Sau Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh được coi là cái tên sáng giá chèo lái con thuyền “võ thuật Trung Hoa” đến với bạn bè thế giới.
Ngô Kinh là một trong những diễn viên võ thuật hàng đầu Trung Quốc
Sau Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh được coi là cái tên sáng giá chèo lái con thuyền “võ thuật Trung Hoa” đến với bạn bè thế giới. Gần đây, khi thông tin ngôi sao võ thuật Ngô Kinh bị chấn thương ở chân và có thể sẽ phải giã từ sự nghiệp đóng phim, khán giả của anh đã vô cùng bàng hoàng và tỏ ra tiếc nuối. Nhìn lại chặng đường đóng phim của Ngô Kinh, người ta lại càng khâm phục nghị lực phi thường mà không phải diễn viên nào cũng đủ đam mê hy sinh vì sự nghiệp như vậy.
Ngô Kinh sinh ngày 3 tháng 4 năm 1974 tại Bắc Kinh. Từ năm lên 6, Ngô Kinh đã được tiếp xúc với võ thuật qua các bài học rèn luyện khổ cực tại viện võ thuật Bắc Kinh. Năm 1989, anh được tuyển chọn vào vào đội tuyển wushu Bắc Kinh dưới sự hướng dẫn của sư phụ Ngô Bân (cũng là sư phụ của diễn viên Lý Liên Kiệt). Hai năm sau đó, Ngô Kinh chính thức làm nên tên tuổi của mình trong giới võ thuật với các giải thưởng danh giá: Quán quân võ thuật toàn quốc với phần thi múa thương vào các năm 1984; 1986; 1987; 1989; 1991; 1994. Lớn lên trong môi trường rèn luyện khắc nghiệt khiến Ngô Kinh sớm thể hiện là một người mạnh mẽ và rắn rỏi. Mặc dù võ thuật là con đường đầy chông gai thử thách, đôi khi để đến với nó và theo đuổi nó người ta phải đánh đổi bằng cả sinh mạng nhưng với Ngô Kinh, võ thuật như là hơi thở để anh duy trì sự yêu thương, niềm tha thiết với cuộc đời.
Thái cực quyền là bộ phim đầu đời của Ngô Kinh
Năm 1995 có lẽ sẽ được coi là một dấu mốc trong sự nghiệp của Ngô Kinh khi anh được sư phụ Ngô Bân giới thiệu với đạo diễn võ thuật nổi tiếng Trương Hâm Viêm. Lần đầu tiên gặp Ngô Kinh, vị đạo diễn này đã nhận định đây là một tài năng hiếm có, vì vậy Trương Hâm Viêm đã mời Ngô Kinh tham gia vào dự án phim của mình. Từ đây, cũng giống như đàn anh Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh bắt đầu “rẽ bước” sự nghiệp và bén duyên với điện ảnh. Trong năm 1995, Ngô Kinh chính thức nhận lời tham gia Thái cực quyền. Sau này khi nhớ lại khoảng thời gian đóng Thái cực quyền, Ngô Kinh chia sẻ anh vẫn không thể nào quên lần đầu tiên đóng các cảnh võ thuật trong phim. Khi đó anh vẫn chưa biết kiểm soát các cú đánh và điều khó khăn hơn nữa là phải diễn cảnh “liếc mắt đưa tình” với nữ diễn viên gợi cảm Chung Lệ Đề.
Mặc dù những vết thương để lại sau mỗi lần tập võ đã đem đến cho anh không ít khó khăn, đặc biệt là về sức khỏe nhưng sau thành công của bộ phim đầu đời, anh lại muốn theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Chính vì vậy năm 1998 và 1999 Ngô Kinh tiếp tục nhận lời mời tham gia hai bộ phim truyền hình Thái cực tôn sư và Tiểu lý phi đao. Hai bộ phim này đã cho khán giả thấy một Ngô Kinh hoàn toàn khác, không chỉ giỏi võ mà diễn xuất cũng như biểu cảm trong phim đều tiến bộ rõ rệt. Đạo diễn không ngớt lời khen ngợi Ngô Kinh. Trước ống kính, Ngô Kinh không còn ngại ngùng mà diễn rất nhập vai, nhớ lời thoại và biểu cảm linh hoạt. Nhận được nhiều phản hồi tích cực, Ngô Kinh chia sẻ: “Người học võ đều có chung một tính cách đó là khi thi đấu nhất định phải dành chiến thắng. Tôi coi diễn xuất như một sự thử thách đối với mình. Vì vậy diễn cũng phải dành hết tâm trí để làm cho tốt, còn nếu không dứt khoát không làm”.
Những năm sau đó, Ngô Kinh liên tiếp nhận được lời mời vào các dự án phim đầy hứa hẹn. Và các tác phẩm như Giang sơn nhi nữ kỷ đa tình (2001); Thiếu lâm võ vương (2001); Nam thiếu lâm 36 phòng (2003); Sát phá lang (2005); Võ đang lần lượt ra mắt khán giả. Trong đó tác phẩm Sát phá lang của Diệp Vĩ Tín đánh dấu duyên số của Ngô Kinh với phim điện ảnh. Trong phim, Ngô Kinh vào vai sát thủ với vẻ mặt lạnh lùng, tính cách tàn độc, hung bạo. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên võ thuật gạo cội như Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo. Được biết trong phim, Ngô Kinh và Chân Tử Đan đã có những màn đấu võ vô cùng đẹp mắt. Đạo diễn cho biết, trước khi diễn cảnh đối kháng, cả hai đã phải thảo luận những chiêu thức võ thuật để ăn khớp với nhau, và thống nhất những độc tác nhẹ nhàng ít gây thương tổn nhất. Nhưng khi diễn, với bản tính của người học võ lạnh lùng trong thi đấu, cả Ngô Kinh và Chân Tử Đan diễn mà như thật với hàng loạt pha võ thuật khiến khán giả phải thán phục.
Sau thành công của Sát phá lang, Ngô Kinh được nhiều nhà làm phim điện ảnh để ý. Từ năm 2006 đến năm 2008, anh tham gia vào các tác phẩm điện ảnh đáng chú ý như: Hắc quyền, Nam nhi bản sắc, Sứ mạng song sinh, Huyết chiến…
Những năm gần đây, Ngô Kinh còn thử sức với vai trò đạo diễn qua các bộ phim như Sát thủ huyền thoại (2008) và một bộ phim về đề tài quân sự Chiến lang (2013). Đây có thể coi là những tác phẩm ghi dấu bước ngoặt từ diễn viên sang đạo diễn của Ngô Kinh.
Được biết đến là diễn viên hay đạo diễn thì ở vai trò nào Ngô Kinh cũng thể hiện là người trách nhiệm và hết mình với công việc. Với thành công ở mảng phim võ thuật, Ngô Kinh xứng đáng được mệnh danh là người kế thừa đưa phim võ thuật Trung Hoa đến với đông đảo bạn bè trên thế giới. Có thể nói, sau lần chấn thương này, khó có thể nói trước Ngô Kinh có “rời xa” làng võ hay quyết định “rẽ bước” hoàn toàn sang vai trò đạo diễn, song dù quyết định của anh là gì thì có lẽ những khán giả của anh sẽ gật đầu ủng hộ và tiếp tục dõi theo anh trong chặng đường sau này.
Theo myidol.com