Vào cuối thế kỷ XVI ở Tây Ban Nha đã xuất hiện hình mẫu sơ khai của lưỡi lê, nhưng người có công đưa lưỡi lê vào sử dụng rộng rãi trong quân đội là nhà vua Thụy Điển Gustav II Adolf (1611 – 1632).
Vua Gustav II Adolf đã ra lệnh trang bị lưỡi lê cho toàn bộ quân Thụy Điển trước khi tiến sang Đan Mạch, Ba Lan và Nga. Được trang bị lưỡi lê, quân đội Thụy Điển đã khiến các quốc gia khác ở châu Âu nhận ra sự lợi hại của nó trong cận chiến và ngay lập tức học theo.
Khi đó lực lượng chủ yếu của bộ binh châu Âu là lính mang súng kíp và quân bộ binh mang súng trường, các loại vũ khí trên đều là súng nạp đạn phía trước và bắn bằng cách châm ngòi, sau mỗi phát bắn phải mất gần 2 phút để nhồi lại thuốc súng. Việc quân lính vừa bắn vừa nhồi đạn chỉ thích hợp khi kẻ địch ở xa, còn khi giáp lá cà, tác dụng của súng kíp có hạn còn khẩu súng trường dài gần 2 m thì hầu như bị vô hiệu, người lính chỉ có thể chiến đấu, vật lộn bằng tay không, dựa hoàn toàn vào sức lực.
Nếu nhìn từ góc độ của nền văn minh hiện đại, kiểu vật lộn tay không đó chẳng khác mấy so với cách đánh nhau của người tiền sử. Nhưng khi lưỡi lê xuất hiện trên đầu súng, nó đã làm cho súng trường phát huy được uy lực trong cận chiến như một ngọn giáo.
Từ đó về sau hầu hết các loại súng trường đều được trang bị thêm lưỡi lê, có thể nói khẩu súng trường nếu thiếu lưỡi lê là mất đi một nửa tác dụng của nó, lưỡi lê được coi như sinh mệnh thứ hai của khẩu súng. Ngày nay lưỡi lê đã được thiết kế thêm nhiều tác dụng như đâm, chém, cưa, cắt, dũa… vẫn là một bộ phận không thể thiếu của súng trường tấn công hiện đại.