Thực hư chuyện Gia Cát Lượng mượn Đông Ngô “diệt trừ” Quan Vũ

Nguyên nhân thực sự khiến quan Quan Vũ, danh tướng thời Tam quốc, chết thảm được một số học giả Trung Quốc nhận định là bất đồng sâu sắc với lý tưởng của Gia Cát Lượng.

Phát hiện sự thật kinh hoàng khi khai quật mộ tướng Quan Vũ
Những mãnh tướng từng bỏ mạng dưới lưỡi đao Quan Vũ

Đối với Nhà Thục Hán, để mất Kinh Châu vào tay Đông Ngô, Quan Vũ tử trận là bi kịch lớn nhất trong lịch sử. Vấn đề Gia Cát Lượng không gửi quân tiếp viện Kinh Châu khiến nhiều người suy đoán rằng, mọi chuyện đã quá muộn. Nhưng Tam quốc diễn nghĩa không hề đề cập đến nên vấn đề này đã trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng giữa các học giả Trung Quốc sau này.

KHỔNG MINH “SỢ” QUAN VŨ

Một số học giả cho rằng, Gia Cát Lượng e ngại Quan Vũ “thân tại Hán doanh tâm tại Tào”. Một đại tướng Thục Hán như Quan Vũ đã bị Tào Tháo “tẩy não” và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, không có chứng cứ rõ ràng chứng minh cho luận điểm này. Ngoài việc tha mạng Tào Tháo, các học giả không có lý do để cho rằng, Quan Vân Trường “thông gian bán nước”.

Năng lực chiến đấu của Quan Vũ là điều không phải bàn cãi. Sự kiện Quan Vũ chỉ huy Ngụy quân đột phá vòng vây của quân Viên Thiệu, chém danh tướng Nhan Lương “giữa vạn quân” đã chứng minh bản lĩnh. Ngược lại, các học giả Trung Quốc ngày nay tập trung vào phân tích những đóng góp thực tế của Quan Vũ trong hàng ngũ Thục Hán.

Ba anh em Lưu - Quan - Trương kết nghĩa vườn đào.
Ba anh em Lưu – Quan – Trương kết nghĩa vườn đào.

Gia Cát Lượng có thể cảm thấy bất an khi vị tướng “thành công ít, thất bại nhiều” như Quan Vũ được giao nhiệm vụ phòng thủ nơi hiểm yếu bậc nhất là Kinh Châu. Khổng Minh lo ngại Quan Vũ sẽ khiến lộ trình “Long Trung đối sách” – chiến lược lớn nhất mà Gia Cát Lượng đề ra, đi chệch hướng, “đánh chìm con thuyền liên Ngô kháng Tào”, một học giả Trung Quốc nhận định.

Liên Ngô kháng Tào là chính sách cốt lõi nằm trong chiến lược “Tam Quốc đỉnh lập” của Gia Cát Lượng. Chiến lược này thất bại đồng nghĩa với vận số Thục Hán khó giữ, tâm huyết của Lưu Bị và Gia Cát Lượng cũng “đổ xuống sống, xuống biển”.

Kinh Châu tiếp giáp với Đông Ngô, đồng thời lại là địa bàn mà cả Thục lẫn Ngô cùng tuyên bố chủ quyền. Vì vậy, trong vai trò quan trấn thủ, nhiệm vụ khó khăn nhất của Quan Vũ chính là vừa giữ được lãnh thổ, vừa duy trì sự giao hảo với lực lượng đối trọng phía đông.

Lịch sử hàng Tào của Quan Vũ có thể khiến Gia Cát Lượng cảm thấy quan  điểm của Vũ đối với liên minh Tôn – Lưu là “liên kết người lạ (Ngô) đánh người thân (Tào)”. Điều này được lý giải bằng thái độ lạnh nhạt của Quan Vũ trong quan hệ với Giang Đông, khước từ lời cầu thân của Tôn Quyền và buông lời sỉ nhục sứ giả Đông Ngô.

CÁI CHẾT THẢM CỦA QUAN VŨ

Theo học giải Trung Quốc, Quan Vũ đóng vai trò phòng thủ Kinh Châu mà điều quân Bắc phạt, tấn công Tương Dương-Phàn Thành là sai lầm chiến lược. Quan điểm của Gia Cát Lượng trong “Long Trung đối sách” luôn nhắc đến việc chờ thiên hạ có biến, Ích Châu và Kinh Châu cùng lúc khởi binh, khiến Tào Ngụy không kịp trở tay. Trong khi đó, Tào Tháo lại rất coi trọng cuộc chiến ở Tương Thành. Có thể đánh giá,  để đối phó với chiến dịch của Quan Vũ, phía Tào Ngụy đã phải tổng động viên trên toàn quốc.

Ngược lại, Thục Hán không có bất kỳ đấu hiệu tăng viện nào cho Quan Vũ. Theo Tam Quốc chí ghi chép, đạo quân Quan Vũ chỉ huy có 3 vạn người. Vì thiếu hụt binh sĩ nên Quan Vân Trường mạo hiểm dồn toàn lực tấn công để rồi tướng Lữ Mông bên phía Đông Ngô, lợi dụng thời cơ đánh chiếm Kinh Châu.

Một số người nhận định, Gia Cát Lượng đâu phải thần thánh, khó mà dự liệu được chuyện Lã Mông tập kích Kinh Châu, cho nên mới không phái viện binh cho Quan Vũ. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc nói, Gia Cát Lượng coi trọng Kinh Châu, không thể làm ngơ trước chiến dịch của Quan Vũ.

Cái chết của Quan Vân Trường đến từ thói ngạo mạn.
Cái chết của Quan Vân Trường đến từ thói ngạo mạn.

Khổng Minh từng trấn thủ Kinh Châu nhiều năm. Trang bị, binh lực của Kinh Châu, Gia Cát Lượng nắm rõ trong lòng bàn tay. Khi Tào Ngụy gần như xuất toàn lực, chẳng lẽ Khổng Minh không hề biết? Điều này thật khó lý giải.

Theo học giả Trung Quốc, Quan Vũ khi điều binh trấn thủ Giang Lăng tăng viện cho Tương Phàn, dĩ nhiên đã đánh giá hết khả năng tập kích của quân Đông Ngô. Nhưng vì binh lực không đủ, Quan Vũ mới phải mạo hiểm dùng toàn bộ số binh lực hiện có.

Quá trình thất bại của Quan Vũ cũng không diễn ra trong một sớm một chiều. Trái lại, suốt hai tháng trời bất lực, Lưu Bị và Gia Cát Lượng lẽ nào khoanh tay làm ngơ? Về lý thuyết, một khi khởi động chiến dịch Tương Phàn, cả 3 nước Ngụy, Thục, Ngô đều phải tập trung vào chiến trường Kinh Châu. Thục Hán ở Ích Châu không hề chịu bất cứ sự uy hiếp nào, nhưng cuối cùng không hề điều quân đến trợ giúp.

Quan Vũ thực tế không tốt đẹp, hoàn mỹ như Tam quốc diễn nghĩa phác họa. Một số học giả Trung Quốc phân tích, nếu như Lưu Bị, Gia Cát Lượng cấp tốc phái binh đến cứu Quan Vũ khi nguy cấp, thì dù không thành công nhưng cách xử lý này còn có chút tình lý, giống như “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

NHƯỢC ĐIỂM CHÍ MẠNG CỦA QUAN VŨ

Theo quan điểm của Gia Cát Lượng, Quan Vũ là người chỉ “biết tiểu nghĩa mà không hiểu đại nghĩa, tận “tiểu trung” mà có thể hại “đại trung”, có “tiểu dũng mà chưa chắc có đại dũng”.

Quan Vũ xem trọng tình nghĩa huynh đệ “đào viên” với Lưu Bị, Trương Phi, nhưng lại xem nhẹ “thiên hạ đại nghĩa”. Các học giải ủng hộ ý kiến này cho rằng, nếu hiểu “đại nghĩa”, Quan Vũ đã không năm lần bảy lượt cản trở Lưu Bị “tam cố thảo lư”, mời Khổng Minh xuống núi. Quan Vân Trường cũng cố chấp gây khó dễ khi Gia Cát Lượng lên nắm quân quyền, khiến cho nội bộ Thục Hán chia rẽ.

Việc Quan Vũ hàng Tào Ngụy, để Tào Tháo dùng “nghĩa” là kế sách khiến cho “Quan Vân Trường ghi nhớ mãi không quên”. Kế này về sau giúp Tào Tháo thoát chết ở đường Hoa Dung.

Nhược điểm của Quan Vũ cũng được nêu ra trong Tam Quốc Chí. Thứ nhất, Quan Vũ háo thắng, ham hố tranh giành địa vị số một. Ngay sau khi Mã Siêu quy hàng Thục Hán, Quan Vũ lập tức gửi thư tới Gia Cát Lượng yêu cầu tranh tài cao thấp cùng Siêu. Khổng Minh phải gửi thư hồi đáp, tìm cách tán dương mới nguôi lòng được Quan Vân Trường.

Thứ hai, Quan Công thiếu năng lực xử lý quan hệ với đồng minh quân sự, hóa bạn thành thù. Khi ông đối chọi cùng Tào Ngụy tại Kinh Châu, Tào Tháo phái người hẹn Tôn Quyền hợp công Quan Vũ.

Tôn Quyền trước khi ra quyết định, đã phái sứ giải tới cầu hôn con gái Quan Vũ cho con trai mình. Mặt khác cũng nhằm thăm dò thái độ. Tiếc rằng, Quan Vũ đã phản ứng bằng cách “nhục mạ sứ giả, cự tuyệt hôn ước”. Chiếm Kinh Châu, chém đầu Quan Vũ là một trong những chiến thắng lớn nhất của Tôn Quyền phe Đông Ngô.

Vì lẽ đó mà Tôn Quyền thịnh nộ, quyết phá vỡ liên minh Thục-Ngô để đoạt Kinh Châu. Có thể nói, thái độ của Quan Vũ là nhân tố quyết định khiến liên minh Thục – Ngô tan vỡ, Kinh Châu thất thủ.

Thứ ba, Quan Vân Trường không khéo léo điều tiết quan hệ với những người dưới quyền, khiến nội bộ lục đục, trực tiếp dẫn đến việc để mất Kinh Châu. Theo Tam Quốc Chí, Đại tướng Đông Ngô Lục Tốn từng nói, Quan Vân Trường “kiêu căng ngạo mạn, áp bức người khác”. Những người cùng Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu như My Phương và Phó Sĩ Nhân đều bị khinh thường.

Khi Quan Vân Trường xuất chinh, hai người này do thiếu sót trong cung cấp quân nhu, bị Quan Vũ đe dọa “trở về sẽ trị tội”. My Phương và Phó Sĩ Nhân ngày đêm sống trong lo sợ, dẫn đến việc dễ dàng bị Tôn Quyền dụ hàng.

Trên thực tế, Tôn Quyền đoạt được Kinh Châu không hề “mất công, mất sức” còn Quan Vũ chết thảm. Các học giải hiện đại ngày này có xu hướng ủng hộ quan điểm rằng Quan Vân Trường là một nhân vật bi kịch, xuất phát từ khiếm khuyết trong tính cách của ông.

Hình ảnh tốt đẹp, hoàn mỹ của Võ Thánh Quan Vân Trường trong tín ngưỡng dân gian ngày nay, chỉ có thể là kết quả của quá trình “thần hóa” hàng nghìn năm đối với danh tướng thời Tam quốc này.

Tổng hợp từ Internet.