Dana White – chủ tịch của UFC, giải MMA lớn nhất hành tinh từng tuyên bố: “Lý Tiểu Long chính là cha đẻ của MMA. Hãy nhìn xem cách ông ấy tập luyện, thi đấu, xem tư duy của ông ấy qua những trang viết. Đó chính là MMA.”
Con đường MMA VN (Phần 1): MMA cho người Việt, có nhất thiết phải đổ máu?
Hàng loạt võ sĩ MMA chuyên nghiệp chuyển đến Việt Nam sinh sống
Có lẽ đây là một trong những phát ngôn gây tranh cãi nhất cuộc đời của Dana White. Suy cho cùng, với tư cách một doanh nhân – một người kiếm tiền nhờ võ tổng hợp MMA, Dana White đã thành công khi chỉ dùng một câu nói mà đã “lôi” được hàng triệu người hâm mộ Lý Tiểu Long hướng đôi mắt về đấu trường UFC. Thế nhưng, trong quan điểm của nhiều người, việc “Lý Tiểu Long là cha đẻ của MMA” chỉ là một chiêu trò câu khách – không hơn không kém. Vậy đâu là sự thật?
Hãy cùng nhìn lại các mốc lịch sử liên quan đến MMA.
- Năm 648 trước Công Nguyên: Olympic Hi Lạp – Thế vận hội của Thế giới cổ đại chào đón bộ môn Pankration. Đó là một bộ môn được coi như sự tổng hợp giữa Boxing và Wrestling (vật), với luật tương đối giống với MMA UFC thời kì đầu: chỉ cấm chọc mắt và cắn đối thủ. Cần hiểu rằng trong quan điểm chiến đấu thực tế cổ xưa (và cả hiện giờ) của con người, chiến đấu là sinh tồn, là bảo toàn mạng sống bằng tất cả mọi cách có thể. Vì vậy, việc xuất hiện một môn thể thao đối kháng võ thuật mang tính chất tổng hợp và toàn diện từ rất sớm là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nó phụ thuộc vào ý thức và tư duy chiến đấu của cả loài người chứ không chỉ của riêng Lý Tiểu Long. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng đây mới chính là cột mốc đầu tiên trong lịch sử MMA,
- Năm 1920: Carlos Gracie bất ngờ đại diện cho đại gia Gracie tộc tổ chức sự kiện Gracie Challenge (Lời thách thức của nhà Gracie), gửi lời mời đến võ sĩ của tất cả các môn võ đến giao đấu với luật vale tudo (tạm hiểu là đánh tự do, gần như không có luật, được dùng tất cả kĩ thuật để tạo tính công bằng cho mọi môn võ). Những trận đấu của gia đình Gracie được làng võ coi như mầm mống của MMA hiện đại. Là những người đã sáng tạo và hoàn chỉnh những bước phát triển đầu tiên bộ môn Brazilian Jiujitsu, gia tộc Gracie xem đây là cơ hội để kiểm chứng bộ môn này – bởi lẽ Brazilian Jiujitsu với hệ thống kỹ thuật khóa siết, không đấm đá trực tiếp vẫn còn là một điều khá mới mẻ. Điều thú vị là gia đình Gracie đã chiến thắng gần hết các trận đấu. Quý độc giả có thể xem kỹ hơn tại bài viết Gracie Challenge – một gia tộc thách thức cả thế giới. Cũng cần nói thêm rằng tại thời điểm này – Lý Tiểu Long vẫn chưa ra đời, chứ khoan nói đến việc sáng tạo nên MMA. (Lý Tiểu Long sinh năm 1940, mất năm 1973).
- 1963: Gene Lebell (Judo) – Milo Savage (Boxing) xảy ra mâu thuẫn và quyết định tổ chức thách đấu. Do đến từ hai bộ môn khác nhau nên cả hai quyết định sử dụng một bộ luật đã chỉnh sửa và rất gần với MMA ngày nay. Đây được xem là trận MMA đầu tiên trong lịch sử truyền thông khi trận đấu được truyền hình đến đông đảo khán giả.
- 1967: Khái niệm Triệt quyền đạo lần đầu tiên được nhắc đến bởi Lý Tiểu Long. Lần đầu tiên trong lịch sử, Lý Tiểu Long nói về tầm quan trọng của việc tổng hợp các trường phái võ thuật. Ông nhận thức sâu sắc về việc các võ sĩ sẽ trở nên tài năng hơn nếu họ có thể làm chủ nhiều trường cách thi đấu hơn, bao gồm cả đấm, đá, khóa, vật. Trong điện ảnh, ông cũng từng đưa hình ảnh bộ môn MMA cùng đôi găng hở ngón vào. Xem thêm tại bài viết: Lý Tiểu Long tìm ra Triệt quyền đạo như thế nào.
- 1970: Rorion Gracie, một thành viên của gia tộc Gracie (đã nói ở trên) đem khái niệm Vale Tudo truyền bá vào nước Mỹ, góp phần hình thành nên giải đấu võ thuật tổng hợp lớn nhất lịch sử: UFC. Như vậy, có thể chắc chắn rằng nền tàng của UFC đến từ gia đình Gracie và khái niệm Vale Tudo, không phải là Lý Tiểu Long.
- 1993: mùa giải UFC đầu tiên được tổ chức. Tuy nhiên, trong suốt những năm đầu, Brazilian Jiujitsu đại diện cho trường phái grappling gần như thống trị toàn bộ giải đấu. Các võ sĩ UFC thời kì này vẫn còn mang nặng tư tưởng môn phái, nhưng sau đó – chứng kiến sự thất bại của nhiều võ sĩ cổ hủ, tất cả đều đồng ý rằng một võ sĩ toàn diện và tài năng là người có thể thích nghi và sử dụng mọi trường phái.
Xét về mặt ngữ nghĩa, MMA – Mixed Martial Arts là “Võ thuật tổng hợp”, chứ không phải “võ thuật tự do” – thể loại võ thuật không giới hạn đòn thế và các võ sĩ có thể chỉ làm những điều họ giỏi là đủ. Đối với MMA – yếu tố “tổng hợp” được đề cao như một sự bắt buộc. Kể từ sau những mùa giải UFC đầu tiên, luật thi đấu được sửa đổi theo chiều hướng thể thao, các võ sĩ cũng dần dần đổ xô tập luyện các bộ môn võ thuật khác – những mảnh ghép còn thiếu trong kĩ năng chiến đấu của họ.
Như vậy, yếu tố “tổng hợp” và khái niệm MMA được hình thành và hoàn chỉnh trong một tiến trình dài của lịch sử võ thuật nhân loại, không phải là công lao duy nhất của Lý Tiểu Long.
Từ những điều đã phân tích ở trên, có thể khẳng định một điều: Lý Tiểu Long hoàn toàn không phải là cha đẻ của của MMA. Tuy vậy, dựa vào các mốc lịch sử, có thể thấy tư duy của huyền thoại họ Lý đã đi trước thời đại. Ông đã nhìn thấy sự cần thiết trong việc tổng hợp võ thuật, và áp dụng nó vào bộ môn Triệt Quyền Đạo – một trong những thành tựu dang dở của đời mình. Chỉ tiếc rằng, do sự phát triển của thời đại cũng như vận mệnh xấu số đã khiến ông rời khỏi cuộc đời khi mới 33 tuổi, nếu không, có thể Lý Tiểu Long đã trở thành một mảnh ghép quan trọng trong lịch sử MMA hiện đại, cũng như chính thức hoàn thiện khái niệm tổng hợp võ thuật.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”93664″]
Hồ Võ