Kì 2: Đỉnh cao sự nghiệp và đời thường sóng gió
Sau những thất bại vì sự cẩu thả với công việc, gia đình, với bản thân, ông nhận ra rằng sự bắt đầu không bao giờ là quá muộn, kể cả khi ông đã ở độ tuổi luống già. Và bằng chính sự khởi động lại đó, ông đã “cứu” mình thoát khỏi “vũng ao tù” của một số phận “dưới đáy”…
Sự trở lại với vai diễn bất tử
Tưởng rằng cánh cửa điện ảnh không mở cho bước chân của Rourke thì liên tiếp chỉ trong 3 năm (từ 2005 đến 2008), Rourke đã biến cái kết trở thành có hậu.
Năm 2005, sau khi tung hoành ở Bắc Mỹ một thời gian, “Thành phố tội lỗi – Sin City” tiếp tục được chào đón nồng nhiệt tại châu Âu. Tại đây, khán giả tung hô chào mừng sự trở lại của Mickey Rourke, một người từng gục ngã vì ma túy, tù tội, hai lần hôn nhân tan vỡ và những thất bại khác trong cuộc đời…
Gần 15 năm sống như cái bóng hoang dại, “một kẻ vô danh, một địa ngục, một thân phận dưới đáy”, Sin City đã mang ông trở lại với màn ảnh, với ánh hào quang. Điều đó thậm chí khiến Rourke cảm thấy “bất ngờ đến đứng tim” vì được chào đón quá nồng nhiệt.
Nếu Sin City mang Rourke trở lại sau 15 năm chìm trong vòng luẩn quẩn ring đài – điện ảnh, tù tội và những bước đường sai lệch thì chỉ 3 năm sau đó, The Wresler chính là bộ phim đưa ông bước lên thảm đỏ Hollywood.
Trailer của bộ phim The Wresler:
Công chúng một lần nữa được chứng kiến sự “tái xuất kinh hoàng” của Mickey với vai diễn “sinh ra để dành cho ông” – Randy “The Ram” Robinson. Nữ đạo diễn Darren Aronofsky đã vẽ nên Randy “The Ram” Robinson – một tay võ sĩ luống tuổi bị cho về hưu sớm, một cuộc sống thiếu thốn, công việc làm thuê trong cửa hàng bán thịt tạm bợ và một cô tình nhân là vũ nữ cũng hết thời. Nhưng sau những thất bại đó, vì đam mê, gã đã bất chấp mọi thứ và quyết đấu một trận để đời. Một câu chuyện phản ánh chính cuộc đời của Mickey Rourke. Robinson trong The Wresrler đã tái sinh một Mickey Rourke “hư hỏng” đời thường hay chính Mickey Rourke đã biến Robinson trở thành một nhân vật màn bạc bất tử? Nói cách nào cũng chính xác cả!
Đương nhiên lần hóa thân này mang đến cho ông một vai diễn sống mãi. Bộ phim giành giải Sư tử vàng tại LHP Venice (Ý) hôm 6/9/2008 và khiến các nhà phê bình phải động não bằng hết những mỹ từ dành viết về ông, đồng nghiệp ngã mũ chào bái phục. Người hâm mộ thì tiếc nuối khi giải Nam diễn viên chính suất sắc nhất giải Oscar năm ấy lại lọt vào tay Sean Penn.
Mickey nhận giải quả cầu vàng năm 2009:
Mặc dù “cựu đô vật” Mickey (Robinson) đã không quật đổ được “chính trị gia đồng tính” Sean Penn (hóa thân trong Milk), nhưng trong buổi lễ trao giải Oscar ngày 6/9/2008, “tượng đài điện ảnh” Sean Penn sau khi bước lên sân khấu nhận giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất cũng phải hướng ánh mắt về Mickey Rourke, nở một nụ cười ngưỡng mộ và nói: “Chào mừng Mickey đã trở lại…”.
Vinh quang màn bạc – bạc phận đời thường
Sau nhiều năm “chạy qua chạy lại” giữa quyền Anh và điện ảnh, Rourke đánh mất vẻ điển trai, nam tính, đồng thời “nhận về” mình một khuôn mặt biến dạng, đầy thẹo, méo mó, môi sề còn da thì nhăn nheo, thậm chí những ngón tay của ông còn mất cảm giác. Nhiều người tự hỏi nếu không có The Wresler thì liệu có ai nhận ra Mickey Rourke hôm nay?
Từng nổi tiếng là một tài tử đào hoa của màn ảnh bạc, hẹn hò với nhiều chân dài, hàng ngàn khán thính giả giành cho ông vị trí xứng đáng trong trái tim. Thế nhưng ở độ tuổi 62, không có cuộc hôn nhân nào dừng lại, và ông vẫn là một kẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Rourke lập gia đình 2 lần, cuộc hôn nhân đầu với nữ diễn viên Debra Feuer kết thúc năm 1989, đến năm 1992 ông kết hôn với bạn diễn Carré Otis, nhưng cuộc tình này còn nặng nề hơn trước. Có tiếng là vũ phu, bởi vậy tình yêu của Rourke có màu tím bầm hơn là màu hồng.
“Tôi thường đổ tội cho những kẻ khác, cuối cùng thì tôi mới là kẻ ngu ngốc. Tôi khiến những người xung quanh sợ hãi. Không có điểm dừng và sự việc ngày càng tồi tệ. Vợ bỏ. Mất nhà, mất việc và một ngày nào đó chợt nhận ra rằng tôi chính là người phá tan tất cả” – Rourke thừa nhận, và ông cũng đã phải dành thời gian cho việc điều trị tâm lý sau đó.
Nhưng đáng ngạc nhiên là sau đó ông lại chuyển hóa yêu thương từ người sang thú: những con chó cưng. Roiurke kể rằng “Năm 2002, khi con chó cưng Beau Jack hấp hối, ông đã hì hục suốt 45 phút để hô hấp nhân tạo cho nó. Tôi cám ơn những chú chó của mình. Nó luôn bên tôi và tôi không bao giờ cô độc. Tôi không đủ can đảm tự sát những lúc tuyệt vọng nhất vì khi ấy, ánh mắt chúng như muốn oán trách tôi: “Chủ nhân ra đi, ai sẽ chăm sóc, yêu thương chúng con như chủ nhân được?””.
Mặc dù đời sống gia đình chưa vẹn toàn nhưng với Rourke, thành công ở The Wresler không chỉ là Sư tử vàng ở Venice, mà trên hết đó là phần thưởng lớn cho những nỗ lực mà Mickey Rourke đã làm được để vượt qua bản thân mình!
Nhật Vũ (tổng hợp)