Hầu hết người hâm mộ của Lý Tiểu Long đều biết đến Diệp Vấn – vị danh sư đã đúc kết nên phần lớn khả năng và tư duy võ thuật của huyền thoại họ Lý. Thế nhưng, ít ai biết rằng chính Diệp Vấn đã từng vô tình cản đường Lý Tiểu Long trở thành huyền thoại.
Giải mã câu danh ngôn bất hủ đưa Lý Tiểu Long lên hàng huyền thoại
Tốc độ ra đòn nhanh chóng mặt của sư huynh Lý Tiểu Long
Diệp Vấn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời Lý Tiểu Long. Vịnh Xuân Quyền do Diệp Vấn truyền thụ là một trong những môn võ quan trọng giúp Lý Tiểu Long đúc kết các phương pháp chiến đấu “mẫu mực” của Triệt quyền đạo. Dù học nhiều môn võ khác như Boxing, Taekwondo, Karate, đấu kiếm… thế nhưng nhìn vào phong cách chiến đấu Lý Tiểu Long trên màn ảnh, ta luôn nhìn thấy dáng dấp của Vịnh Xuân. Diệp Vấn cũng là người thầy đã khai mở tư tưởng võ thuật của Lý Tiểu Long, vượt xa những định kiến võ thuật Á Đông thời bấy giờ. Theo Diệp Vấn, người luyện võ cần tích cực giao đấu với các môn võ khác để biết rõ mình đang đứng ở đâu trên con đường võ thuật, biết mình mạnh yếu thế nào; bên cạnh đó cần biết tìm ra những tố chất cá nhân và phát triển nó, chứ không chỉ bó buộc mình trong khuôn khổ đồng nhất của bộ môn. Đó chính là những triết lý ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm trong tiềm thức Lý Tiểu Long.
Có thể nói, nếu thiếu đi Diệp Vấn, Lý Tiểu Long đã không thể trở thành một huyền thoại.
Thế nhưng, ít ai biết được rằng giữa mối quan hệ sư đồ của Diệp Vấn – Lý Tiểu Long vẫn còn một mâu thuẫn cực kỳ lớn.
Diệp Vấn vốn có mối thù sâu nặng với người ngoại quốc – những người đã tàn phá quê hương Phật Sơn thượng võ của ông, đẩy ông đến mảnh đất Hongkong. Dù có tư tưởng võ thuật tương đối “mở” so với các võ sư cùng thời, Diệp Vấn vẫn tuyệt nhiên giữ quan điểm: không dạy võ cho người ngoại quốc. Hơn thế nữa, thời của Diệp Vấn cũng là thời người Trung Quốc bị nước ngoài mỉa mai với cái tên “Đông Á bệnh phu”. Diệp Vấn quan niệm phải giữ gìn tinh hoa võ thuật cho riêng dân tộc Trung Hoa tự lực tự cường, không nên truyền cho người nước ngoài.
Sau 6 năm tập luyện Vịnh Xuân cùng Diệp Vấn, Lý Tiểu Long trở về Mỹ cùng lời dặn của danh sư: “Tuyệt đối không được truyền Vịnh Xuân cho người nước ngoài.” Cãi lời thầy, chỉ sau 2 tháng đặt chân lên đất Mỹ, Lý Tiểu Long bắt đầu mở võ đường và thu nhận các môn sinh người ngoại quốc. Khác với Diệp Vấn, Lý Tiểu Long quan niệm cần phải cho người nước ngoài biết võ thuật Trung Hoa tinh tuý và hiệu quả như thế nào.
Việc Lý Tiểu Long dạy võ cho người Mỹ đã giúp anh dần có chỗ đứng trong làng võ thuật Mỹ, kết giao với nhiều nhân vật võ thuật nổi tiếng khác như Ed Parker, Chuck Norris,… dấn thân vào nghiệp điện ảnh và bắt đầu những dấu chân đầu tiên trên con đường trở thành huyền thoại.
Sau khi trở nên nổi tiếng, Lý Tiểu Long trở về Hongkong tìm Diệp Vấn, ngỏ lời muốn mua tặng cho sư phụ một căn nhà, đồng thời xin Diệp Vấn truyền dạy những tinh hoa Vịnh Xuân cuối cùng. Biết việc Lý Tiểu Long giảng dạy Vịnh Xuân tại Mỹ, Diệp Vấn đã thẳng thừng nặng lời từ chối. Kể từ đó, Lý Tiểu Long không còn mở lời với Diệp Vấn bất cứ câu nào về Vịnh Xuân nữa, đồng thời trở về Mỹ và lập nên phái võ của riêng mình: Triệt quyền đạo.
Dù những công lao của Diệp Vấn đã làm nên huyền thoại Lý Tiểu Long, thế nhưng chính mối thù riêng của ông cũng đã suýt ngăn con rồng họ Lý trở thành một trong những nhân vật võ thuật nổi tiếng nhất lịch sử. Nếu ngày đó Lý Tiểu Long nghe lời Diệp Vấn, có thể, hôm nay chúng ta đã không có một huyền thoại.
Hồ Võ