Trái với hình dung của nhiều người, khi còn trẻ, Trịnh Công Sơn có một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng. Ít ai biết được rằng thời trai trẻ, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng đam mê võ thuật. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau một lần tập võ cùng em trai.
Những cảnh quay “lỗi” của Lý Tiểu Long
Cô gái múa côn nhị khúc bắt chước Lý Tiểu Long gây sốt
Điều không ngờ là võ thuật đã góp phần tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời Trịnh Công Sơn: Năm 1957 trong chuyến về thăm nhà giữa năm học, một lần nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tập thể thao với em trai kế Trịnh Quang Hà. Cậu em tung đòn vai, Trịnh Công Sơn ngã xuống sàn, cùi chỏ Hà vô tình đập vào ngực Sơn làm vỡ mạch máu phổi.
Về chuyện này, ông Trịnh Quang Hà kể rằng cả ông và Trịnh Công Sơn lúc trẻ tuổi đều học võ thuật tại Huế, quyết chí trở thành thầy võ.
Trịnh Công Sơn khi ấy chẳng quan tâm về âm nhạc: “Anh Sơn đã lớn, 18-19 tuổi rồi mà chỉ thấy anh mê võ. Nhà có một cây đàn guitar gỗ cũ nhưng rất ít khi anh Sơn sờ tới. Anh thường mân mê cặp găng boxer, tập đi bài quyền của phái Vovinam, nghiên cứu và luyện võ theo sách nhu đạo Judo. Anh thường xuyên nói chuyện võ chứ không nghe anh nói chuyện nhạc bao giờ.
Cho đến “một buổi sáng mùa hè năm 1957, anh Sơn và tôi tập nhu đạo để chuẩn bị thi lên đai “ma-rông” ở sân nhà trên đường Phan Bội Châu (ngã giữa Huế). Sau một hồi hai anh em tập dượt, quần thảo thì sự cố xảy ra. Khi tôi dùng sức đưa cú đấm “đơ-dem-ê-côn” thì anh Sơn cũng dùng hết sức chặn.
Tôi rị lại, té nhào trên mình anh Sơn và không cưỡng nổi quán tính của đường quyền đang chuyển động, cùi chỏ của tôi theo đà ấn xuống, đập một đòn chí mạng vào ngực anh. Anh Sơn thổ huyết lai láng (gần cả thau) và nằm ngục ngay tại chỗ.
Sau biến cố này, Trịnh Công Sơn nằm liệt giường suốt hai năm. Trong suốt cả năm đầu ông phải húp cháo lỏng và ăn uống cần người đút. Khi Trịnh Công Sơn gượng dậy được thì thú vui của ông là “cây đàn bỏ quên”.
Ông Trịnh Quang Hà cho rằng “miếng đòn định mệnh” đã đưa Trịnh Công Sơn từ giấc mơ võ sư sang đời nhạc sĩ.
Sau khi rời giường bệnh, Trịnh Công Sơn đã có một niềm đam mê khác, ông từng thổ lộ với một vài người bạn thân thiết của ông: “Khi rời khỏi giừơng bệnh, trong tôi đã có một một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy”.
Những tháng ngày trói mình, trên giường bệnh đã thực sự thức tỉnh tâm hồn đầy sâu lắng, tinh tế và đậm chất triết học của cố nhạc sĩ. Mỗi khi nhắc đến câu chuyện này, những người hâm mộ chung niềm đam mê võ thuật và nhạc Trịnh vẫn thường bông đùa: “Boxer, Judoka Việt Nam mình không thiếu. Mất đi một võ sư Trịnh Công Sơn mà có được một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì cũng “lời” lắm!”
Phạm Vũ