Trong con người của Võ sư Phan Dương Bình luôn tồn tại hai cốt cách “Cương nhu phối triển” của hai hệ phái Vĩnh Xuân và Vovinam. Bởi vậy, câu chuyện của chúng tôi với ông gắn liền với sự phát triển của hai môn phái này ở Việt Nam.
Võ sư Phan Dương Bình.
|
Về hệ phái Vĩnh Xuân Việt Nam, đây là môn phái do tôn sư Tế Công (một võ sư nổi danh của Trung Quốc) du nhập vào Việt Nam năm 1907. Nếu tôn sư Tế công là người đặt những viên gạch nền đầu tiên cho việc phát triển hệ phái Vĩnh Xuân Việt Nam thì võ sư Phan Dương Bình chính là một trong những người đã duy trì và phát triển hệ phái Vĩnh Xuân Việt Nam trở thành một môn phái lớn trong kho tàng võ cổ truyền của dân tộc.
Xuất phát từ mơ ước rất “hồn nhiên” từ thuở nhỏ của ông đó là muốn được hóa thân thành các nhân vật trượng nghĩa như trong truyện truyện kiếm hiệp, bởi vậy, khi được tôn sư Tế công nhận làm đệ tử, với tinh thần ham mê võ thuật cùng một năng khiến bẩm sinh, ông đã được truyền thụ những tinh hoa của Vịnh Xuân quyền. Từ đây, ông đã trở thành cao đồ của “ông tổ” hệ phái Vĩnh Xuân Việt Nam. Tên tuổi của ông lúc bấy giờ đã vang danh khắp trong và ngoài nước. Bởi vậy, đã có rất nhiều đệ tử đến tìm học ông. Hiện nay, đệ tử hệ phái Vĩnh Xuân của võ sư Phan Dương Bình không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Không dừng lại ở đó, tinh thần ham mê võ thuật trong con người võ sư Phan Dương Bình đã luôn thôi thúc ông tìm tòi và khám phá những tinh túy võ học của các môn phái khác. Đây cũng chính là cái duyên của ông với môn phái Vovinam (môn võ do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1938 và hiện có mặt trên 60 quốc gia).
Vovinam là môn võ dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên khắp thế giới. Với nguyên lý “cương nhu phối triển”, Vovinam được coi là môn võ thể hiện rõ tinh thần, cốt cách của người Việt. Chính vì đặc trưng này, khi tìm đến võ đường của võ sư Nguyễn Lộc, lúc này đang dạy cho những thanh niên Hà thành, ông đã rất mê và xin được làm đệ tử.
Về phía võ sư Nguyễn Lộc, sau khi được chứng kiến những quyền cước vô cùng uyển chuyển của Phan Dương Bình, ông đã mời lưu lại nhà để rèn luyện và phụ trách việc trợ giảng cho các môn sinh. Thời gian rèn luyện tại võ đường, ông đã hiểu được nhân cách của võ sư Nguyễn Lộc và cái hay của môn võ Vovinam, đặc biệt là thấu hiểu giá trị cao cả của võ thuật qua lời tâm sự của võ sư Nguyễn Lộc “Là võ sinh thì phải tôn thờ danh dự võ sĩ Việt Nam. Hiểu biết nhiệm vụ và nguyện hy sinh cho lý tưởng của người võ sĩ”.
Từ đó, võ sư Phan Dương Bình đã nguyện sẽ giành trọn đời mình để gìn giữ và phát triển môn võ mang đậm khí chất và tinh thần của người Việt. Võ sư Phan Dương Bình được coi là người đại diện của môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo miền Bắc, là người kế thừa và thực hiện di nguyện của võ sư Nguyễn Lộc là truyền bá Vovinam vào miền Nam.
Hiện nay, Vovinam đã không chỉ phát triển khắp miền Nam mà còn đường lan rộng đến khắp các nước trên thế giới. Năm 1995, ông đã cùng các võ sư trong Hội đồng lâm thời võ sư Vovinam – Việt Võ Đạo Hải Ngoại, ra tuyên cáo chính thức thành lập Hội đồng võ sư lãnh đạo môn phái. Đây là tiền thân của Tổng liên đoàn Vovinam thế giới sau này. Và hiện nay, Vovinam là môn võ duy nhất của người Việt đang có mặt ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Thành công này chính là một phần đóng góp không nhỏ của võ sư Phan Dương Bình.
Các học trò được võ sư Phan Dương Bình chỉ dạy cho các miếng đánh trong mỗi buổi tập.
|
86 tuổi, nhưng hàng ngày võ sư Phan Dương Bình giành 30 phút để tập khí công và dạy tại gia cho các môn sinh, mà hiện nay đều trở thành võ sư của hai môn phái Vĩnh Xuân và Vovinam. Đây chính là lý do, tại sao ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng võ sư Phan Dương Bình vẫn giữ được sự minh mẫn và nét tinh anh của một “đại cao thủ” võ học.