Nổi tiếng, được giới chuyên môn cùng khán giả thừa nhận nhưng con đường để thành ngôi sao võ thuật của họ lại mang theo cả tuổi thơ nổi loạn.
- Thành Long sẽ song ca cùng Ngô Kinh trên sân khấu mừng Xuân.
- Ryuji Imai: Cậu bé “cuồng” Lý Tiểu Long và ánh hào quang lấp lánh.
Thành Long: Gia đình xã hội đen, tuổi thơ ngông cuồng
Thành Long là ngôi sao đẳng cấp quốc tế khó có thể thay thế hiện nay. Nhưng sao nam 61 tuổi chưa bao giờ quên quá khứ thơ ấu chông gai. Cha Thành Long là một sĩ quan có máu mặt trong giới giang hồ ở Nam Kinh, mẹ anh giàu có nhờ việc buôn ma túy. Cũng vì thế, từ nhỏ Thành Long đặc biệt đam mê võ thuật, đánh nhau.
“Tôi nghịch ngợm đến mức không ai dám đến gần. Thời tiểu học, trung học, tôi khó có thể lên lớp vì bỏ học liên miên. Đến bây giờ, tôi thừa nhận năm xưa nếu cố gắng học hành hơn, có thể tôi sẽ có tư duy khác khi dạy con trai” – Thành Long chia sẻ. Vì ngỗ ngược, anh được chuyển đến học tại Học viện Hí kịch Hong Kong và gia nhập nhóm Thất tiểu phúc cùng Hồng Kim Bảo, Nguyên Hoa, Nguyên Bân, Nguyên Đức, Nguyên Bưu và Nguyên Khuê. Thời gian đầu khi khởi nghiệp diễn xuất, Thành Long chỉ là người đóng thế cho Lý Tiểu Long, chấp nhận đóng phim cấp ba. “Nghĩ lại giai đoạn đó, tôi luôn tự răn đe bản thân phải nỗ lực không ngừng”.
Châu Tinh Trì: Đói kém, thiếu học sinh bủn xỉn
Châu Tinh Trì sinh năm 1962, đam mê Kung Fu từ nhỏ và anh theo học Vịnh Xuân Quyền. Thần tượng của Châu là Lý Tiểu Long nên “vua hài màn ảnh Hong Kong” luôn muốn phấn đấu như tiền bối. Dù võ học của Châu Tinh Trì thua kém các cao thủ khác nhưng cũng thuộc hàng sao thực chiến. Về độ nổi tiếng, anh vươn tầm châu Á, không kém cạnh ai.
Nhưng Châu Tinh Trì lại bị chỉ trích vì tính keo kiệt, bẩn tính. Có người nói xuất thân gia đình nghèo khó và thời thơ ấu không êm đềm là nguyên nhân khiến Châu trở thành người như vậy. Châu Tinh Trì sinh trưởng trong gia đình đổ vỡ, mẹ một tay nuôi ba anh em ăn học. Thời nhỏ ham học võ nhưng Châu chỉ có thể tiếp cận võ học thông qua màn ảnh. Sau này, “vua hài Hong Kong” đầu quân cho TVB nhưng cũng không được đánh giá cao.Thời đó nữ diễn viên đàn chị Trịnh Du Linh từng tuyên bố: “Mãi mãi không có ngày Châu Tinh Trì nổi tiếng”. Quá khứ bị đói ăn, đói mặc và coi thường khiến Châu Tinh Trì luôn sống tiết kiệm đến mức khó có thể chấp nhận được. Khi có danh tiếng rồi, anh cũng lo lắng bị người khác giật mất vị trí nên luôn đặt mình ở vị trí trung tâm.
Chân Tử Đan: Bỏ học, đi làm bảo vệ ở khu đèn đỏ
Chân Tử Đan thừa nhận tuổi trẻ trong anh là chuỗi dài những ngày tháng sống không nghĩ đến ngày mai. Say mê võ học, sùng bái Lý Tiểu Long, Chân Tử Đan cho rằng học văn hóa là điều không cần thiết. Anh liên tục bỏ học, khiến gia đình buông xuôi.
“Nói chung việc bỏ học với tôi là chuyện thường như cơm bữa. Mà có đến trường, nhiệm vụ điểm danh xong là tôi lăn ra ngủ. Về đến nhà, tôi không bao giờ học hành, mặc cho cha mẹ mẳng mỏ, điểm số tôi thấp nhất nhì lớp. Nghĩ lại chuyện xưa tôi cũng thấy mình hư hỏng”. 16 tuổi, sau một lần cãi vã với bố, Chân Tử Đan bỏ nhà đến xin việc làm bảo vệ ở một khu đền đỏ tại Mỹ. Ngày ngày đấu đá với các tay anh chị đến suýt mất mạng, Chân Tử Đan mới sợ nghề này và quyết định trở về Bắc Kinh lập nghiệp. Trở về Bắc Kinh là quyết định sáng suốt trong cuộc đời Chân Tử Đan. Anh theo học wushu chính thống, lọt vào mắt xanh các đạo diễn tên tuổi. Mất 10 năm, anh tạo được dấu mốc lớn trong sự nghiệp khi vào vaiThiếu niên Hoàng Phi Hồng. Sau đó, anh vươn tầm quốc tế với nhiều bộ phim nổi tiếng như Anh hùng, Diệp Vấn 1,2…
Lâm Chính Anh: “Người thách đấu Lý Tiểu Long” và cảnh nghèo khó, vào tù ra tội
Tài tử sinh năm 1952 – Lâm Chính Anh nằm trong Top những ngôi sao võ thuật nổi tiếng nhất Trung Quốc sau khi gây chú ý nhờ Ma cà rồng, Con đường của rồng… Ông từng có thời gian hợp tác với Lý Tiểu Long. Sau này, khi huyền thoại họ Lý qua đời, ông thường hợp tác với Hồng Kim Bảo. Năm 1997, Chính Anh qua đời sau thời gian đấu tranh với bệnh ung thư gan.
Có thể nói cuộc đời với Lâm Chính Anh là chuỗi dài những ngày bi kịch. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 6 anh chị em. Khi đang học tiểu học, Lâm Chính Anh phải bỏ học vì không có tiền. Sau này, ông may mắn được theo học tại Học viện Hí kịch Hong Kong. Có chút võ nghệ trong người, từ nhỏ, ông đi làm thêm. 17 tuổi, Chính Anh thường tham gia diễn xuất với vai trò đóng thế cảnh mạo hiểm. Thù lao khi đó của ông chỉ vào khoảng 60 HKD/ngày. “Ngày đó, tôi cũng không phải thanh niên nghiêm túc, kiếm được ít tiền nhưng tôi chỉ đưa gia đình một phần. Phần còn lại dùng để tiệc tùng với bạn bè. Tôi cũng từng vào tù vì đánh nhau và phải nhờ người bảo lãnh” – Lâm Chính Anh trả lời phỏng vấn vào năm 1990 khi nhớ về quá khứ.
Ông thừa nhận là người nóng tính, không biết kiềm chế. “Cũng vì cá tính này, tôi có cơ duyên gặp gỡ Lý Tiểu Long. Tôi thách đấu với anh ấy năm 19 tuổi và đã thua cuộc. Từ lúc đó, tôi gắn sự nghiệp với các dự án của Lý Tiểu Long”. Lâm Chính Anh thường đảm nhận vai trò diễn viên kiêm đồng chỉ đạo võ thuật trong Tinh võ môn, Long tranh hổ đấu, Mãnh long quá giang…
Hồng Kim Bảo: Hung hăng ngỗ ngược
Hồng Kim Bảo sinh năm 1952 tại Hong Kong trong một gia đình truyền thống võ học. Năm 9 tuổi, ông đã theo học sư phụ Vu Chiêm Nguyên, là đại sư huynh của Thành Long và 14 tuổi đảm đương vai trò đóng thế trong các bộ phim hành động. Nhưng đến cùng, Hồng Kim Bảo vẫn thừa nhận là “người hung hăng từ thời lọt lòng”. Ông cho biết gia đình nhờ thầy Vu Chiêm Nguyên dạy dỗ cũng vì bất lực. Năm 16 tuổi ông bị tai nạn sau vụ ẩu đả và bị nằm liệt một thời gian.
Ngay cả sau này khi nổi tiếng, có tin đồn ông thường la cà hộp đêm. Vết sẹo trên mặt là hậu quả của một lần tranh cướp bạn gái. “Giờ đây khi cuộc sống có 4 người con, 3 trai 1 gái và các cháu, tôi mới hiểu năm xưa mình sống chẳng ra gì”.
V.Đ (Tổng hợp)