủ thì Vịnh Xuân sẽ không giải quyết được vấn đề. Vậy nên anh ấy đã xây dựng một môn võ có khả năng xử lí các tình huống ở bên ngoài nơi mà bạn có thể chọn đánh và bỏ chạy.
Anh ấy bắt đầu xây dựng Triệt Quyền Đạo với cốt lõi là Vịnh Xuân. Và tôi thật sự thích Triệt Quyền Đạo vì nó là một môn võ tuyệt vời. Khi mới đến nước Mĩ, Lý Tiểu Long có thể chiến thắng mọi đối thủ bằng cách sử dụng những đòn thế của Triệt Quyền Đạo.
Theo thời gian, anh ấy thay đổi cách suy nghĩ, bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm, anh ấy lại sáng tạo ra những thứ mới. Nên tôi nghĩ rất nhiều chiêu thức đó đã được thay đổi so với ban đầu và tôi không hề phóng đại khi nói nó được thay đổi từng tháng một. Anh ấy luôn luôn thay đổi cấu trúc, luôn hoàn thiện nó và làm nó hữu hiệu, nhiều chức năng hơn. Đó là điều anh ấy luôn cố gắng truyền đạt cho tôi và nói rằng bạn không thể chỉ theo một lối mòn cũ mãi được. Bạn phải tìm ra cái gì thực sự tốt và phù hợp với mình. Đó mới chính là Triệt quyền đạo.
Và cuối cùng bây giờ, đó là lí do vì sao mọi người hỏi tôi “Ông có thể dạy nó không?”, tôi nói “Tất nhiên rồi, tôi có thể dạy được”. Nhưng khi họ hỏi “Ông có thể chuẩn hóa nó không” thì câu trả lời lại là không vì bạn có thể chuẩn hóa nó theo nguyên tắc và khái niệm nhưng nó vẫn cần phải phù hợp với từng cá nhân. Bạn không thể ép buộc một người phải học như thế nào. Có một số loại kỹ năng và giới hạn nhất định đề ra với cơ thể và bạn phải phù hợp với nó. Trong võ thuật cũng vậy. Có những thứ phù hợp cho một cá nhân nhưng lại không thể phù hợp cho một người khác. Một số người có tạng người nhỏ hơn, một số lại lớn hơn. Do đó trong võ thuật không thể có một tiêu chuẩn nào phù hợp với tất cả mọi người được.”
Nhật Lệ