Một lần, phóng viên vothuat.vn đi kiếm nhà cựu vô địch taekwondo Asiad 1998 Hồ Nhất Thống (hạng cân 58kg) và đã rất ngạc nhiên khi cô hàng xóm của anh đưa ra chi tiết lạ: “Có phải đó là cái anh hay cười, thường xuyên mặc áo mưa lúc trời… nắng không?”. Không lầm vào đâu được, đó chính là thời điểm Hồ Nhất Thống đang ép cân.
Những VĐV thi đấu trong những môn thể thao có quy định hạng cân (các môn võ thuật, cử tạ, vật… kể cả nài đua ngựa) thường cố gắng đạt lợi thế hơn đối thủ bằng cách thi đấu ở một hạng cân nhẹ cân hơn cân nặng bình thường của mình. Chính vì thế, việc chọn phương cách ép cân sao cho khoa học và giữ được sức khỏe luôn là bài toán khó đối với hầu hết các VĐV…
Đôn cân khổ gấp ngàn lần ép cân
Bất đắc dĩ, võ sĩ mới chọn phương pháp đôn cân (thường là do thiếu người) bởi thành tích của VĐV “đôn cân” vẫn luôn kém hơn người “ép cân”. Chỉ cần tăng lên 3 kg trong 10 ngày đã là một nỗi lo lớn. Trong giới võ sĩ thường đồn nhau, các HLV ở mỗi tỉnh thành luôn thủ sẵn loại quần lót có đúc chì, mục đích là để đưa võ sĩ đôn cân mặc (trọng lượng tăng thêm từ 3 đến 4kg nhờ vào cục chì được gắn kín đáo nơi mép quần) khi cân. Dinh dưỡng của võ sĩ đôn cân là ăn ngày nhiều bữa (6-8 bữa/ngày), mỗi bữa nhiều chất béo và nước (sữa), đặc biệt là càng nhịn tiểu càng… tốt.
Cựu tuyển thủ taekwondo Hà Nội Nguyễn Quang Hưng nhớ lại: “Trước giải toàn quốc, do ăn uống không quen nên thay vì tăng ký, tôi lại sụt ký rất nhanh (đánh hạng 58kg mà chỉ nặng có 52,5 kg). Cố ăn lắm lắm mà đến sát giờ cân, tôi vẫn còn thiếu 2 kg và không trúng thực là may”. Và để đạt được mục tiêu mong muốn, Hưng tức tốc lao vào quán dùng liên 2 tô phở đặc biệt, đập ngay 10 quả trứng quà. Quất xong, cậu ta chơi luôn một ca nước to cho căng bụng. Ba phút trước giờ lên cân, Hưng cố nhịn tiểu rồi nạp thêm 1 chai nước khoáng La Vie. Vừa cân xong, Hưng lao ngay vào toalet, mửa hết những gì trong bụng. Dĩ nhiên thành tích giải ấy của anh chỉ là con số 0.
Ép cân: Đi massage không cần… người đẹp
Ép lợi hơn đôn nhiều: vừa không bị trúng thực, vừa có ưu thế hơn đối thủ cùng hạng. Đúng nguyên tắc, cái đêm trước giờ lên bàn cân nếu võ sĩ còn dư khoảng 700 gram là rất tuyệt (tối không uống nước để sáng dậy, đi vệ sinh, tập nhẹ ra mồ hôi lần nữa là ổn). Tuyển thủ judo Nguyễn Ngọc Phong (VĐQG 72kg và 66kg) đã từng ép gấp 3kg chỉ trong 5 ngày đấu giải bằng phương pháp cổ truyền: đi xông hơi. Trước giải, anh mua chỉ 1 vé ticket rồi xông liền 3 lần (1 lần 15 phút) kết hợp tắm nhanh cho ra mồ hôi. Kết quả: 1,5kg trọng lượng “bay vèo” trong tích tắc. Với Phạm Mạnh Anh Vũ, HCĐ giải judo trẻ châu Á thì chọn phương pháp ép từ xa và xông hơi tại nhà: một nồi nước sôi với các lá cây, một tấm mền lớn trùm kín từ đầu đến chân và ngồi… một giờ đồng hồ. Một ngày, xen kẽ với các buổi tập, Vũ phải thực hiện việc xông hơi ít nhất 3 lần/ngày. Với mật độ 4 buổi tập/ngày, xông hơi 3 lần/ngày kết hợp với việc ăn uống hợp lý để giảm cân, thường Vũ ép được ít nhất 7kg trọng lượng cơ thể của mình trước khi lên sàn đấu.
Bí mật của các nữ võ sĩ
Con gái chúa ăn vặt nên chuyện ép cân của họ so với các nam VĐV khổ gấp trăm ngàn lần. Không phải hẳn nhiên mà sáng sớm, các HLV thường xuyên mang cân sang phòng các nữ học trò để kiểm tra, đôn đốc chuyện ép cân. Bởi thế mà trong phòng họ, tuyệt đối bày ra các loại mắm đi kèm cóc, ổi, chùm ruột… trước mặt các thầy. Với các VĐV hạng cân nhẹ như Huyền Diệu (47kg, taekwondo) hay Văn Ngọc Tú (48kg, judo) chuyện ép cân khá giản đơn nhưng với những cân nặng như Như Ý (63kg), Nguyễn Thị Dinh (70kg, judo), Ngọc Trâm (68kg, taekwondo)… chuyện giữ trọng lượng là không thể lơ là. Có một dạo, các tụ điểm massage gần nhà thi đấu Phan Đình Phùng là bạn hàng thân thiết các nữ võ sĩ Việt Nam trước giải taekwondo và judo quốc tế (điều này khẳng định các võ sĩ nữ khó có thể ép cân từ xa được). Sự xuất hiện của họ ban đầu làm há hốc mồm các nữ tiếp viên tại đây (cứ tưởng là dân đồng tính) về sau cũng quen dần vì họ đến theo nhóm và chỉ vào phòng xông hơi vài chục phút rồi… ra.
Câu chuyện về viên thuốc lợi tiểu
Đây vẫn được xem bí mật của các VĐV thể thao. Đó là loại thuốc cấm trong danh mục của WADA (Ủy ban phòng chống Doping). Hạn hữu lắm, các VĐV mới dùng thuốc này (do không có kế hoạch ép cân từ xa) và chỉ dùng ở các giải trong nước (không kiểm tra doping). Dùng thuốc lợi tiểu, VĐV đi tiểu liên tục, thậm chí thức khuya chỉ để đi vệ sinh (có người ngồi hẳn vào trong toa lét để khỏi “ra vô” cho mệt). Càng thức khuya, càng tiểu nhiều, trọng lượng suy giảm cực nhanh. Với những VĐV ép cân bằng thuốc, các HLV xếp họ vào chung một phòng, mục đích là không để ảnh hưởng giấc ngủ người khác (mà cũng để dễ bề tha hồ “ta bà” với nhau).
Tại Olympic Bắc Kinh 2008, nữ VĐV Thể dục dụng cụ Ngân Thương, chỉ vì muốn giảm nhanh trọng lượng đã dùng thuốc lợi tiểu. Sự việc vở lỡ, cô bị WADA cấm thi đấu 1 năm. Đáng buồn là Ngân Thương thấy mình “béo” quá nên muốn sụt ký nhanh (cho ưa nhìn hơn), chứ môn cô thi đấu đâu có kiểm tra trọng lượng. Một bài học đau lòng và kinh nghiệm cho thể thao Việt Nam…
Dinh dưỡng và tập luyện lắm nhiêu khê
Khoảng một tháng rưỡi là đến ngày thi đấu, tự các VĐV phải biết điều chỉnh trọng lượng cơ thể. Giai đoạn đầu tiên, việc phải mặc nhiều áo để cơ thể đủ nóng nhằm tiết ra nhiều mồ hôi trong lúc tập luyện đồng thời gia tăng cường độ, khối lượng tập luyện hơn gấp hai, ba lần so với những VĐV không ép cân. Khoảng 5 giờ sáng là đã bắt đầu buổi tự tập với bài chạy việt dã (ít nhất là 5.000 m). Thường thì với cự ly này, các võ sĩ phải chọn phương thức chạy biến tốc (50m nhanh, 50m chậm). Đúng 7 giờ, buổi tập thể lực cùng với đội, vẫn mặc ba áo ấm khi thực hiện bài tập, phải cố gắng lắm mới theo nổi đồng đội…
Dinh dưỡng của các võ sĩ khi đang ép cân là nói không với chất béo (không đường, mỡ), chọn những món ăn nhẹ giàu chất dinh dưỡng: thịt bò, trứng gà la-cót (nửa sống nửa chín), sữa, các loại thuốc bổ Vitamin, B Comlex-C… Hột vịt lột được xem là thần dược ép kg (giàu dinh dưỡng nhưng không làm tăng trọng lượng) nhưng rất kỵ ăn vào ban đêm (trúng thực coi như tiêu…). Việc chọn các loại rau xanh, hoa quả giàu dinh dưỡng nhưng tiêu hóa tốt (rau xà lách, khoai tây, chuối, đu đủ) là một cách để thay cho việc… uống nhiều nước khoáng khi ra mồ hôi.
HIẾU DÂN