Những tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung luôn là đề tài tranh luận khá hấp dẫn khi được dựng thành nhiều bản phim khác nhau. Có rất nhiều nhân vật được yêu thích nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cái tên để lại sự tiếc nuối vì quá ít đất diễn.
ĐỘC CÔ CẦU BẠI
Cái tên nói lên tất cả: chỉ mong một lần được bại. Nhân vật Độc Cô Cầu Bại không được miêu tả chi tiết mà chỉ thoáng qua. Ông có biệt hiệu Kiếm Ma, được xem là nhân vật sở hữu võ công cao nhất trong kiếm hiệp Kim Dung.
Độc cô cầu bại được đề cập đến chi tiết trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ và rất ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký. Độc Cô Cầu Bại chưa từng xuất hiện trong các tình tiết của tiểu thuyết mà chỉ để lại những triết lý đặc sắc về kiếm thuật.
Các nhân vật có thể coi là truyền nhân của Độc cô cầu bại là Dương Quá (trong Thần điêu hiệp lữ), Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung (trong Tiếu ngạo giang hồ).
Đáng tiếc, dù sở hữu võ công cao nhưng ông không có đất diễn trong tất cả các tiểu thuyết được dựng thành phim của Kim Dung.
HOÀNG THƯỜNG
Người viết ra bộ tuyệt học Cửu Âm Chân Kinh chính là Hoàng Thường. Ông vốn là quan văn dưới triều Tống. Theo lệnh của hoàng đế, ông thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tàng. Nhờ trí thông minh và kiên trì, Hoàng Thường đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm.
Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học. Những kiến thức võ học Đạo gia mà ông học được viết thành bộ Cửu âm chân kinh gồm 2 quyển: Quyển thượng và quyển hạ. Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu âm chân kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra sự chém giết để giành lấy bí kíp này.
VÔ DANH THẦN TĂNG
Mặc dù xuất hiện một cách khiêm tốn với bộ áo cà sa cũ nhưng Tảo Địa Lão Tăng (nhà sư quét lá, hay Vô Danh Thần Tăng) là nhà sư võ công cao cường nhất. Nhiều nguồn tài liệu thừa nhận ông là nhân vật lợi hại nhất trong tất cả các bộ truyện Kim Dung.
Tảo Địa Lão Tăng là vị sư Thiếu Lâm duy nhất luyện thành 72 tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm. Chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn ngắn, vị lão tăng này làm được những điều tưởng chừng như cả thiên hạ không ai làm nổi.
Chưởng đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn (những nhân vật võ công cao cường nhất Thiên Long Bát Bộ cho đến thời điểm đó) đủ thấy võ công của Thiếu Lâm Thần Tăng này cao thâm tới mức nào. Một chưởng khác là khi vị lão tăng dùng một tay đỡ đòn Hàng Long Thập Bát Chưởng của Kiều Phong mà chỉ lui vài bước.
VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG
Tại Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương chính là người chiến thắng và được phong làm Trung Thần Thông. Ông chính là người sáng lập ra phái Toàn Chân Giáo và trận pháp Bắc Đẩu Thất Tinh.
Võ công của Vương Trùng Dương là vô địch khi còn sống, nhưng Kim Dung lại không nói đến xuất xứ võ công của ông, chỉ nói ông từng một lãnh tụ chống nhà Kim, sau đó thất chí nên xuất gia làm đạo sĩ, tu tập các phép dưỡng sinh của Đạo gia. Có thể tạm suy luận rằng võ công của ông được sáng tạo bằng cách tổng kết các phép cận chiến từ chiến trận và phép khí công của Đạo gia.
V.Đ