(VoThuat.vn) – Kiếm hiệp Kim Dung không còn là cái tên xa lạ với hầu hết mọi người nữa, đây là bộ tiểu thuyết làm mưa làm gió trong làng điện ảnh Trung Quốc. Nếu là một fan cứng của tiểu thuyết này, chắc chắn bạn không thể không biết đến Độc Cô Cầu Bại, Tiêu Dao Tử và Vương Trùng Dương.
- Kiếm hiệp Kim Dung: Lý do Kim Dung để Dương Quá cụt tay
- Cao thủ “hoàn mỹ” nhất võ lâm trong truyện kiếm hiệp Kim Dung
Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại
Độc Cô Cầu Bại hiệu là Kiếm Ma, đây là một nhân vật huyền thoại hư cấu trong tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung. Độc Cô Cầu Bại được xem là một trong số những nhân vật có võ công cao nhất. Từ thuở võ lâm sơ khai, ông đã được người trong giang hồ tôn là thiên hạ vô địch.
Độc Cô Cầu Bại xuất hiện thông qua lời kể của nhân vật trong 2 bộ tiểu thuyết là Thần điêu đại hiệp và Tiếu ngạo giang hồ. Trong 2 tác phẩm này, chi tiết có nhắc đến Độc Cô Cầu Bại rất ngắn nhưng để lại những triết lý vô cùng sâu sắc về kiếm thuật.
Độc Cô Cầu Bại có ý nghĩa là cô độc một mình cầu được bại trận, biểu thị khả năng kiếm thuật siêu tường, có uy lực bao trùm mọi loại võ công khác trong thiên hạ. Nguồn gốc của cái tên này xuất phát từ việc sở hữu 9 chiêu thức của ông: Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức.
Đặc biệt, võ công của Độc Cô Cầu Bại có thể khắc chế được mọi môn binh khí, chưởng pháp và nội công. Ngay cả một người không có nội công thâm hậu gì cũng có thể nhờ Độc cô để làm một võ lâm cao thủ khác trọng thương.
Mỗi thức của Độc cô là khắc tinh của mỗi loại binh khí, chưởng pháp, ám khí. Khi gặp đao pháp, đao pháp vô dụng; gặp cung tên, cung tên vô dụng; gặp chưởng pháp, chưởng pháp cũng không thể xuất nổi nửa chiêu.
Sau này, trong các tiểu thuyết kiếm hiệp khác cũng xây dựng hình tượng nhân vật dựa trên hình ảnh của Độc Cô Cầu Bại, truyền nhân của ông là Dương Qúa trong Thần điêu đại hiệp, Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ rất nổi tiếng.
Tiêu Dao Tử
Tiêu Dao phái là một trong những môn phái tên tuổi của nền võ học Trung Nguyên, có sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong cốt truyện Thiên long bát bộ của nhà văn Kim Dung. Theo như trong tiểu thuyết của ông thì Tiêu Dao được sáng lập từ một cao nhân mai danh ẩn tích. Được thiên hạ bái phục, lấy tên là Tiêu Dao Tử.
Bản chất con người của những người theo phái Tiêu Dao cũng được thể hiện như chính ý nghĩa tên của môn phái. Đó là những người thích tự do tự tại, không thường xuyên tụ tập, thích phiêu lưu khắp chốn như những lãng khách.
Khi Hư Trúc và Đinh Xuân Thu giao đấu ở Thiếu Lâm tự, quần hùng nhìn vào không hiểu hai người dùng loại võ công quái lạ gì, chỉ thấy một bên đồng nhan bạch phát, như thể thần tiên. Một bên tay áo phất phơ, đi mây về gió. Hai bên cứ vừa chạm vào nhau thì lập tức bị bắn ra, chẳng khác gì một đôi bướm giữa muôn hoa, ung dung tiêu sái.
Tiêu Dao Tử tự lập ra tuyệt học riêng của mình, truyền lại cho 3 người đệ tử, tên theo thứ tự nhập môn gồm Thiên Sơn Đồng Lão, Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy. Phần lớn đệ tử củaTiêu Dao đều có tâm hồn nghệ sĩ, thích ngao du sơn thủy, đắm chìm trong tình yêu, đam mê sáng tạo, xa lánh thị phi chốn giang hồ. Họ còn rất thông thạo các bộ môn nghệ thuật.
Sau này, khi truyền đến Hư Trúc thì môn phái này không còn xuất hiện nhiều trong các tiểu thuyết khác của nhà văn trên nữa.
Vương Trùng Dương
Vương Trùng Dương là một nhân vật huyền thoại đầy bí ẩn của Kim Dung. Ông là người nắm giữ vị trí số một trong Võ Lâm Ngũ Bá, đệ nhất thiên hạ đương thời.
Trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ Điêu bắt đầu. Hình ảnh của Vương Trùng Dương được khắc họa thông qua lời kể của sư đệ Chu Bá Thông và các học trò của ông.
Vương Trùng Dương tuy là một đạo sĩ xa lánh hồng trần, sống ẩn dật với cỏ cây nhưng lại là người trọng đạo. Khi thấy cảnh người dân điêu đứng lầm than vì quân Kim xâm lược, ông đã nhập thế để cứu độ chúng sinh, lãnh đạo nhân dân đứng lên chống giặc.
Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương được bầu là người võ công cao nhất, hiệu là Trung Thần Thông. Vương Trùng Dương không mang trên mình một thứ công phu đặc trưng riêng biệt như những người kia. Qua những lời kể của Chu Bá Thông thì có lẽ công phu ưng ý nhất của ông chính là Tiên Thiên Công. Ngoài ra về cuối đời ông còn được Nhất Đăng đại sư truyền cho Nhất Dương Chỉ, công phu độc bộ của Đại Lý Đoàn Hoàng Gia.
Được biết, Vương Trùng Dương có tình cảm đặc biệt với nữ hiệp Lâm Triều Anh nhưng lại không kết hôn. Điều này khiến cho nữ hiệp tức giận, chiếm đoạt Hoạt tử nhân mộ trên núi Chung Nam.
Vương Trùng Dương không chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết mà ông còn là một nhân vật có thật trong lịch sử. Theo sử liệu Trung Quốc, Vương Trùng Dương (1113 – 1170) là một đạo sỹ sống vào đời nhà Tống. Ông là người sáng lập ra Toàn Chân giáo, là Bắc Tông của Đạo giáo Trung Quốc.
Vương Trùng Dương tên thật là Vương Trung Phu, tên tự là Duẫn Khanh, sinh ra tại Hàm Dương. Ông may mắn khi sinh ra trong một gia đình giàu có. Thuở nhỏ Vương Trùng Dương rất chăm chỉ học hành, xuất sắc tinh thông cả văn lẫn võ, lớn lên nhờ vậy mà nổi tiếng gần xa. Khi quân Kim chiếm đánh, ông đứng lên nổi dậy nhưng không thành công.
Từ đó, Vương Trùng Dương chuyên tâm nghiên cứu Đạo giáo. Lấy tên tự là Tri Minh, lập ra Toàn Chân giáo và sáng tạo nên môn nội công chính tông đứng đầu thiên hạ.
Yến Yến