Võ sư Trần Duy Phương , như một Samurai chính tông

Như một Samurai, ông đã sống cả tuổi trẻ trong nỗi đam mê lùng sục những cao thủ, chân sư để học đạo. Như một Samurai, ông đã làm nảy sinh những huyền thoại. Và như một Samurai, ông đã sống trọn nghiệp võ, lấy đam mê thuở thiếu thời làm cơ nghiệp của mình một đời.

tdp-6

Ông dấn thân vào rừng võ khi tuổi đời còn rất trẻ. Và đã được trao huyền đai Taekwondo lúc đang ở tuổi dậy thì đầy bão táp. Vài năm sau, khi ông bắt đầu làm quen với Aikido qua Vs Hoàng Việt Hùng tại võ đường “Đông phương”, cũng là lúc ông được trao nhị đẳng Taekwondo. Cũng từ đó, Trần Duy Phương, chàng trai trẻ của chúng ta nung nấu trong lòng nỗi khát khao “tầm sư học đạo”. Sau Taekwondo và Aikido, ông học “Thái cực đường lang” với Vs Trần Minh, một cao thủ danh trấn giang hồ, học “Vịnh Xuân” với Vs Hồ Hải Long, một quyền sư khét tiếng đất Sài Gòn, và tái ngộ với Aikido năm 1979, khi sân “Tinh Võ” xưa lại mở cửa cho các đại ban võ nghệ đến hùng cứ. Vào năm đó, Vs Lý Văn Minh, một cao đồ môn Aikido đã được phép mở sân tập, và một trong những môn sinh đắc ý nhất của ông là Trần Duy Phương. Cuốí năm 1981, trong cuộc thi đầu tiên tại sân “Tinh Võ”, sau 1975, Trần Duy Phương được phong nhất đẳng huyền đai Aikido.

tdp-4

Trần Duy Phương sinh ra trong một gia đình trung lưu có truyền thống thượng võ. Cha, chú ông đều là các vị thành danh trong nghiệp võ hay TDTT. Cho nên, “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, không có gì đáng ngạc nhiên khi biết ông có năng khiếu võ học khi còn ở tuổi thanh xuân. Thêm vào đó, là một khát vọng được là đệ nhất võ lâm, một danh hiệu mà các Samurai “chính tông” thời xưa, không ai là không hướng tới.

Cho nên, Trần Duy Phương vẫn tiếp tục đăng đồ, đi tìm chân võ đạo, vì vẫn chưa gặp được “chân sư”. Ông tìm đến Vs Diệp Đệ Dân, truyền nhân của Đại sư Diệp Quốc Lương, một trong các cao đồ của Chưởng môn Triệu Trúc Khê, gầm trời nan địch, người đã từng trấn thủ “Tinh Võ Môn” tại Chợ Lớn trong một thời gian dài. Rồi ông theo Vs Tô Thiếu Kiệt, một thời là tổng HLV trưởng của môn phái. Ông còn theo học Võ cổ truyền Việt Nam với Vs Huỳnh Văn Thọ, phó chủ tịch Hội Võ cổ truyền thành phố và Vs Lê Văn Vân, thuộc phái “Sa long cương”, một cao thủ đã làm rạng danh môn phái “Sa long cương” của sư trưởng Thanh Đăng, từng cùng đệ tử “Sa long cương” đi Âu châu biểu diễn thành công vang dội.

tdp-2

Không dừng tại đây, ông lại tiếp tục cất bước “tầm sư học đạo”. Và lần này ông đã gặp một kỳ nhân là Vs Đặng Văn Thành, người mà giới “giang hồ mã thượng” thường gọi là “Xi Pạc” (Bác Tư), một trang hảo hán của thời còn mồ ma “Đại thế giới”. Võ công mà Vs Đặng Văn Thành truyền thụ cho chàng trai họ Trần Duy là môn “Thái Lý Phật”, và ông cũng theo học môn võ này với danh sư Wong A Sáng, cũng là bậc kỳ tài trong giới võ lâm đất Sài Gòn hôm nay.

Cuộc “Shugyo” (“tu-hành”) của Vs Trần Duy Phương chưa chấm dứt nơi đây. Vào giữa thập niên 90, ông đã có cuộc hạnh ngộ với Vs Philipp Lân耬 một Vs Kendo 5 đẳng tại Pháp.

Đến giữa năm 2000, cùng với Hội Aikido Tp. Hồ Chí Minh, Vs. Trần Duy Phương đã tổ chức cuộc tập huấn Kendo dài ngày (một tuần lễ) cho các môn sinh Aikido Tp. Hồ Chí Minh. Cuộc tập huấn đã tạo một tiếng vang tốt và Liên đoàn Kendo Nhật đã quyết định gửi một phái đoàn cao cấp qua giao lưu với Kendo Việt Nam. Dự định bất thành vì phía Việt Nam chưa sẵn sàng tiếp đón một phái đoàn lớn: “lực bất tòng tâm”. Tuy nhiên, từ dạo đó, Vs. Trần Duy Phương đã nổi lên như là một gương mặt lớn của phong trào Kendo thành phố.

Tại TT TDTT quận 5 (địa điểm sân “Tinh võ” cũ), Vs. Trần Duy Phương đã bắt đầu chấp chưởng bộ môn Aikido từ năm 1983 đến 1987 với Vs. Nguyễn Tăng Vinh trợ giúp, trong vai trò cố vấn kỹ thuật. Và sau đó, từ 1994 đến nay, Vs. Trần Duy Phương liên tục được ủy thác công việc dẫn dắt phong trào Aikido quận 5 (các cựu trưởng bộ môn Aikido quận 5 gồm có Vs. Lý Văn Minh (1979-1981), Vs. Võ Hoàng Phượng (1981-1982), và Vs. Võ Trường Thọ (1982-1983,1987-1994).

tdp-3

Năm 2001, có lẽ là năm bận rộn nhất của ông trong thời gian qua. Ngoài những trách nhiệm thường hằng là trưởng bộ môn Aikido và Kendo quận 5, ông còn tham gia nghi thức Kayami biraki do Vs. Bùi thế Cần và Đỗ Đặng Phong tổ chức tại Đạo đường Aikido Đa Kao. Vs. Horizoe Katsumi (hiện là đệ thất đẳng huyền đai Aikido) đã gửi điện vào tán dương việc làm của Đạo đường Aikido Đa Kao. Vs. Trần Duy Phương đã kết giao với Vs. Horizoe Katsumi, một đại gia sát cánh với Tổng đàn Aikido thế giới và có ảnh hưởng lớn đến chính sách “Đông du” của Chính phủ Nhật. Cứ mỗi năm Vs. Horizoe hợp tác với Đoàn thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh đưa hai đợt du học sinh sang Nhật học tập, mỗi đợt khoảng năm mươi người. Ông cũng là người xây dựng hai Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, ông bắt tay vào việc xây dựng phong trào Aikido Hà Nội cùng với các VS-HLV: Đỗ Đặng Phong, Philippe Châu, Vũ Đình Thân, Vũ Quang Luân, Bùi Hoàng Lân,… Ông cũng là một Kendoka có hạng từ thời sinh viên, và đã gặt hái được nhiều thành tích trong các cuộc tranh giải Kendo đại học.

tdp-11

Hai Vs. Trần Duy Phương và Horizoe Katsumi rất tâm đầu ý hiệp trong cả hai lĩnh vực Aikido và Kendo. Và đã hợp tác với nhau về cả hai mặt khá ăn ý và chặt chẽ. Rất tiếc là một thời gian sau đó, Vs. Horizoe bị tai nạn đứt lìa 3 ngón tay tại tư gia…

Tháng hai năm đó, Vs. Trần Duy Phương công du “Tây Đô” cùng với Vs. Bùi Thế Cần và Vs. Vũ Đình Thân. Họ được Vs, bát đẳng huyền đai Judo, Năm Chơi đón tiếp, gặp Giám đốc Sở TDTT tỉnh Cần Thơ và được Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ Trần Thượng Thuấn tiếp. Hiệu trưởng Trần Thượng Tuấn tuyên bố sẵn sàng dành một cơ sở rộng rãi, khang trang cho bộ môn Aikido trong khuôn viên Đại học. Vs. Bùi Thế Cần trao tặng Hiệu trưởng một số sách và tài liệu về môn phái Aikido (Trước đó, hai vị đã từng quen biết nhau trong thời gian lưu tại Pháp năm 1997).

Cùng năm đó, Vs. Trần Duy Phương đã mạnh dạn dấn thân vào một cuộc phiêu lưu khá mới mẻ, đầy phức tạp và bất trắc: làm phim võ thuật. Từ một truyện ngắn của nhà văn Đức Liên (phu nhân của Vs. Trần Duy Phương), một kịch bản phim đã được xây dựng và đến tháng 7 năm 2001 thì đạo diễn cho bấm máy. Vs. Trần Duy Phương được mời làm cố vấn võ thuật và ông đã nhiệt tình tham gia. Với vốn hiểu biết thâm hậu của mình, ông đã, một mặt tốc luyện cho các diễn viên chính về Aikido và Kendo, mặt khác góp phần dàn dựng các “pha” đụng độ của phim với các “Cascadeur”.

tdp-9

Mặc dù các diễn viên, nhất là vai chính nữ của “Nữ võ sĩ” chỉ mới được chỉ giáo trong một thời gian cực ngắn, người xem vẫn có cảm tưởng họ là những võ sĩ thực thụ ở ngoài đời. Thành công này một phần là nhờ ở kinh nghiệm giảng dạy và khả năng sư phạm đặc biệt của Vs. Trần Duy Phương vậy.

“Ngũ thập tri thiên mệnh”; hiện nay Vs Trần Duy Phương đã qua tuổi ngũ tuần. Ông đã có một vị trí xứng đáng trong làng võ Sài Gòn hiện nay, được đồng môn quý mến và môn đồ kính nể. Những hoài bão của tuổi trẻ đã một phần nào được thể hiện. Nhưng cuộc viễn trình tới-cùng-đích vẫn còn tiếp tục.

Và vì vậy, ông xứng đáng là một tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ Aikido trông vào.

tdp-10