Kỳ 4: Đỉnh cao nghệ thuật điện ảnh
Năm 1970, Lý Tiểu Long bị tại nạn, sống lưng bị thương nghiêm trọng, phải nằm trên giường 4 tháng, vết thương đã lành nhưng vẫn phải dùng thuốc điều trị. Thời gian đó có rất nhiều nhà chế tác điện ảnh Hong Kong đến thăm, hi vọng có thể mời ông về Hong Kong hợp tác, bao gồm nhiều công ty điện ảnh lớn nhất Hong Kong.
Thiệu Thị đưa ra mức thù lao là 10 ngàn đô la Mỹ, lúc đó tương đương với 60 ngàn đô la Hong Kong, cao gấp đôi so với diễn viên có mức thu nhập cao nhất thời đó. Trong khi đó Gia Hòa đưa ra mức thù lao là 15 ngàn đô la Mỹ, tức đến khoảng 90 ngàn đô la Hong Kong.
Gia Hòa không tiếc bỏ ra nhiều vốn như vậy là do nhãn tuệ của ông chủ Châu Văn Hoài. Ông ta khi thấy Lý Tiểu Long biểu diễn một đoạn công phu trên truyền hình đã đập bàn tán thưởng. Nhiều năm sau trong lúc phỏng vấn, họ Châu đã hăng hái nói rằng: “Khi anh ta đá vào mặt bên của tấm ván, một cước đã làm nó vỡ làm bốn, lực độ và thời gian dường như không có chút sơ sót nào…” Châu Văn Hoài nhớ lại, thời còn hợp tác cùng Lý Tiểu Long, Lý Tiểu Long đã nói đến một xuất phẩm công phu và hỏi: “Đây có phải là bộ phim hay nhất về công phu ở Hong Kong không?”. Châu Văn Hoài đáp: “Phải”. Lý Tiểu Long rất có lòng tin và nói rằng: “Nếu bộ phim này do tôi đóng, tất nhiên phải càng tốt hơn”.
Năm 1970 Lý Tiểu Long quay lại Hong Kong, không tính những lần quá cảnh ngắn ngủi trước đây thì đây là lần đầu tiên Lý Tiểu Long trở về sau 12 năm xa cách. Người từng hợp tác viết sách với Rồng nhỏ là Hoàng Ác Trung tiên sinh nhớ lại: “…lúc đó Lý Tiểu Long mang lại cho điện ảnh Hong Kong một tương lai phát triển cực kì tốt, vì vậy tôi đã tìm đến anh ta để viết một cuốn sách tên là Lý Tiểu Long, cứ một trang phỏng vấn lại có vài hình ảnh đi kèm, in xong cuốn sách lên đến 5 nghìn trang, sách xuất bản ra được hai ngày đều đã được mua sạch, phim của anh ta chưa xuất hiện mà đã gây chấn động như vậy rồi. Lúc đó khán giả Hong Long rất yêu mến anh ta, viết sách cho anh ta đã làm cho tôi kiếm được một khoản tiền nhỏ. Lúc Lý Tiểu Long vừa mới quay lại, anh ta rất nhiệt tình, giỏi ăn nói lại rất hài hước, thường kể chuyện người, con người rất hòa đồng. Vậy nên khi chúng tôi phỏng vấn anh ta, thời gian dài đến hai ba giờ nhưng anh ta vẫn rất kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của chúng tôi…”.
Châu Văn Hoài từng kí hợp đồng với Lý Tiểu Long trong hai bộ phim, đầu tiên là Đường Sơn đại huynh, do đạo diễn công phu Hong Kong và nhà tiểu thuyết nổi tiếng Nghê Khuông hợp tác. Chi phí bộ phim này rất ít, chỉ quay ở một ngôi làng nhỏ ở Thái Lan, bối cảnh vô cùng đơn giản, tình huống càng đơn giản hơn. Chính Lý Tiểu Long đã cải cách những công phu cũ rích trở thành những chiêu thức biến hóa: ra chiêu nhanh, chuẩn, tàn nhẫn. Hầu như toàn bộ chỉ cần nội trong hai chiêu đã có thể hạ gục kẻ địch, công phu vừa nhanh vừa sắc, cùng tiếng hú cao ngạo đó chính là vẻ đẹp đầy cá tính và sức mạnh của Lý Tiểu Long, khiến người ngỡ ngàng. Trong phim có một đoạn Lý Tiểu Long phải một mình địch lại 6 tên côn đồ, đã chứng tỏ được uy lực không thể ngăn cản của Lý tam cước: Ba lần quay người tung cước, mỗi lần tung cước ở 1 góc độ khác nhau, có thể giơ chân đá lên giữa chừng rồi sau đó mới quyết định là tung cước cao hay thấp, tốc độ nhanh như chớp, đối phương không thể né được.
Đường Sơn đại huynh chiếu trên xứ Cảng Thơm chưa đến ba tuần, tiền vé thu được đã lên đến 350 vạn đô la Hong Kong, đồng thời phá vỡ kỷ lục doanh thu của các phim võ thuật Hoa ngữ trên toàn Đông Nam Á, dấy lên phong trào mới cho phim võ thuật.
Đường Sơn đại huynh đã làm đảo loạn thị trường điện ảnh Hong Kong, khiến công ty Gia Hòa nhanh chóng tiến vào hàng ngũ một trong những đối thủ mạnh nhất. Châu Văn Hoài và Lý Tiểu Long đều rất thỏa mãn, tiếp tục hợp tác trong một bộ phim khác. Lý Tiểu Long vô cùng tôn trọng và tin tưởng Châu Văn Hoài. Châu Văn Hoài cũng cho phép Lý Tiểu Long tham gia và góp nhiều ý kiến trong phương diện chế tác điện ảnh, còn ra lệnh tăng kinh phí đầu tư.
Kế hoạch lớn của Lý Tiểu Long là quyết tâm đem Linda và gia đình về Hong Kong, định cư trong một biệt thự hai tầng ở Cửu Long, biệt thự này có 10 gian phòng, còn có hoa viên theo kiểu Nhật Bản. Chỗ ở này được xem là “thiên đường” tại Hong Kong thời điểm ấy.
Bộ phim thứ hai là Tinh Võ Môn, chuyện kể về người anh hùng sáng lập Tinh Võ Môn Hoắc Nguyên Giáp bị người Nhật ám hại, những cao đồ của ông bày kế trả thù rửa hận cho sư phụ. Đây là bộ phim cho đến nay còn được liệt vào hàng những bộ phim võ thuật tiêu biểu, không chỉ đưa võ thuật Trung Quốc lên một tầm cao mới, đem lại những hình ảnh mãn nhãn chưa từng thấy cho người xem, đột phá mạnh mẽ trong thể loại phim công phu báo thù trước đó, đem tinh thần dân tộc lên cao độ.
Lý Tiểu Long đã chứng minh được võ công mạnh mẽ uy lực và tốc độ nhanh như chớp của mình, đặc biệt là trong bộ phim này, ông đã sử dụng sở trường của mình mà sau này nó được phổ biến trên khắp thế giới đó là song tiệt côn (côn nhị khúc), làm cả thể giới mở rộng tầm mắt. Chỉ cần nhìn Lý Tiểu Long múa song tiệt côn qua ống kính đã cảm thấy tiền bỏ ra xem phim là vô cùng đáng giá.
Đương nhiên, với Lý, những động tác diễn xuất đó là vô cùng dễ dàng nhưng với những bạn diễn của ông thì không. Diễn viên Đỗ Huệ Đông kể: “… Lý Tiểu Long là võ sư thực thụ, trong lúc quay phim không quen dùng kỹ xảo, anh ta muốn đánh thật trong phim. Nếu diễn viên đóng vai đối thủ chọn vị trí không tốt, thì sẽ bị anh ta đả thương. Vì vậy, những cảnh chiến đấu phải dùng đến những võ sư hoặc võ sĩ đã hợp tác quen thuộc với anh ta, không quen thì đứng ngoài, không biết căn bản thì khỏi đóng.” Đỗ Huệ Đông tiết lộ thêm, thật ra Lý Tiểu Long có dùng người đóng thế mình trong các pha nhào lộn nguy hiểm. Đó chính là ngôi sao võ thuật nổi tiếng Nguyên Hoa. Bởi Lý Tiểu Long xuất thân từ phái Vịnh Xuân, không hề luyện nhào lộn.
Tinh võ môn so với Đường Sơn đại huynh càng tiến bộ hơn, đặc biệt ở khả năng diễn xuất của Lý . Không những thể hiện được tình cảm nhân vật mà ông còn có thể hóa thân thành nhân vật Trần Chân với nhiều hình tượng, như ông già chậm chạp hay anh chàng đưa thư khờ khạo.
Tinh võ môn đã đoạt giải “Bộ phim có kỹ thuật đẹp nhất” và “Bộ phim có nội dung hay nhất” tại lễ trao giải Kim Mã, phá bỏ kỷ lục bán vé mà Đường Sơn đại huynh vừa mới lập trước đó.
Tuy nhiên trong quá trình hợp tác, Lý Tiểu Long cùng đạo diễn phim Tinh Võ Môn La Duy có xảy ra không ít xích mích. Trong giới điện ảnh Hong Kong, đạo diễn giống như là một tổng tư lệnh, diễn viên không được phép đưa ra bất kì ý kiến gì. Nhưng Lý Tiểu Long không phải vậy, ông có tính cách phóng khoáng của người phương Tây lại giỏi phát hiện và nhìn nhận vấn đề, phát hiện cái gì đều đề xuất ra cái đó, vậy nên mới xảy ra sự bất đồng trong tính cách với La Duy. Lúc đó từng có tin đồn Lý Tiểu Long dùng võ lực với La Duy. Người dẫn chương trình đài truyền hình Hà Thủ Tín trong một lần phỏng vấn Lý Tiểu Long đã hỏi về chuyện này: “Anh có nghe về tin đồn rằng anh đã dùng dây nịt đánh La Duy không?” Lý Tiểu Long trả lời: “Tôi muốn đánh anh ta mà cần phải dùng đến dây nịt sao?…” Sau đó Lý Tiểu Long chỉ nói qua loa với Hà Thủ Tín rồi rời ghế đi ra ngoài, cảnh tượng này được phát trên truyền hình toàn Hong Kong.
Bộ phim công phu thứ ba của Lý Tiểu Long là Mãnh long quá giang. Lý Tiểu Long tự tổ chức tất cả, tự biên, tự đạo, tự diễn, kể về một cao thủ công phu Hong Kong sang Ý bảo vệ một tiệm ăn cho người bà con. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Hong Kong có cảnh quay tại châu Âu.
Trong Mãnh long quá giang, Lý Tiểu Long đã mời cao thủ karate từng vô địch thế giới là Chuck Norris tham gia. Những cảnh võ thuật trong phim đều được thiết kế rất ấn tượng, không phải theo tinh thần Triệt quyền đạo nhưng cho thấy đầy đủ trình độ võ học của Lý Tiểu Long. Cảnh quyết đấu sinh tử cuối cùng trong phim được quay tại đấu trường La Mã, Lý Tiểu Long không chịu dùng cách quay từng đoạn rồi cắt ghép mà phải quay luôn cả một quá trình dài để tạo ra cảnh tưởng chấn động lòng người, được xem như một trong những bộ phim công phu kinh điển nhất.
Mãnh long quá giang lại một lần nữa phá bỏ kỷ lục bán vé của phim Đông Nam Á, được công chiếu rầm rộ chưa từng có, đến nỗi cảnh sát phải xuất hiện để kiểm soát dòng người, một số rạp chiếu phim bị buộc phải ngừng chiếu để tránh sự kích động của khán giả. Bộ phim giành được giải thưởng “Bộ phim hay nhất” tại lễ trao giải Kim Mã lần thứ 11.
Còn tiếp …
Như Nguyệt – Nhật Vũ (tổng hợp)