(VoThuat.vn) – Vào ngày đầu năm Dương lịch 2020, Thanh Long Võ Đạo sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập môn phái. Trong hành trình nửa thế kỷ hội nhập cùng xã hội, với sự chung tay đóng góp công sức của các thế hệ võ sư, huấn luyện viên và võ sinh, Thanh Long Võ Đạo đã xây dựng một nền móng vững chắc, lưu lại nhiều dấu ấn, và có những đóng góp vào quá trình phát triển của Võ cổ truyền Việt Nam.
Võ cổ truyền Việt Nam là tinh hoa võ học của dân tộc, nét tinh túy và đậm đà bản sắc người Việt Nam. Trên chặng đường phát triển của mình, Võ cổ truyền đã phân ra rất nhiều nhánh nhỏ với nhiều hệ phái khác nhau. Mỗi một hệ phái lại có cái hay riêng, cái hồn riêng và điểm chung là đều hòa mình cho sự phát triển của Võ cổ truyền dân tộc.
Trong số rất nhiều môn phái đang đóng góp cho sự phát triển đa dạng của Võ Cổ truyền Việt Nam, Thanh Long Võ Đạo là một trong những đại diện tiêu biểu. Xuất phát từ dòng võ Tây Sơn Bình Định từ thời vua Quang Trung, Thanh Long Võ Đạo do Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa thành lập từ năm 1970. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, Thanh Long Võ Đạo là một nét vẽ đẹp, góp phần vào bức tranh đa sắc màu của làng Võ Cổ truyền Việt Nam.
NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN…
Cách nay nửa thế kỷ, ngày 1 tháng 1 năm 1970, võ sư Lê Kim Hòa chính thức đưa môn phái đi vào hoạt động. Vì thời điểm lúc bấy giờ đất nước còn đang trong tình trạng chiến tranh nên việc phổ biến còn hạn chế. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của con nhà võ, võ sư Lê Kim Hòa và những môn đồ của mình đều cố gắng quảng bá môn phái. Theo dòng thời gian, Thanh Long Võ Đạo di chuyển từ miền Trung vào miền Nam để giới thiệu và mở mang lớp tập.
Sau ngày đất nước thống nhất, môn phái chính thức “đóng đô” tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Nhằm giới thiệu, quảng bá Thanh Long Võ Đạo, các võ sư và huấn luyện viên của bản môn thường xuyên tham gia những chương trình biểu diễn ở nhiều địa điểm khác nhau nên đã thu hút nhiều môn sinh theo tập luyện.
Tiếng lành đồn xa, môn phái Thanh Long Võ Đạo ngày càng được giới hâm mộ võ thuật biết đến nhiều hơn. Võ sư Lê Kim Hòa cùng với các môn đệ của mình đã dạy tại nhiều địa điểm khác nhau như: Phòng TDTT quận Bình Thạnh, Nhà Văn hóa Lao động thành phố… Có thời điểm, số lượng môn sinh theo học lên đến 300 người.
Năm 1987, Nhà nước chính thức cho phép các môn võ thuật hoạt động rộng rãi, trong đó có Võ Cổ truyền. Và cũng từ đây, môn phái Thanh Long Võ Đạo bước vào một chặng đường phát triển mới. Nhiều võ sư của Thanh Long Võ đạo được bầu vào Ban chuyên môn Võ Cổ truyền ở các quận, huyện của TP.HCM.
Qua công việc của mình, các võ sư Thanh Long Võ Đạo góp sức giúp Hội Võ Cổ truyền TP.HCM xây dựng, ban hành luật thi đấu, hệ thống thi đấu… và duy trì cho đến ngày nay. Có thể nói, Thanh Long Võ Đạo là một trong những môn phái đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển vững mạnh của Võ Cổ truyền TP.HCM và Võ Cổ truyền Việt Nam ngày nay.
Điểm đặc biệt ở Thanh Long Võ Đạo là duy trì hoạt động nền nếp như một tổ chức chính quy của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Chính vì thế, môn phái đã tạo được vị thế riêng và có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống các môn phái võ thuật nước nhà.
Những năm 1990, Chưởng môn Lê Kim Hòa đã có cơ hội giới thiệu Thanh Long Võ Đạo đến các nước như Belarus, Mỹ, Pháp, Algeria… Những đường quyền uyển chuyển, ẩn chứa uy lực và hữu dụng của môn phái đã thu hút nhiều dân làng võ người nước ngoài. Anh Sergio, một võ sư Thanh Long Võ Đạo người Belarus bày tỏ: “Tôi theo tập môn Thanh Long Võ Đạo cùng thầy Lê Kim Hòa hồi đầu thập niên 1990. Hệ thống kỹ thuật của Thanh Long Võ Đạo hữu dụng. Vì thế, nhiều năm qua, tôi vẫn gắn bó và phổ biến môn võ này ở Belarus”.
50 NĂM TINH HOA VÕ THUẬT VIỆT
Trong Thanh Long Võ Đạo, hệ thống giảng dạy về kỹ thuật được chú trọng đầu tư kỹ lưỡng. Tùy vào thời gian theo học của môn sinh, môn phái có chương trình riêng với giáo trình, giáo án từ kỹ thuật căn bản đến nâng cao và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
Đặc trưng kỹ thuật của Thanh Long Võ Đạo là phối hợp 2 yếu tố cương và nhu. Chẳng hạn như trong trong hệ thống kỹ thuật có đòn đánh nhập nội ngắn, khống chế đòn tấn công của đối phương rồi phản công. Kỹ thuật của môn phái có độ khó cao nên đòi hỏi môn sinh phải chăm chỉ khổ luyện thì mới phát huy được hết giá trị.
Bên cạnh hệ thống quyền pháp, môn phái cũng chú trọng phát triển khí công. Chỉ cần đơn giản tập hít thở đúng cách nhưng nó giúp hạn chế được một số bệnh và hỗ trợ tốt cho tập luyện võ thuật.
Nhờ phối hợp được những điều đó nên mục đích của người môn sinh Thanh Long Võ Đạo là luyện tập để tự vệ, rèn luyện, phát triển thân thể cũng như trí tuệ và hướng thiện
Từ khi Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam đưa hệ thống quyền thuật vào thi đấu, Thanh Long Võ Đạo luôn có nhiều môn sinh thi đấu xuất sắc và giành được thành tích cao về cho Võ Cổ truyền TP.HCM.
Có thể khái quát, trong chiều dài lịch sử của nên võ học Việt Nam, tuy còn non trẻ so với nhiều môn phái Võ Cổ truyền Việt Nam khác, nhưng hiện nay Thanh Long Võ Đạo phát triển rộng rãi trong nước ở nhiều tỉnh thành khác nhau với hàng chục nghìn môn sinh theo học. Sự thành công của môn phái không chỉ thể hiện trong nước mà còn lan tỏa sang một vài nước trên thế giới như Nga, Pháp, Ý… Qua đó, Thanh Long Võ Đạo đã góp phần đưa hình ảnh võ thuật Việt Nam đi khắp năm châu.
Ngày 1/1/2020, Thanh Long Võ Đạo kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đây là dịp các thành viên của môn phái nhìn lại chặng đường đã qua, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, vinh danh những võ sư, huấn luyện viên, vận động viên đã hy sinh, đóng góp nhiều công sức xây dựng phong trào. Đồng thời, môn phái cũng sẽ mở ra một chương sử mới, định hướng phát triển cho những năm sắp tới theo đà tiến bộ của thời đại.
Lễ kỷ niệm cũng là dịp để Thanh Long Võ Đạo và Phật Quang Quyền hướng đến 5 năm kết nghĩa giữa hai môn phái. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp phát triển của Thanh Long Võ Đạo và Phật Quang Quyền để cùng nhau thực hiện phương châm: Học võ để tu dưỡng đạo đức – giúp đời – giúp người.
VoThuat.vn