(VoThuat.vn) – Võ sư Phạm Đình Trang đã bước qua cái tuổi 70 nhưng ông vẫn ngày ngày dành hết tâm tư để truyền dạy kiến thức võ học cho thế hệ hậu bối. Phái Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo của dòng họ Phạm cũng vì thế lưu danh khắp mảnh đất miền Trung.
- Xôn xao chuyện Võ cổ truyền Hải Phòng xin “đặc cách” từ không có đẳng cấp lên thành 6 đẳng
- Những kỳ nhân võ cổ truyền Quảng Ngãi
Mảnh đất Bình Thuận xưa đến nay nổi danh với những bờ biển xanh trong, những cơn nắng vàng rực rỡ, là mảnh đất hiền hòa của làng chài, của những con người quanh năm bám biển và những ruộng thanh long bao đời đã nuôi sống người dân. Chẳng những thế, mảnh đất Bình Thuận còn có những giá trị văn hóa không thể tàn phai của một phái võ cổ truyền tồn tại đã gần 100 năm, phiêu bạt qua nhiều vùng đất và cuối cùng chọn Bình Thuận là điểm dừng chân.
Cả đời vì nghiệp võ
Đó là phái Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo do võ sư Phạm Đình Trang làm chưởng môn. Võ sư Phạm Đình Trang sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống võ học tại Quảng Ngãi. Ông tổ của võ sư Phạm Đình Trang – Phạm Hầu là võ tướng dưới thời vua Quang Trung chinh chiến trên nhiều chiến trường, đồng thời ông cũng là ông Tổ của dòng họ Phạm tại đất Quảng Ngãi.
1920, ông nội của võ sư Phạm Đình Trang là cố võ sư Phạm Đình Trinh lập nên môn phái Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo rồi truyền dạy cho nhiều võ sinh. Vốn là con nhà võ, võ sư Trang cũng theo cha để luyện tập từ nhỏ. Chưa được truyền dạy cặn kẽ về môn phái gia truyền thì ông nhận cú sốc đầu đời khi người cha đột ngột qua đời lúc ông mới 15. Cậu thanh niên Phạm Đình Trang khi đó tự thề một lòng sẽ nối nghiệp cha ông, quyết tâm làm rạng danh môn võ của nhà mình.
Không thể tiếp tục học cùng cha, võ sư Phạm Đình Trang tìm gặp những người sư thúc là cố võ sư Ngô Bông và cố võ sư Tấn Hoành để tầm sư học đạo. Thời chỉ mới vừa thanh niên, Phạm Đình Trang tháo vát, nhanh nhẹn, thân thủ bất phàm. Học đến đâu, ông nắm ngay đến đấy. Chỉ trong vòng 3 năm, chàng thanh niên 18 tuổi Phạm Đình Trang đã đứng làm trợ lý cho lão võ sư Ngô Bông giảng dạy võ học.
Kể từ đó, ông ngày ngày tôi luyện, vừa học quyền pháp vừa học chiến đấu. Võ sư Phạm Đình Trang thời đó còn thi đấu võ đài để tích thêm kinh nghiệm. Sau này khi đất nước thống nhất, ông rời Quảng Ngãi vào Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục dạy võ và tổ chức đấu võ đài.. Cũng trong quãng thời gian này, ông lập gia đình. Cũng chính gia đình lại tiếp thêm động lực cho ông tiếp tục cống hiến vì tình yêu của mình.
Đến năm 1985, võ sư Phạm Đình Trang cùng gia đình rời Vũng Tàu để định cư ở Bình Thuận. Vẫn tiếp tục con đường võ học, ông mở võ đường dạy Võ cổ truyền tại đây cho đến tận ngày nay. Bên cạnh đó, ông còn tham gia vào công tác phát triển Võ cổ truyền khi làm Trưởng ban Chuyên môn VCT tại Bình Thuận, Ủy viên Liên đoàn VCT Việt Nam từ năm 1991 – 2005. Võ sư Phạm Đình Trang đã dùng hết tâm tư để giúp Võ cổ truyền Việt Nam ngày càng phát triển.
Với võ sư Phạm Đình Trang, Võ cổ truyền không chỉ là tinh hoa văn hóa của dân tộc mà còn là tất cả tình yêu, là tâm huyết của cả dòng họ Phạm. Chính vì lẽ đó, võ sư Phạm Đình Trang luôn muốn những người con của mình nối nghiệp cha ông. Hai người con của ông là Phạm Đình Phú và Phạm Đình Quý ít nhiều đều đã có những sự thành công trên con đường võ học giống như ông và những tiền nhân đi trước.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, võ sư Phạm Đình Trang vẫn ngày ngày đứng lớp giảng dạy cho các võ sinh của Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo. Mái tóc dài đã bạc của ông là minh chứng cho những thăng trầm trong cuộc đời. Đã đi qua bao sóng gió trong sự nghiệp, giờ đây, võ sư Phạm Đình Trang hoàn toàn có thể tự hào về những gì mình đã làm được.
Ông xúc động chia sẻ: “Đến lúc này, dù có nhắm mắt xuôi tay thì thầy vẫn rất vui vì hai người con của mình là Phú và Quý giờ đã theo nghiệp cha ông. Sau này khi thầy qua đời, thầy vẫn mong hai người con mình, cháu nội mình tiếp tục con đường này. Điều nữa làm thầy tự hào là trên đất nước Việt Nam này, thầy đã đào tạo hơn 40 võ sư. Con đường sự nghiệp như vậy thì thầy chẳng còn gì tiếc nuối nữa. Thầy chỉ ước mong sao Võ cổ truyền Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn nữa để vươn ra thế giới”.
Lẫy lừng Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo
Vị võ sư già cả một đời dành hết cho võ học cổ truyền. Võ sư Phạm Đình Trang đã đào tạo nên hàng ngàn võ sinh, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển môn võ của dân tộc. Thậm chí cho đến tận ngày nay, dù đã tuổi cao, ông vẫn đều đặn đứng lớp cùng những đồ đệ của mình truyền dạy những tinh hoa của Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo cho hàng trăm võ sinh.
Ngôi nhà của võ sư Phạm ĐÌnh Trang tại Thị xã La Gi, Bình Thuận là nơi vẫn đều đặn hàng ngày trở thành điểm tập luyện của rất nhiều người yêu võ. Ngôi nhà tuy nhỏ thôi nhưng lại là nơi truyền dạy cho biết bao thế hệ. Từng mảng tường bạc màu là minh chứng của thời gian môn phái Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo tồn tại nơi đây.
Môn phái ra đời năm 1920 do cố võ sư Phạm Đình Trinh sáng lập. Trải qua biết bao thăng trầm, vinh nhục, Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo vẫn trường tồn cùng với những con người tâm huyết như thầy Trang. Ở võ sư Phạm Đình Trang chúng ta thấy được tình yêu, thấy được sự tận tụy. Dù là dạy cho trẻ em hay cho những đồ đệ trưởng thành, ông vẫn luôn răn dạy lẽ làm người, đạo đức của người học võ lên trên hết trước khi tập luyện võ học.
Mỗi buổi học tại võ đường, võ sư Phạm Đình Trang đều nói với võ sinh môn phái của mình: “Võ cổ truyền là môn võ của dân tộc, là bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Giữ gìn và phát huy môn võ này là trách nhiệm của các con”. Mái tóc bạc màu, giọng nói tình cảm, hiền từ nhưng lại toát lên khí chất ngút trời của con nhà võ, võ sư Phạm Đình Trang khiến những người theo học tại đây yêu mến và nể phục bởi tài năng và đức độ của ông.
Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo chẳng phải một môn phái bình thường mà với võ sư Trang đó là báu vật gia truyền mà ông phải giữ gìn và phát triển. Môn phái đã tồn tại 99 năm trong lịch sử là điều làm ông tự hào mỗi khi nhắc đến. Trong ngôi nhà, kiêm võ đường của võ sư Phạm Đình Trang đâu đâu cũng là những bức hình kỷ niệm của gia đình, môn phái, có tấm đã quá lâu, quá cũ đến bay màu, là những tấm huy chương treo kín cả một bức tường to, là những dàn binh khí mà tự tay ông ngày ngày làm lấy để võ sinh tập luyện. Ngôi nhà và những kỉ vật tuy cũ nhưng tình yêu võ học của ông chẳng thể hóa rong rêu dù cho có bao nhiêu năm nữa.
Một buổi chiều ở xứ biển, võ sư Phạm Đình Trang thả mình theo những cơn sóng, cảm xúc dạt dào và tự hào vì những năm tháng đã quá đẹp đẽ trong cuộc đời. Ông thoáng nhìn những người con trai sẽ kế nghiệp mình và mỉm cười. Trong ánh mắt hiền từ của ông là sự cương trực, thẳng thắn của con nhà võ. Thiếu Lâm Long Hổ Môn Võ Đạo hay Võ cổ truyền Việt Nam nhờ có những con người như ông mà ngày ngày ghi dấu ấn vững chắc trên bước đường phát triển của tương lai. Còn ông, ông cũng ghi dấu ấn vững chắc trong lòng những người yêu võ, trong lòng hậu thế.
https://youtu.be/owBlA7IXRWI
VoThuat.vn