Nhiều người thắc mắc không biết công phu của Lý Tiểu Long bắt nguồn từ đâu? Rõ ràng anh có ba năm học Vĩnh Xuân Quyền với võ sư Diệp Vấn.Sau này anh có tập thêmKarate, Quyền anh, quyền Thái, nhưng chừng ấy vẫn chưa thể gọi là đủ.
Võ sư Nguyễn Văn Dũng và bút ký “Trò chuyện với Lý Tiểu Long”
Những cảnh quay “lỗi” của Lý Tiểu Long
Chính những tố chất thông minh, hiếu thắng, gan dạ, ý chí sắt đá, đam mê khổ luyện, dày dạn trận mạc… mới tạo nên thần tượng Lý Tiểu Long trong võ thuật, với quan điểm chiến đấu rất rõ ràng: vô chiêu, tức thời, trực tiếp, đơn giản, hiệu quả. Đòn thế của anh không hề rườm rà, bao giờ cũng dứt khoát, rõ ràng và thuyết phục. Anh đặt tên cho nghệ thuật chiến đấu ấy là Triệt quyền đạo. Không lâu sau, Triệt quyền đạo trở thành môn phái mà chính anh là người sáng lập.
Lý Tiểu Long đã tự biết tìm cho mình một lối đi riêng trong sự nghiệp võ thuật và những bí kíp đó của anh sau này đã trở thành cẩm nang gối đầu cho những môn sinh hậu thế. Tiểu Long coi trọng 3 yếu tố được anh xem là điều cốt yếu nhất khi luyện võ.
-Thứ nhất, về tâm: Trong một cuộc đấu, tâm quyết chí là người thắng trận; khi gặp sóng gió, tâm luôn giữ bình thản. Lý có câu nói nổi tiếng: “Dù bạn muốn làm gì đi nữa cũng đừng mất bình tĩnh. Giữ tâm tịnh. Đánh giá hoàn cảnh thực sự bạn đang phải đối phó và tìm cách chế ngự, không ảo giác và không tưởng tượng. Không làm việc gì quá độ. Giữ xác và thần thoải mái để đối phó hung hiểm bên ngoài”.
-Thứ hai, về cặp mắt: Trước và trong khi tranh hùng mắt cần phải nhận định được càng nhiều biến động càng tốt. Cẩn thận để ý đến cùi chỏ và đầu gối là điều cần thiết. Và không lúc nào võ sinh chớp mắt hoặc quay đầu vì điều đó sẽ làm mất đi võ khí lợi hại nhất là sự quan sát tình thế.
-Thứ ba, về yếu tố thăng bằng: Điều này võ sinh cần luyện tập luôn luôn để có thể phát huy tối đa sự uyển chuyển và vững chắc của bộ pháp. Cũng có nghĩa là võ sinh phải khổ luyện để bộ cước không mất sức mạnh dưới áp lực khi lâm trận
Bên cạnh những bí quyết cơ bản đó Lý Tiểu Long còn có nhiều sáng kiến khác. Vào thập niên 50, môn sinh võ thuật Trung Hoa rất tôn trọng truyền thống. Họ tin rằng tập tạ sẽ làm chậm đi tốc độ của võ sĩ. Nhưng Lý tìm ra cách khắc phục điều đó. Lý bắt đầu bằng cách tập tạ nặng và cử tạ chậm trước tiên, rồi Lý giảm độ nặng của tạ nhưng tăng cường độ cử tạ. Lý tiếp tục làm vậy cho đến khi cường độ cử tạ đến mức nhanh nhất và tốc độ của việc tập cũng nhanh theo. Với phương cách này bắp thịt của Lý phát triển và tăng sức mạnh mà không bị giảm tốc độ.
Có thể nói Vĩnh Xuân Quyền gắn liền với tên tuổi của Lý Tiểu Long và một trong những khám phá quan trọng nhất của Lý khi tập Vĩnh Xuân Quyền là Vĩnh Xuân Quyền dạy môn sinh sử dụng từng cơ bắp hoặc từng nhóm cơ bắp trước, rồi kết hợp các nhóm cơ bắp tập trung thành một thế thức để đạt được trình độ kỹ thuật và tốc độ cao nhất. Lý hoàn toàn thành công trong việc này. Hai tay giơ một trước một sau cao ngang vai, tư thế trông rất đơn giản nhưng lại rất tốt cho việc rèn luyện vài cơ bắp quan trọng của tay. Cả hai tay đều giơ lên, cao nhưng không dựa vào thân nên rất mau mệt, tuy nhiên thế võ này bắt buộc bộ óc phải luôn kiểm soát hai tay. Do vậy, võ sinh sẽ có thể dùng cả hai tay độc lập với nhau cùng lúc. Anh không đồng tình với việc tập đá bao cát vì Lý hiểu rằng kết quả của việc tập sẽ làm bắp thịt chai cứng lên và làm tốc độ chậm đi.
Chính những tiềm năng võ học vốn có trong con người cộng với lòng đam mê nghiên cứu sáng tạo các phương thức mới trong luyện tập đã làm cho Lý Tiểu Long từ một cậu bé ốm yếu trở thành một võ sư đại tài và chính những thế võ lừng danh đó đã được anh đưa vào phim ảnh để làm nên một hình tượng Lý Tiểu Long gần như bất khả chiến bại.
Theo Khám phá võ thuật