Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 có ý nghĩa hết sức sâu sắc, là sự nối tiếp chiến công oanh liệt năm 938 của Ngô Quyền và Lê Hoàn năm 981; đồng thời ghi dấu ấn lịch sử với các giá trị về quân sự, văn hóa và là bài học cho tinh thần, tài trí và sức mạnh vô địch mang tính truyền thống của quân và dân Việt Nam mọi thời đại.
Trận Bạch Đằng năm 1288 xảy ra trên sông Bạch Đằng thuộc đất Đại Việt, là một trận đánh quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông trong lịch sử Việt Nam. Đây là chiến thắng vẻ vang của quân Đại Việt do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy trước quân xâm lược Nguyên Mông. Cho đến nay, ngoài các truyền thuyết và di tích hiện còn, nhiều dấu vết của trận chiến đã hé lộ từ những kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ học đã chứng tỏ quy mô to lớn của chiến trường xưa.
Theo TS. Lê Thị Liên – Viện Khảo cổ học: “Những nghiên cứu khảo cổ học trong vòng 35 năm trở lại đây đã đưa đến nhiều thông tin mới giá trị về di tích Bạch Đằng lịch sử. Cùng với bãi cọc Yên Giang, các bãi cọc ở Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa mới được phát hiện, và các dòng chảy cổ cũng như địa hình địa mạo chiến trường xưa đã cung cấp những bằng chứng có sức thuyết phục cao cho chiến lược và chiến thuật của danh tướng Trần Hưng Đạo”.
Lợi dụng địa thế tự nhiên, cùng với nỗ lực và tài trí tạo dựng nên một chiến trường đánh thủy độc đáo, Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành một cuộc chiến đấu anh dũng, được tổ chức khoa học, với nhiều lớp phòng ngự và tấn công, có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cánh quân, mà chủ lực là thủy quân.
Cửa sông Bạch Đằng, nơi được chọn làm điểm quyết chiến là một khu vực hiểm yếu, có đủ những điều kiện đáp ứng được yêu cầu bố trí một trận địa mai phục trên sông với quy mô lớn. Vận dụng những yếu tố đó, để tăng thế lợi hại của trận địa mai phục, Trần Hưng Đạo đã cho đóng các cọc gỗ ngầm dưới lòng sông nhằm cản phá đường tháo lui của thuyền chiến địch và tiêu diệt tại chỗ.
Theo PGS.TS Lê Đình Sỹ – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: “Trận địa quyết chiến với bãi cọc ngầm chỉ phát huy tác dụng khi nước triều xuống, nên nó đòi hỏi người chỉ huy điều hành trận chiến phải biết lợi dụng chế độ thủy triều, cùng với nghệ thuật dẫn dắt thuyền giặc vào trận địa đúng lúc, đúng chỗ. Đồng thời, sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa quân chủ lực với quân địa phương, giữa thủy binh, bộ binh và kỵ binh đã cho thấy nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã phát triển ở trình độ rất cao”.
Trận Bạch Đằng là trận đánh mai phục kết hợp với vận động tiến công trên sông nước quy mô lớn, vừa phòng thủ vững chắc, vừa tấn công quyết liệt và mưu trí, dồn địch lại mà đánh, chia tách ra mà tiêu diệt… Nhờ thông thuộc địa hình mà quân Đại Việt di chuyển chủ động trên mặt nước, trong các bãi lầy và trên bờ, trong khi quân Mông Nguyên dù đã phòng bị vẫn không thể thoát nổi trận địa thiên la địa võng đã được tạo sẵn.
Chiến thắng Bạch Đằng 1288 đại diện cho truyền thống Bạch Đằng – truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, truyền thống tiêu diệt triệt để đại quân xâm lược, giữ yên bờ cõi, đem lại nền thái bình, thịnh trị cho đất nước. Đó là nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, “dĩ đoản binh chế trường trận”, phát huy sức mạnh tổng hợp mang tính truyền thống của một nước Việt Nam đất không rộng, người không đông, nhưng sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi thế lực thù địch, mọi lực lượng xâm lăng trong bất cứ thời đại và hoàn cảnh nào.
V.Đ