Trong lịch sử Việt Nam, Mạc Đăng Dung là một trong những vị vua gây tranh cãi bậc nhất. Xuất thân nghèo khổ nhưng bằng võ nghệ cao cường, ông từng bước trở thành trọng thần, rồi lập ra triều đại mới.
Thần khí nước Nam: Ngân Côn của Vũ Đình Tú
Thần khí nước Nam: Thiết Thai Cung của Nguyễn Quang Huy
Từ trạng nguyên võ thành Thái tổ của nhà Mạc
Mạc Đăng Dung sinh ngày 23 tháng 11, năm Qúy Mão tức ngày 22 tháng 12 năm (1483). Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
Theo các nguồn sử liệu, Mạc Đăng Dung chính là dòng dõi của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần và trạng nguyên Mạc Hiển Tích thời nhà Lý.
Mạc Đăng Dung hồi trẻ nổi tiếng là người có sức khỏe, nhà nghèo, làm nghề đánh cá. Thời Lê Uy Mục tổ chức thi tuyển dũng sĩ, với sức khoẻ và bản lĩnh của hơn người, Mạc Đăng Dung đã trúng Đô lực sĩ xuất thân (còn được gọi là Võ trạng nguyên), được sung vào đội quân Túc Vệ cầm dù theo vua. Đây chính là mốc mở đầu cho con đường công danh của ông.
Trong hàng ngũ võ quan nhà Lê, Mạc Đăng Dung tỏ ra là người thật thà ngay thẳng. Nhờ có công “đánh nam dẹp bắc”, nên ông từng bước được thăng nhiều chức vụ ngày càng quan trọng. Quyền lực của Mạc Đăng Dung rất lớn, kiểm soát toàn bộ triều đình. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết rằng “công danh ngày càng thịnh, triều đình ai cũng phục”.
Năm 1524, Mạc Đăng Dung nắm chức Bình Chương quân quốc trọng sự, Thái phó, tước Nhân Quốc Công. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Theo Lê Quý Đôn thì “lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô”.
Ông lên làm vua từ ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 1527 đến hết năm 1529 với niên hiệu Minh Đức. Sau đó, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông) để lui về làm Thái thượng hoàng.
Số phận ly kỳ của cây Định Nam Đao
Sinh thời, Mạc Đăng Dung nổi tiếng là dũng tướng trên sa trường. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều giai thoại về khả năng đánh trận của ông. Trong đó, có câu chuyện về cây Định Nam đao nặng tới hơn 30 kg của vị vua này.
Theo các nhà sử học hiện nay, đây chính là một trong hai cây đao của đấng quân vương từng sử dụng ở châu Á còn tồn tại đến ngày nay. Bên cạnh cây đao của hoàng đế Triệu Khuông Dẫn – người đã lập ra nhà Tống, vốn cũng xuất thân từ một dũng tướng trên chiến trường.
Tương truyền, trước khi làm quan, Mạc Đăng Dung có đi qua một lò rèn, người thợ rèn chính trong đó thấy qua tướng mạo ông quá đặc biệt, đoán rằng sau này sẽ làm nên nghiệp lớn. Chính vì vậy, người thợ rèn nọ bèn đúc một thanh đao tặng Đăng Dung và nói “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn”.
Điều này về sau đã trở thành hiện thực, Mạc Đăng Dung thi đỗ Võ trạng nguyên, lập nhiều chiến công trên chiến trường, trở thành hoàng đế khai lập ra triều Mạc.
Nhưng, cũng giống như số phận của nhà Mạc, ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy biến động, cây Định Nam đao của Thái tổ Mạc Đăng Dung cũng có số phận hết sức kỳ bí.
Sau này, khi nhà Mạc thất thủ năm 1592, con cháu Mạc Đăng Dung mang theo bảo đao, lui về đất Kiến Lao, Thiên Trường (Nam Định ngày nay), đổi sang họ Phạm để ẩn thân, tránh khỏi sự truy sát của kẻ thù. Tuy vậy, thanh đao vẫn là bảo vật được thờ cúng linh thiêng.
Tuy nhiên, khi lãnh tụ Phan Bá Vành dựng cờ khởi nghĩa năm 1821, vì muốn dùng lại thanh đao này nên con cháu họ Mạc đã tìm cách cất dấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự thất lạc của cây đao. Phải tới năm 1938 mới tìm lại được.
Hiện nay, dù đã rỉ sét nhưng thanh đao vẫn nặng hơn 25kg, dài 2,55m (cán dài 1,6m, lưỡi dài 0,95m). Theo các nhà khoa học ước tính, khi còn mới, nó phải nặng tới 30kg.
Theo GS sử học Nguyễn Khắc Thuần, ngày 22.9.2010, Định Nam đao của Mạc Thái tổ “trở về nguồn cội” khi chi Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nghinh rước vật báu này về khu tưởng niệm Vương triều Mạc, đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tương truyền, Khi chưa tìm thấy thanh long đao, gò đất phía đông nam từ đường họ Phạm gốc Mạc thường xuyên “phát hỏa”, lửa tự nhiên bốc cháy rồi lại tắt. Vì thế, dân trong vùng gọi gò đất này là gò Con Hỏa. Kể từ khi tìm lại được đại đao, gò Con Hỏa không còn phát hỏa nữa.
Thanh Điệp