Chưởng môn phái Lâm Sơn Động: Chuyện về vị võ sư không địch thủ

Lương Ngọc Huỳnh là chưởng môn phái Lâm Sơn Động, một ‘dị nhân không huyết áp’, thần y có biệt tài chữa bệnh cho mọi người.

Tuy nhiên ngoài đời, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên vì sự người giản dị và trẻ trung ở anh.

Không chỉ là bác sĩ – võ sư – giáo sư – viện sĩ, anh còn đảm nhiệm vai trò như chiếc cầu nối quan trọng trong mối quan hệ Việt – Nga cũng như trong mối hảo hữu với chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới.

Sự sống kỳ diệu của cậu bé sinh non

Lương Ngọc Huỳnh sinh năm 1966 tại làng Dương Cốc, Quốc Oai, Hà Tây. Mẹ anh đã đẻ rơi anh khi bà đang cặm cụi công việc ở chuồng trâu.

Một bà hàng xóm đã nhanh chân chạy sang dùng cật nứa cắt rốn cho mẹ con anh. Người mẹ nhẩm tính khi sinh anh, bà mới mang thai được 7 tháng 20 ngày.

Tiếng tăm Lâm Sơn Động theo Lương Ngọc Huỳnh đi khắp thế giới
Tiếng tăm Lâm Sơn Động theo Lương Ngọc Huỳnh đi khắp thế giới

Có lẽ do sinh thiếu tháng, nên người anh lúc ra đời bé tẻo teo, chỉ nặng 1,7kg. Và thật không may, mới 3 ngày tuổi anh bị nhiễm trùng uốn ván.

Đến lúc được người nhà đưa đến bệnh viện thì các bác sĩ đều lắc đầu, trả về cho người nhà để lo hậu sự.

Ôm đứa nhỏ còn đỏ hỏn trong tay đi chôn, ai nấy đều thấy đau lòng. Cũng may, bà nội cậu bé, cụ Nguyễn Thị Tỵ vốn cũng là một võ sư y thuật cao minh, nghe tin buồn vội vã từ Hải Phòng trở về.

Thương đứa cháu bất hạnh, bà đòi bới mộ lên để nhìn mặt cháu 1 lần. Nhờ đó mà cậu bé chết lâm sàng có được cơ hội sống sót cuối cùng một cách kỳ diệu.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về võ thuật và y học, đó là sự may mắn của Lương Ngọc Huỳnh. Bố mẹ anh sinh được 7 người con, 6 trai, 1 gái và anh là con thứ 5.

Bà nội của anh, người kế thừa những tinh hoa của dòng họ để lại, đã vận dụng tất cả kiến thức về khí công võ thuật lẫn y học cổ truyền để chữa bệnh cho đứa cháu nội kém may mắn.

2
VS Lương Ngọc Huỳnh và hòn than đang cháy trên tay

Ngày ấy, mặc dù được cứu sống nhưng cậu bé Huỳnh lại bị bại liệt, bà nội thường xuyên vào rừng Phú Mãn, cách nhà (ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ) 13km, để hái các lá cây thuốc Nam về sắc lấy nước cho anh uống.

Không ai biết những lá thuốc ấy tên gì. Chỉ biết cùng với việc uống thuốc lá rừng, hàng ngày bà miệt mài châm cứu, bấm huyệt cho đứa cháu nội.

Thần kỳ sao, năm lên 4 tuổi, cậu bé Huỳnh bắt đầu chập chững biết đi – những bước đi đầu tiên của cuộc đời.

Thương cháu nội ốm yếu, sau khi cậu bé Huỳnh đã biết đi, sang 5 tuổi bà nội liền truyền dạy võ công gia truyền, với mong muốn duy nhất: học võ người cháu sẽ có cơ thể khỏe mạnh.

Một buổi tập của môn sinh Lâm Sơn Động
Một buổi tập của môn sinh Lâm Sơn Động

Bài tập đầu tiên, bà nội dạy cậu bé Huỳnh là hàng ngày xách 2 viên gạch đã được cột vào dây thừng, mỗi ngày xách gạch đi mười vòng quanh sân nhà.

Năm 8 tuổi, Lương Ngọc Huỳnh chính thức làm lễ nhập môn võ gia truyền của dòng họ. Bà nội cũng bắt đầu dạy cho anh châm cứu.

Trước tiên là bắt anh học các huyệt đạo cơ bản. Hồi ấy, đi học cấp một trường làng, anh đã bị thầy giáo bắt để tay lên bàn đánh mấy roi vì tội… vẽ bẩn lên tay.

Thầy không biết đó là những huyệt đạo bà lấy bút khoanh tròn ghi tên lên đó để anh dễ nhớ. Càng lớn lên, anh được bà nội truyền sâu những bài thuốc Nam gia truyền.

Khi chàng ‘nghệ sĩ tí hon’ trở thành võ sư không có địch thủ

Lương Ngọc Huỳnh từ nhỏ cũng đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Bố anh là người đã dạy cho anh đánh đàn bầu.

4
Võ sư Lương Ngọc Huỳnh trổ tài kéo nhị

Còn nhớ, năm 1972, khi máy bay B52 của Mỹ ngày đêm đánh phá Hà Nội, anh và người bố đã đi biểu diễn ở trận địa để phục vụ cho tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô, bất chấp tiếng bom rơi đạn lạc.

Vì những thành tích ấy, tháng 12 năm 1972 anh đã được biểu diễn báo cáo Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các lãnh đạo của Nhà nước tại Nhà hát Lớn Hà Nội và vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu ‘Nghệ sĩ tí hon’.

”Đó chính là động lực thúc đẩy tôi cố gắng trong cuộc sống. Cũng từ đó, hàng ngày tôi đam mê tập luyện âm nhạc, bên cạnh tập luyện võ thuật và học những bí quyết về y học của dòng họ” – anh nói.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh làm đơn xung phong đi bộ đội và phục vụ trong quân đội 3 năm.

Cuối năm 1988, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, đó là lúc như anh nói, cuộc sống kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Để mưu sinh, anh mở lớp dạy võ cho thanh, thiếu niên trong làng.

7 đời gần đây, dòng họ Lương của Huỳnh luôn có những người văn võ song toàn mà quanh vùng Đồng Quang, Quốc Oai – Hà Tây ai ai cũng biết tiếng.

Tinh hoa võ học được thế hệ trước truyền lại rất có hệ thống nên thế hệ sau không những được duy trì mà còn luôn tìm tòi, bổ sung những bí quyết mới để đạt tới đẳng cấp uyên thâm.

Chiến tranh loạn lạc, nhiều lúc tưởng chừng không thể duy trì được việc truyền dạy võ học trong dòng tộc nhưng bằng nhiều nỗ lực, môn võ gia truyền này đã đạt nhiều đỉnh cao mới, nhất là vào thời Lương Ngọc Huỳnh.

”Người ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp võ thuật và y học của tôi chính là bà nội. Bà đã sớm nhận ra những phẩm chất của tôi ngay từ khi còn nhỏ nên đã tập trung trí lực để truyền dạy võ thuật, y thuật và cả âm nhạc” – võ sư Huỳnh tâm sự.

Năm 1990, khi học trò kéo đến càng ngày càng đông, anh mới khấn tổ sư để xin thành lập môn phái của riêng mình vào ngày 23/9/1990, lấy tên là Lâm Sơn Động.

Chẳng bao lâu, Huỳnh được Sở TDTT Hà Tây (cũ) cho phép truyền bá võ thuật trong toàn tỉnh và học viên của ông lên tới hàng chục ngàn người.

Tiếp đó, ông được nhận vào dạy võ cho công an các xã và Công an huyện Quốc Oai, dạy cả cho lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Ông bắt đầu phát triển Lâm Sơn Động ra các tỉnh, TP lân cận Hà Tây như Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội…

Gia đình nhỏ của võ sư Lương Ngọc Huỳnh
Gia đình nhỏ của võ sư Lương Ngọc Huỳnh

Yêu võ và được bà truyền cho hết tinh hoa của võ thuật truyền thống gia đình, năm 27 tuổi, một mình Lương Ngọc Huỳnh lặn lội sang Trung Quốc để học hỏi tinh hoa võ thuật bên ngoài.

Sang nước bạn với 2 bàn tay trắng, nhiều khi cũng phải ‘mãi võ kiếm sống’, thậm chí phải chiến đấu lại với những lời thách thức của những môn phái xung quanh, anh luôn giữ vững tiêu chí ‘Muốn không bị rắc rối thì buộc mình phải chiến thắng trong tất cả các cuộc tỷ thí’.

Quả vậy, cho tới mãi về sau, đến khi lập nghiệp ở Nga, chàng trai đất Việt ấy chưa một lần thất bại trên sàn đấu. Thậm chí, hiếm có đối thủ nào có thể kéo dài trận đấu quá 1 phút.

Theo Duy Phương/Đất Việt