Đánh đổi danh tiếng, địa vị, nhà vô địch Muay Thái Nong Tum lừng danh với bộ sưu tập thành tích đáng nể: thượng đài gần 60 trận, trong đó hơn 30 trận hạ knock-out đối thủ đã quyết định từ bỏ tất cả để thực hiện ước mơ của mình – trở thành một “cô gái” đúng nghĩa.
Thái Lan không chỉ là đất nước nổi tiếng bởi nhiều cảnh đẹp, con người thân thiện mà nó còn nổi tiếng bởi cộng đồng đông đảo người “shemale”. – những người chuyển giới sinh sống ở đây. Shemale là từ ghép trong tiếng Anh để gọi những người đàn ông chuyển đổi giới tính thành phụ nữ tại Thái lan, là từ ghép bởi hai từ “she” (cô ấy) và “male” (đàn ông).
Dù “Shemale” chiếm phần không nhỏ trong xã hội Thái Lan, thu nhập của họ cũng khá hơn các tầng lớp khác nhưng ít người biết, họ đã phải hi sinh và đấu tranh để có được hạnh phúc của chính mình. Nong Tum là một trường hợp shemale điển hình như vậy.
Ở Thái Lan, chẳng ai không biết đến Nong Tum – nhà vô địch Muay Thái lừng danh với bộ sưu tập thành tích đáng nể: thượng đài gần 60 trận, trong đó hơn 30 trận hạ knock-out đối thủ. Tuy nhiên, đằng sau cái tên Nong Tum mạnh mẽ lại ẩn giấu câu chuyện khác. Ngay từ năm lên 6-7, Nong Tum đã biết trái tim mình không thuộc về thân xác của một cậu bé, nhưng do đói nghèo, cậu bé đã phải nuốt nước mắt vào trong, giấu đi giới tính thật.
Mãi đến năm 1999, Nong Tum mới cho mọi người biết ý nguyện thầm kín của mình là sẽ phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, cậu đã bị xã hội và người hâm mộ phản đối kịch liệt bởi Nong Tum là một hình tượng của ý chí, là sức mạnh và lòng tự hào của những người đam mê Muay Thái. Trên hết, Nong Tum chính là nhà vô địch huyền thoại của các sàn giác đấu. Cậu đã rất đau khổ khi không được mọi người ủng hộ nhưng ý chí của cậu đã chiến thắng định kiến khắc nghiệt của xã hội.
Sau gần hai năm trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, nhà vô địch một thời giờ đây đã chính thức trở thành cô Parinya Charoenphol. Khi đã đạt được ước mơ cháy bỏng, “cô võ sĩ” lại vấp phải khó khăn khác. Lần đầu tiên bước trên sàn diễn thời trang, cô có cảm giác như bị lăng nhục. Cô tâm sự: “Tôi cảm thấy bị tổn thương khi nhận ra mình là thứ không giống những người khác. Tệ hơn, vài người nghĩ tôi muốn bước ra khỏi hình ảnh “xấu xí” của môn quyền Thái, bộ môn mà tôi rất biết ơn, đã giúp gia đình tôi có cuộc sống khá hơn”.
Có thời gian, cô bị trầm cảm khi không chịu đựng nổi những xôn xao của đồng nghiệp về mình. Nhờ sự an ủi của gia đình và những đồng nghiệp tốt, cô đã đứng lên và dần bước đến đỉnh cao của bầu trời nghệ thuật Thái Lan ngày nay. Cô tâm sự, nếu có kiếp sau, cô muốn là một người đàn ông đúng nghĩa và vẫn sẽ là một nhà vô địch Muay Thái.
Ly Nguyễn