Một cao nhân khiến Khổng Minh Gia Cát Lượng “tự thẹn không bằng”, luôn khinh thường Lưu Bị mà Bị vẫn phải năm lần bảy lượt tìm cách chiêu mộ.
Khám phá cơ bắp khủng của dàn vệ sĩ cho các siêu sao Hollywood
“Giàu nứt vách”, Lý Liên Kiệt vẫn bỏ mặc anh trai sống trong ngôi nhà lụp xụp.
Bản lĩnh của Thừa tướng triều Thục Hán Gia Cát Lượng được đánh giá là “tiếu ngạo quần anh”, dù chưa phải “tuyệt đỉnh cao thủ” nhưng những nhân vật có khả năng tề danh cùng ông không nhiều. Tuy vậy, trong nội bộ Thục Hán có một nhân vật xứng danh là “cao nhân”, mà bản thân Khổng Minh vô cùng kính nể. Người này không chỉ khiến Gia Cát Lượng hao tâm tốn sức chiêu mộ về trướng Lưu Bị, mà còn được ông công khai ca ngợi – “Về bản lĩnh bày mưu tính kế, Lượng thua xa Tử Sơ” (trích “Tam Quốc Chí – Thục thư”).
Vị cao nhân “Tử Sơ” mà Lượng nhắc đến, không ai khác chính là Thượng thư lệnh Lưu Ba. Lưu Ba, tự Tử Sơ, người Linh Lăng, Kinh Châu, xuất thân trong gia tộc làm quan, ông tổ là Thái thú Thương Ngô Lưu Diệu, cha là Thái thú Giang Hạ, Đãng Khấu tướng quân Lưu Tường.
CAO NHÂN “LẮM TÀI NHIỀU TẬT”, KHINH THƯỜNG LƯU BỊ
Lưu Bị cũng từng tán dương Lưu Ba – “Tử Sơ tài trí tuyệt luân, nếu không phải ta, khó có người khác dám dùng”. Đương nhiên, Bị khen Lưu Ba là một phần, mà khoe khoang về bản thân là chính. Lưu Ba được đánh giá là thông minh mẫn tiệp từ nhỏ, nhưng khi trưởng thành lại trở nên cao ngạo. Dù cùng mang họ Lưu, nhưng Lưu Ba luôn khinh thường Lưu Bị “có xuất thân nghèo hèn”.
Năm 18 tuổi, Lưu Ba đã làm chức quan Chủ bạ tại Kinh Châu. Khi Lưu Bị mới về nương nhờ Kinh Châu Lưu Biểu, thì Lưu Ba đã nổi danh là người “bác học đa tài”. Vào “đêm trước” trận Xích Bích, quyết định vận mệnh “Tam Quốc đỉnh lập”, Lưu Bị đại chiến cùng Tào Tháo tại dốc Trường Bản, kết quả bị Tào Ngụy đánh “không còn manh giáp”.
Khi Lưu Bị đưa theo bách tính chạy trốn, rất nhiều sĩ tộc Kinh Châu đã đi theo ông, duy có Lưu Ba một mình ngược Bắc tìm… Tào Tháo, đủ thấy Lưu Ba thực sự phản cảm đối với Bị, thà đi theo “Hán tặc” Tào Tháo cũng không theo “hậu duệ Hán thất” Lưu Bị. Tào Tháo thấy danh sĩ Lưu Ba về đầu quân thì rất vui mừng, cho Ba làm chức Tác duyện (trợ lý). Về sau, Tào phái Ba đi “ngoại giao” Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc), Linh Lăng… Lưu Ba rất được Tào trọng dụng.
Tuy nhiên, số phận của cao nhân họ Lưu này có phần đen đủi, bởi sau thất bại của Tào Tháo tại Xích Bích, Lưu Bị đã đoạt được các quận Trường Sa, Linh Lăng.
NĂM LẦN BẢY LƯỢT CỰ TUYỆT LƯU BỊ “CHIÊU HIỀN”
Lưu Bị lấy được Linh Lăng, biết tin Lưu Ba đang ở đây thì quyết tâm “chiêu hiền đãi sĩ”, bỏ qua chuyện cũ để tới tìm Ba. Không ngờ Lưu Ba đã bỏ trốn. Do sách lược thu phục Trường Sa, Linh Lăng thất bại, Lưu Ba cũng không còn đường trở về Tào Ngụy mà buộc phải cao chạy xa bay. Trước khi Lưu Ba bỏ trốn đã cự tuyệt thư chiêu mộ của Gia Cát Lượng, khiến “Tiên chủ (Lưu Bị) vô cùng căm hận”.
Lưu Ba bỏ trốn rồi, vẫn sợ Lưu Bị tìm cách bắt lại nên đổi sang họ Trương.
“Linh Lăng tiên hiền truyện” có ghi chép – “Ba đổi thành họ Trương, đến Ích Châu bị bắt lại, Thái thú định giết (Lưu Ba).
Quan Chủ bạ nói – ‘Người này không phải bình thường, không thể giết’.”
Chủ bạ đưa Lưu Ba tới gặp Ích Châu mục Lưu Chương. Chương vốn kính nể thanh danh cha Lưu Ba là Lưu Tường, nên gặp Ba vô cùng vui mừng, thường xuyên hỏi han chính sự.
Bản thân Lưu Chương thuộc phái thân Tào, từng cử bộ hạ Trương Tùng tới Ngụy tỏ ý với Tào Tháo. Tuy nhiên, do năng lực ngoại giao của Tùng kém cỏi, bị Tào Tháo lạnh nhạt. Trương Tùng tức giận trở về khuyên Lưu Chương “bắt tay” Lưu Bị chống lại Tào Ngụy. Lưu Chương vốn không có chủ kiến, cũng nghe lời Tùng. Lúc này, chỉ có Lưu Ba đưa ra đề xuất “đầy tính chiến lược” với Lưu Chương: Không thu nạp Lưu Bị.
Lưu Ba nói – “Bị là kẻ hùng tài vĩ lược, thu về ắt gây hại, không thể giữ lại”.
Chương vẫn thu nạp Bị, Lưu Ba lại can – “Để Lưu Bị thảo phạt Trương Lỗ thì khác nào thả hổ về rừng”, song Chương vẫn không nghe. Ba bèn đóng cửa cáo bệnh. Sau khi vụ việc Trương Tùng câu kết với Lưu Bị bại lộ, Lưu Chương mới hiểu ra lời can gián của Lưu Ba, tiếc rằng đại cục đã định. Ích Châu đã là vật nằm trong túi Lưu Bị.
Khi Lưu Bị vây đánh Ích Châu, từng hiệu lệnh tam quân – “Ai dám làm hại Lưu Ba sẽ tru di tam tộc”. Về sau binh sĩ bắt sống được Ba, Lưu Bị mừng lắm. Lưu Bị lại nhiệt thành kêu gọi, đồng thời Khổng Minh tiếp tục gửi thư khuyên nhủ Lưu Ba. Ba đã lâm vào cảnh cùng đường nên đành phải nhận lời về Thục Hán, được Bị phong làm Tây tào duyện, phụ trách nội vụ quan lại. Lưu Ba nhậm chức, Khổng Minh là người mừng nhất, bởi Ba chia sẻ một phần không nhỏ gánh nặng công việc của ông.
Năm 219, Lưu Bị xưng Hán Trung vương, phong Lưu Ba làm Thượng thư. Sau khi “ái thần”Pháp Chính qua đời, Ba được tấn thăng làm Thượng thư lệnh, thay cho Pháp Chính, nắm toàn quyền xử lý chính sự.
TÂM CAO KHÍ NGẠO
Do Lưu Ba thường phớt lờ Trương Phi, dẫn đến Phi bất mãn, nên quan hệ giữa 2 người này rất tồi tệ. Gia Cát Lượng từng khuyên giải Lưu Ba nên mềm mỏng hơn với “Hoàng đệ” Dực Đức, nhưng Ba bỏ ngoài tai. Điều này vô hình trung khiến Lưu Bị trở nên phản cảm đối với Lưu Tử Sơ. Bị nói với Gia Cát Lượng – “Lưu Ba tài trí hơn người. Nếu không có ai thay thế thì dùng y, nếu đã có người thay thế thì không cần dùng nữa”. Lượng đáp – “Về bản lĩnh bày mưu tính kế, Lượng thua xa Tử Sơ”. Lưu Bị nghe xong mới từ bỏ ý định “loại” Lưu Ba.
Về vấn đề Lưu Ba “lơ” Trương Phi, quân sư Đông Ngô Trương Chiêu cũng đứng về phía Lưu Bị, cho rằng Lưu Tử Sơ rất quá đáng. Nhưng Ngô chủ Tôn Quyền đã chỉ ra – “Nếu Lưu Ba chỉ biết tát nước theo mưa, lấy lòng Lưu Bị, thì sao có thể xứng là bậc cao nhân?” Trên thực tế, Lưu Ba được đánh giá là người sống cần kiệm, không ưa kết giao với người khác, chỉ trọng việc công.
Thời điểm Lưu Bị đăng cơ, toàn bộ “bản thảo diễn văn” của Bị đều xuất phát từ cây bút của Lưu Ba. Bộ luật “Thục khoa” của triều Thục Hán, thực chất là sản phẩm của 5 bộ óc thông minh: Gia Cát Lượng, Pháp Chính, Lưu Ba, Lý Nghiêm, Y Tịch, đủ thấy bản lĩnh Lưu Ba không tầm thường.
ANH TÀI ĐOẢN MỆNH
Cống hiến lớn nhất của Lưu Ba là sau khi ông về với Lưu Bị không lâu. Sử liệu Trung Quốc ghi lại, sau khi Lưu Bị lấy Ích Châu, quốc khố trống rỗng khiến Bị vô cùng lo lắng. Lúc này Lưu Ba đã hiến kế – “Việc này đơn giản: Đúc tiền lưu hành đồng bộ, thống nhất vật giá, thi hành chế độ đấu giá công khai”. Lưu Bị làm theo lời ông, chỉ trong vài tháng đã thu được ngân sách dồi dào.
Đáng tiếc rằng, bước sang năm Chương Vũ thứ 2 đời Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị (222), Lưu Ba bệnh mất, thọ 39 tuổi. Sử liệu Trung Quốc bình về Lưu Ba nói rằng “trời (đố) kỵ anh tài, cao nhân đoản mệnh”.
https://youtu.be/12cdbEaC0i4
Theo Tri thức trẻ