Với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Hollywood và Hồng Kông, ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt giúp người hâm mộ có cái nhìn rõ ràng hơn về nghề diễn viên đóng thế đầy vất vả.
Góc quay không tập trung toàn bộ cơ thể người đóng thế
Dù “chuyên trị” những vai chính trong các phim bom tấn của điện ảnh Hoa ngữ lẫn Hollywood nhưng Lý Liên Kiệt tỏ ra là người am tường về các cascadeur (diễn viên đóng thế). Trong buổi trò chuyện với Sina gần đây, ngôi sao võ thuật hành động tiết lộ về công việc khá vất vả và nguy hiểm trong ngành điện ảnh này. Đồng thời anh, cũng chỉ ra sự khác biệt giữa diễn viên đóng thế tại Hong Kong và Hollywood.
Theo ngôi sao của Thiếu lâm tự, yêu cầu của ngành công nghiệp điện ảnh đối với một diễn viên đóng thế khác xa so với những gì họ được học từ các võ sư. Khi lên hình, máy quay chỉ ghi lại những góc nhất định của diễn viên mỗi khi thi triển các pha hành động liên tục. Diễn viên thông thường, phần mặt sẽ được máy quay tập trung trong một thời điểm nhất định. Trong khi đó, với một diễn viên đóng thế, những bộ phận như tay, chân hay các phần nhất định trên cơ thể mới là điểm nhấn chính trong các cảnh quay hành động.
Khái niệm vận động toàn thân trong võ thuật cổ truyền sẽ không được áp dụng trong điện ảnh, thậm chí bị coi nhẹ bởi diễn viên chính mới là nhân vật trung tâm. Do đó, yếu tố quan trọng hàng đầu đối với một diễn viên đóng thế chính là kinh nghiệm diễn xuất trước máy quay.
Khác biệt giữa nghề đóng thế ở Hollywood và Hong Kong
Lý Liên Kiệt cho biết thêm, đóng thế rất dễ gặp rủi ro chấn thương hoặc thậm chí thiệt mạng, khiến không ít người ngần ngại với nghề này. Nam tài tử 51 tuổi tiết lộ, ngành công nghiệp đóng thế của Hollywood được trang bị các thiết bị bảo hộ an toàn vô cùng nghiêm ngặt và hoàn hảo. Điều này khiến diễn viên đóng thế gặp ít rủi ro hơn cũng như rất hiếm xảy ra trường hợp tử vong. Tuy vậy, những trường hợp người đóng thế gặp chấn thương cơ bắp, rạn hay gãy xương là điều khó tránh khỏi.
Anh cho rằng, nghề đóng thế ở Hollywood đã phát triển một cách chuyên nghiệp hóa, vượt bậc hơn hẳn so với các đồng nghiệp ở Hong Kong. Lý Liên Kiệt lấy dẫn chứng, với các bộ phim hành động, đạo diễn thường sử dụng rất nhiều diễn viên đóng thế. Họ có vai trò thay thế diễn viên chính trong phim tham gia các cảnh quay nguy hiểm có độ khó cao như đua xe hơi, nhảy từ tòa nhà cao tầng, giao đấu…
Lý do là bởi mỗi một pha hành động như vậy sẽ chỉ do một diễn viên đóng thế đã được đào tạo bài bản thực hiện. Ở Hollywood, diễn viên đóng thế đã có sự chuyên môn hóa cao, với người thực hiện nhảy lầu sẽ chỉ lo đảm nhiệm đóng thế các cảnh quay nhảy lầu, diễn viên lái xe đua chỉ đóng thế các cảnh phim liên quan đến đua xe… không thể đánh đấm hay nhảy qua lửa hoặc thực hiện những pha hành động nguy hiểm khác.
Trong khi đó, các diễn viên đóng thế ở Hong Kong lại thường phải ôm đồm khá nhiều cảnh quay nguy hiểm khác nhau. Một diễn viên đóng thế cần phải biết võ thuật, đối mặt với lửa, có khả năng bơi, lặn dưới nước, nhào lộn và nhiều hành động mạo hiểm khác.
Cách phòng vệ và tránh rủi ro
Lý Liên Kiệt khuyên các diễn viên đóng thế nên tìm một người thầy giỏi, giúp họ biết tự bảo vệ bản thân cũng như tránh các nguy cơ dẫn đến rủi ro. Chính những người thầy giỏi là người có nhiều kinh nghiệm và biết chính xác ai phù hợp với pha hành động nào trong một bộ phim.
Tuy nhiên, theo Lý Liên Kiệt thì người dạy về nghề đóng thế còn chưa phổ biến như các võ sư dạy võ. Hơn nữa, không phải lúc nào cũng trông chờ vào người thầy hay huấn luyện viên kém mà phải biết tìm những người thầy giỏi, có kinh nghiệm.
Nói về phương pháp tự vệ, Lý Liên Kiệt tự nhận bản thân không có nhiều kinh nghiệm, “vì tôi tập wushu thường tập trung vào những yếu tố khác nên không đưa ra được lời khuyên cụ thể”.
Thế nhưng nam tài tử sinh năm 1963 cho rằng, việc luyện tập cần phù hợp với sức khỏe và thể chất của mỗi người. Không có một kỹ thuật tự vệ hoàn hảo nào cho bất kỳ ai trong khi các tình huống luôn thiên biến vạn hóa và bất ngờ. Khi đó, không thể biết rõ phải dùng võ công gì là phù hợp nhất trong tình huống phải tấn công một người khác.
Lý Liên Kiệt khuyên nên tránh đụng độ hay đối đầu. Mỗi khi gặp tình huống nguy hiểm, hành động khôn ngoan nhất là nhờ đến sự can thiệp của cơ quan an ninh. Anh lấy ví dụ khi gặp một tên cướp dí súng vào đầu với ý định cướp của: “Trong trường hợp này tốt nhất là đưa tiền cho hắn hơn là mạo hiểm tính mạng. Biết đâu trong giây lát khẩu súng cướp cò sẽ tiêu tan bao năm trời bạn luyện tập võ thuật”.
Lý Liên Kiệt khẳng định: “Bạn phải phân biệt được giữa phim ảnh với thực tại. Những người hùng trên phim có thể đánh văng súng đối phương để cứu bản thân, còn thực tế sẽ khó xảy ra điều như vậy”.
Theo Dân Việt