Ai là vị giáo sư Judo đầu tiên của Việt Nam?

Judo hay Nhu Đạo là môn võ của người Nhật đã phát triển mạnh trên đất nước Việt Nam gần nửa thế kỷ nay.

Những chiêu thức Judo được Chân Tử Đan thi triển trên phim
Danh sách kỹ thuật Judo cơ bản

 Trong số các môn phái hiện có ở Việt Nam, võ sinh theo học môn Nhu đạo tương đối đông. Tinh thần Võ sĩ đạo cao thượng, triết lý sâu xa, những đòn biểu diễn đẹp mắt, những thế tự vệ hữu hiệu, những giáo sư danh tiếng như : Phạm Lợi, Thích Tâm Giác, Hồ Cẩm Ngạc… đó là những điều mà người ta biết về Nhu đạo. Nhưng Nhu đạo du nhập vào Việt Nam bằng cách nào? Và ai là vị giáo sư Nhu đạo đầu tiên của Việt Nam? Kể cả võ sinh Nhu đạo ít người biết đến vấn đề này.

Một trong những CLB Judo đầu tiên ở Việt Nam

Trước đây, có một thời gian người Nhật sang chíếm đóng ở Việt Nam nhưng không phải chính họ đã đầu tiên phổ biến môn võ này mà là một người Thái Lan. Năm 1937, có một sĩ quan người Thái Lan lưu vong sang Việt Nam được vị Chánh Mật thám Đông Dương thời bấy giờ mời dạy cho nhân viên Công an và Cảnh sát. Từ đó Nhu đạo bắt đầu xuất hiện nhưng phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp, chỉ có một số ít quân nhân người Việt Nam và Pháp kiều theo học mà thôi. Đến năm 1946 vị giáo sư Nhu đạo đầu tiên của Việt Nam huyền đai đệ nhất đẳng từ Pháp về nước mở lớp dạy tại sân Hào Thành với hai người Pháp phụ tá là Reiner và Zonca. Đó là giáo sư Phạm Đăng Cao. Lúc đầu cũng chỉ có Pháp kiều theo học, về sau nhóm Hàn Bái Đường đến thụ giáo và thâu đạt được nhiều kết quả.

Sau một thời gian sang Pháp được thăng đệ nhị đẳng, Giáo sư Phạm Đăng Cao về nước làm Tỉnh trưởng Cần thơ, năm 1949. Nơi đây ông lại mở dạy tại tư dinh. Vì thế trong các tỉnh miền Nam, Cần thơ là nơi Nhu đạo xuất hiện đầu tiên và có rất nhiều giáo sư Nhu đạo xuất thân từ tỉnh đó. Một vài vị nổi tiếng như : ông Phan Văn Quan hiện là chủ tịch Tổng cuộc Nhu Đạo Việt Nam, cố Trung tá Lưu Trọng Kiệt, Nguyễn Văn Chơi…

Võ sư Nguyễn Văn Chơi (mặc võ phục đứng đầu) tại Giải judo quốc tế lần 6-1998

Giáo sư Phạm Đăng Cao sang Pháp đã từ lâu nên hiện nay không biết đã được mấy đẳng. Sau khi giáo sư Phạm Đăng Cao sang Pháp thì từ Pháp Gs. Phạm Lợi về nước với những tổ chức tinh vi, chặt chẽ, phát triển mạnh môn Nhu đạo tại nước nhà. Lực lượng Thanh niên Nhu đạo ra đời và sau này đổi lại là Thanh Niên Tiền đạo Việt Nam. Tổ chức này hiện nay vẫn còn hoạt động mạnh. Trong số các giáo sư Nhu đạo tại Việt Nam, Phạm Lợi là vị Giáo sư có đẳng cấp cao nhất : Huyền đai đệ tứ đẳng, hiện đang là trưởng Ban kỹ thuật của Tổng cuộc Nhu đạo Việt Nam.

Mãi đến những năm gần đây môn phái Nhu đạo mới hân hạnh đón nhận hai vị Giáo sư xuất thân từ Nhật bản về nước. Đó là Hồ Cẩm Ngạc và Thích Tâm Giác. Cả hai vị đều là đệ tam đẳng. Nhưng bất hạnh thay Giáo sư Bùi Cẩm Ngạc sớm bỏ cõi đời để môn phái Sơn Điền mất đi một người cha, người anh kính mến. Và vì lý do chính trị đến sau ngày Cách mạng thành công, Thượng Tọa Thích Tâm Giác mới hoạt động được. Viện Nhu đạo Quang Trung bắt đầu thu nhận võ sinh và hiện nay là một võ đường rộng lớn và nổi tiếng nhất.

 

Như thế chúng ta nhận thấy rằng mặc dầu Nhu đạo là một môn võ của Nhật bản nhưng được truyền sang Việt Nam từ Tây Phương. Phạm Lợi, Hồ Cẩm Ngạc, Thích Tâm Giác là những giáo sư danh tiếng, nhưng Phạm Đăng Cao mới chính là vị Giáo sư Nhu sư đầu tiên. Và có lẽ chúng ta ai cũng nhận ra rằng những vị có tên trên là những bậc tiền bối, có công rất lớn với nền Nhu đạo Việt Nam vậy.

Trích “Nguyệt san Võ Thuật” 1970