Thật vậy, nên xếp đặc công vào nhóm các lực lượng đặc biệt hàng đầu thì sẽ hợp lý hơn. Về lý do thì có rất nhiều, nhưng tóm lại gồm một vài ý chính sau đây.
Vì sao Trung Quốc “ngán” lính đặc công Việt Nam?
Lính đặc công chống khủng bố Việt: Khắc tinh của tội phạm
1. Trình độ tác chiến cao
Lực lượng đặc công chuyên thực hiện các trận đánh ngay trong lòng địch, cũng như ở khu vực hậu phương. Điều này đòi hỏi trình độ rất cao của từng chiến đấu viên, vì họ phải hoạt động ngay giữa “sân nhà” của địch.
Những kỹ năng sinh tồn trong thiên nhiên, cũng như khả năng ẩn nấp, chiến đấu và tập kích bất ngờ đều là bắt buộc với các lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng như SPETSNAZ GRU (Nga) hay Navy SEAL (Mỹ). Về mặt này, đặc công Việt Nam có thể tự hào là đủ sức sánh ngang với các cường quốc quân sự. Mỗi chiến đấu viên đều là một sát thủ thực sự, đủ sức hạ gục những tên địch to lớn hơn mình nhiều.
Bên cạnh đó, khả năng tiềm nhập của đặc công Việt Nam cũng trở thành một huyền thoại. Người lính có thể nằm im dưới cát nóng bỏng hay lòng đất bùn lạnh từ vài giờ cho đến cả ngày, điều mà không phải người lính đặc biệt nào cũng làm được. Chính các chuyên gia của lực lượng Vympel (Nga) cũng phải giật mình khi người lính đặc công có thể bò đến sát bên cạnh mà họ không thể phát hiện ra.
Không được trang bị những trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, người chiến đấu viên đặc công phải tự nâng cao trình độ của bản thân để thích nghi với tình hình hiện nay. Do đó, nếu so sánh về người lính khi không có công nghệ hỗ trợ, đặc công Việt Nam đủ tự tin để đứng ngang hàng với các cường quốc thế giới.
2. Đặc công là lực lượng có truyền thống lâu đời
Những lực lượng đặc biệt nổi tiếng thế giới đều ra đời từ rất lâu. Nền móng của các lực lượng đặc biệt Nga (gọi chung là Spetsnaz) đã ra đời từ Thế chiến thứ hai với các đơn vị đặc biệt của NVKD. Sau đó, Spetsnaz trở thành hiện thực vào năm 1950 với quyết định của Nguyên soái Zhukov. Green Beret, lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ, cũng ra đời vào năm 1952 và vẫn hoạt động cho tới ngày nay.
Lực lượng đặc công của Việt Nam được chính thức thành lập vào ngày 19/3/1967. Nhưng phương thức tác chiến đặc biệt, lấy số ít đánh vào các vị trí phòng thủ mạnh của địch, lợi dụng yếu tố bất ngờ để giành chiến thắng đã ra đời từ kháng chiến chống Pháp. Khi đó, cách đánh này được gọi là “công đồn đặc biệt”, tên gọi Đặc công cũng từ đó mà ra.
Binh chủng đặc công đã trải qua những cuộc chiến rất khốc liệt như chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Đặc công Việt Nam đã làm nên những trận đánh chấn động thế giới như đánh vào Đại sứ quán Mỹ trong chiến dịch Mậu Thân 1968, phá hủy máy bay B-52 ở sân bay Utapao (Thái Lan) hay tiêu diệt bộ radar phản pháo hiện đại của Trung Quốc (1984).
Nhiều kinh nghiệm quý báu trong chiến đấu đã được đúc kết từ cả chiến thắng và thất bại của lực lượng này. Thực tế và kinh nghiệm chiến đấu là yếu tố mà không phải lực lượng đặc biệt nào cũng có được. Chỉ có những cường quốc như Nga, Mỹ và Anh mới có mức độ thực chiến cao như vậy.
3. Phương thức tác chiến đang được đổi mới
Trong tình hình hiện đại, không thể chỉ áp dụng các hình thức chiến đấu như thời cha ông được. Lực lượng đặc công đang được đổi mới rất nhiều cả về trang bị và hình thức tác chiến.
Hiện nay, đặc công đã mở rộng ra rất nhiều lực lượng khác nhau. Trong đó bao gồm đặc công bộ, đặc công nước, đặc công người nhái, đặc công biệt động, đặc công dù (nền tảng của Lực lượng đổ bộ đường không).
Mọi tình huống và đối phương đều đã có lực lượng chuyên trách đảm nhiệm, bảo đảm không bị “khớp” khi phải chiến đấu trong thực tế. Như vậy, Binh chủng Đặc công có đủ lực lượng và trình độ tác chiến trên mọi địa hình của Việt Nam, dù là rừng núi, hải đảo hay giữa đô thị.
Song song với việc nâng cao trình độ tác chiến và trang bị vũ khí hiện đại, đây sẽ là những điều kiện để tạo nên các mũi tiến công mạnh, nhanh gọn và đầy nguy hiểm với các đối thủ tiềm tàng. Đúng với phương châm “đánh hiểm thắng lớn” của bộ đội đặc công.
Trang bị của người chiến đấu viên cũng được đổi mới rất nhiều. Đặc công không chỉ là những người lính quần đùi cởi trần, cầm theo dao găm và thủ pháo nữa. Họ đã được trang bị áo giáp và mũ chống đạn, súng bắn tỉa với các hệ thống kính nhìn đêm hiện đại.
Đây mới chỉ là những thứ đã được công khai, liệu ai biết được thực sự đặc công sẽ có những trang bị hiện đại như thế nào nữa?
4. Khả năng huấn luyện ở mức cao
Không phải tự nhiên mà đặc công trở thành lực lượng tinh nhuệ. Công tác huấn luyện phải đảm bảo tạo ra được những người lính có kỷ luật và trình độ cao. Những kinh nghiệm chiến đấu cũng được các thế hệ đi trước truyền lại, tạo cơ sở phát triển cho các lớp đặc công kế cận.
Chính công tác huấn luyện của đặc công cũng được nước ngoài đánh giá rất cao. Lực lượng Vympel của Liên Xô từng cử nhiều sỹ quan sang tập huấn cùng đặc công Việt Nam. Các nước bạn bè như Lào, Campuchia, Cuba và nhiều nước châu Phi cũng học tập trực tiếp tại Việt Nam để xây dựng nên lực lượng đặc biệt cho riêng mình.
Kết luận
Rất khó để đánh giá chính xác và so sánh cặn kẽ giữa các lực lượng đặc nhiệm trên thế giới với đặc công Việt Nam. Nhưng một điều chắc chắn là các nước Nga hay Mỹ đều đánh giá rất cao lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này. Điều đó đủ để xếp đặc công vào top các lực lượng đặc biệt hàng đầu thế giới.
Sưu tầm (Edwin Lee)