Giấu nghề trong võ thuật và bí quyết luyện võ

Võ thuật và chuyện “giấu nghề” trong nghiệp Luyện võ. Đúng – sai, lợi – hại như thế nào? Hãy cùng VoThuat.vn tìm hiểu qua bài viết sau:

Hành trình mưu sinh của các đô vật giấu mặt Mexico

Võ sư “giấu mặt” sau sự trỗi dậy của phim võ thuật Việt

Ai có học võ cũng biết câu chuyện truyền miệng trong giới võ lâm “giấu nghề”. Truyện kể rằng: “Ở một gia đình nọ, người con được cha mình huấn luyện võ thuật cho từ bé đến khôn lớn, tài nghệ giỏi giang và nhận thấy cha mình còn giấu đôi điều. Anh ta nôn nóng muốn học và quyết tâm khám phá cho được. Đêm nọ, anh hóa trang bôi mặt giả đạo tặc vào uy hiếp cha mình. Cuộc chiến ngang ngửa tiếp diễn, người cha tuổi già không còn sức bền như đối phương còn trẻ, nên dùng đòn hiểm hạ ngay đối thủ. Bấy giờ con hiểu được điều mình muốn biết thì muộn rồi, anh phải trả giá bằng chính mạng sống của mình!”

Phương thức giấu nghề trong võ thuật là mã hóa tất cả những gì biểu hiện ra trước mắt, như bài thảo (đường quyền) tập luyện thuần thục để có thể dùng được (áp dụng trong chiến đấu) cần phải giải mã “phân thế”. Chẳng những vậy, người ta còn tung tài liệu giả “bí quyết” để người ngoài (môn phái khác) mất thì giờ, công sức tập luyện vô ích mà còn thiệt thân nữa! Chúng ta nghe nhan nhản “uống nước trả tiền” người nhanh như cắt, “luyện thiên linh cái” quyền pháp ảo diệu công phá quỷ thần kinh, “niệm chú” gọi những bậc võ nghệ tuyệt luân từ xa xưa nhập vào người sống thi triển công phu thượng thừa (như Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, quan công,… và có cả tề thiên đại thánh nếu muốn biểu diễn võ khỉ!) cho nên người học võ không có kim chỉ nam, hẳn phải sa vào mê cung thôi! Đó là bí quyết, những lời chỉ dạy chính xác đúng đắn (quyết) để người luyện võ hiểu được cái che giấu (bí), nó là chìa khóa mở cánh cửa võ thuật.

Võ thuật là vũ khí chiến đấu. Muốn chiến đấu tốt phải có thể lực tốt. Như vậy bí quyết tập luyện võ thuật là phương pháp đúng đắn rèn luyện thân thể thích ứng với quy luật chiến lược hữu hiệu. Bí quyết đó dĩ nhiên mang tính khoa học chứ không phải là những điều huyền ảo thiêng liêng không thể xét nghiệm. Lịch sử võ học còn ghi công lao của Sư tổ Đạt Ma ngồi diện bích (quay mặt vào tường) để chiêm nghiệm phương thức rèn luyện võ công, chứ nào phải thần linh giáng lâm ban phát phép thuật. Xét về phương diện rèn luyện thân thể, người xưa chia 3 yếu tố: thể chất, thể lực và thể năng.

1.Thể chất
Rèn luyện thể chất là tập luyện sức bền bỉ dẻo dai của cơ thể chống lại sự mệt mỏi. Người luyện võ phải chịu sự mệt mỏi nhất định của bài tập mỗi ngày tăng thêm một chút. Cho nên người xưa luyện võ chịu đựng môi trường sống: chôn sống dưới cát nóng bỏng, nằm trên giường đá trong hang động âm u lạnh lẽo, múa quyền trần trụi trên núi tuyết cũng như dưới suối sâu. Đọc truyện người xưa đánh nhau hàng trăm hiệp suốt ngày đêm không biết mệt là gì. Như vậy khi tập luyện võ ngày nay, chúng ta nên tập đến mỏi, rồi ráng thêm đôi chút, nhưng nhớ: hễ mệt là phải nghỉ, không được tiếp tục để khỏi hại tim mạch.

2. Thể lực

Thể lực là sức mạnh của cơ bắp khắc phục được sức cản đến từ bên ngoài. Như Hạng Vương cử đỉnh lên cao được là nhờ cơ bắp khắc phục trọng lượng ngàn cân của cái đỉnh bị húc xuống đất. Vì vậy, trong võ thuật người xưa hay dùng lực đối kháng để rèn luyện sức mạnh. Như cầm hai tạ đá (đẽo hình khóa cửa Trung Quốc có tay nắm) đi quyền theo võ phái Thái Lý Phật. Lực đối kháng có thể cùng người bạn đồng môn cùng tập như “thôi thủ” của môn phái Thái Cực quyền, có thể chính bản thân mình tạo ra lực đối kháng như cách “song thủ hổ bát” (2 tay chồng nhau) của nhân vật Châu Bá Thông.

3. Thể năng

Rèn luyện thể năng là tập cho thân thể (cả tay, chân) nhanh nhẹn và khéo léo. Nhờ vậy mà con người có thể mô phỏng theo giới tự nhiên, bắt chước các động tác đặc trưng ưu điểm của chim thú: long, xà ,hổ, báo, hạc, hầu, tượng, ưng, sư,… Bài tập những loại hình này đòi hỏi trình độ buôn lỏng cơ bắp hoàn toàn và sự phản xạ có điều kiện. Trong quyền anh người ta tập đấm quả bóng mắc dây có đàn hồi, còn thiếu lâm trồng cây thành mai hoa thung, ban đầu chạy lách né ở dưới đất không cho đụng cây, đến sau bay nhảy đấm đá tựa trên các cây cột, sao cho không trượt chân té xuống

4. Tóm lại

Ba yếu tố: thể chất, thể lực, thể năng điều hợp nhau nhuần nhuyễn tế vi trong chiến đấu (bài quyền “Lục Hợp” gồm 3 yếu tố cộng thêm tâm – ý – khí). Mặt này, võ thuật giấu nghề càng tinh vi hơn. Sự đấu tranh chiến thắng có quy luật chung nhất bất biến, người học võ phải thấu đáo để quyết định phương cách rèn luyện, khi cần phải chiến đấu thì sống còn. Quy luật đó là “tùng”, có nghĩa là nương theo. Thác nước trên núi cao đổ xuống mãnh liệt sẽ tàn phá tất cả những lực đối kháng trên đường đi. Con người không chống trả, mà nương theo sức mạnh của nó, dẫn đường cho nó đi, sử dụng nó làm chạy máy phát điện, tưới tiêu ruộng đồng. Chiến lược của võ thuật cũng lấy quy luật “tùng” làm khẩu quyết dạy võ và rèn luyện đòn thế, chiêu thức không bao giờ đối kháng lực của đối phương. Cho nên nếu kỹ thuật nào trái với quy luật “tùng” thì đó là tài liệu giả “dấu nghề” trong võ thuật. Chẳng hạn như quan niệm “đổi đòn”, nghĩa là chịu cho đối phương đánh mình để nhân đó đánh trả ác liệt hơn. Rèn luyện là quá trình hình thành tập tính, các thói quen không cưỡng được: có ngày ta sẽ chết vì đổi đòn, khi gặp phải người giỏi hơn và mạnh hơn. Người xưa quan niệm đúng đắn học võ là để chiến đấu sống còn. Nhưng ngày nay, võ được coi là một môn thể thao tối ưu để rèn luyện thân thể toàn diện, chúng ta cũng nên nắm lấy cái chìa khóa rèn luyện thể chất, thể lực, thể năng để không làm hư hỏng thui chột cơ năng quí báu của con người.

Theo Khám phá võ thuật