(VoThuat.vn) – Vovinam ở “Quê hương đồng khởi” được hình thành từ năm 1970. Trên hành trình phát triển, Vovinam Bến Tre đã xây dựng được phong trào vững chắc và gặt hái được nhiều thành công

Vài nét về tỉnh Bến Tre

Bến Tre là 1 trong 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được hợp thành bởi 3 dãy cù lao là Cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ gồm sông Cửa Đại, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên. 

Kết quả hình ảnh cho tỉnh bến tre

Theo Nghị định ngày 22.12.1899 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, ngày 1 tháng 1 năm 1900 tên tỉnh Bến Tre chính thức ra đời, lúc đó chỉ có cù lao Bảo và cù lao Minh, có 4 quận Châu ThànhBa TriMỏ Cày và Thạnh Phú. Đến năm 1948 cù lao An Hóa thuộc Mỹ Tho mới được chính quyền cách mạng nhập vào phần đất Bến Tre. Từ ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Bến Tre đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa và gồm 9 quận là Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Đôn Nhơn, Giồng Trôm, Hàm Long, Hương Mỹ, Thạnh Phú, Trúc Giang. Tỉnh lị tỉnh Kiến Hòa là Trúc Giang. Tháng 2 năm 1976, tỉnh Kiến Hòa đổi thành tỉnh Bến Tre

Cuối năm 2004, tỉnh Bến Tre bao gồm thị xã Bến Tre và các huyện Ba TriBình ĐạiChâu ThànhChợ LáchGiồng TrômMỏ CàyThạnh Phú.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 9 huyện bao gồm huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Thạnh Phú và tỉnh lỵ là Thành phố Bến Tre.

Sau khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên hoàn thành và đưa vào sử dụng, Bến Tre đã phá được thế biệt lập và tạo tuyến đường bộ thông suốt đi Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và các tỉnh, thành trong khu vực.

Những chặng đường phát triển của phong trào Vovinam – Việt Võ Đạo tỉnh Bến Tre

Giai đoạn trước năm 1975

Mùa xuân năm 1970, Võ đường Vovinam – Việt Võ Đạo Chợ Lách ra đời do Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Bá Dương phụ trách (Chợ Lách lúc bấy giờ là một quận của tỉnh Vĩnh Long). Khóa đầu tiên có hơn 60 võ sinh là học sinh Trung học Chợ Lách tham gia tập luyện. Ngoài ra, võ đường còn mở lớp cho 20 quân nhân tập trong sân Dinh Quận. 

Tại Kiến Hòa, năm 1973 HLV Phan Hoàng Tân (tập Vovinam với võ sư (VS) Nguyễn Văn Ít, HLV Tô Văn Vượng ở Định Tường) mở lớp huấn luyện tại ấp Phú Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Những ngày đầu, lớp học gặp rất nhiều khó khăn về sân bãi, dụng cụ tập luyện,… nhưng với lòng nhiệt huyết, HLV Phan Hoàng Tân đã nỗ lực, sát cánh cùng học trò để đào tạo ra lứa môn sinh đầu tiên. Tuy số lượng không nhiều nhưng đó là cả một sự chắt chiu, niềm mong mỏi của thầy và trò. Đáp lại sự mong mỏi của thầy, thế hệ môn sinh đầu tiên như Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thanh Liêm, Hồ Văn Ngon,… đã chung tay cùng với HLV Phan Hoàng Tân tiếp tục phát triển môn phái.

Bên cạnh đó, HLV Phạm Công Minh (tập Vovinam ở Định Tường) cũng mở lớp ở Trường Tiểu học xã Sơn Đông, quận Hàm Long (1973) và Trung học Tân Thạch huyện Trúc Giang (1974).

Đến cuối năm 1974, do thời cuộc, các phong trào đều dừng hoạt động. Tuy thời gian gầy dựng phong trào tập luyện Vovinam ở đây chưa nhiều nhưng kết quả này là nền tảng để xây dựng và phát triển phong trào sau này.

Giai đoạn sau năm 1975

Năm 1988, phong trào luyện tập Vovinam tỉnh Bến Tre được khôi phục. HLV Phan Hoàng Tân cùng với lứa học trò đầu tiên từ thập niên 70 mở lớp tại ấp Mỹ Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Được sự quan tâm của địa phương, lúc bấy giờ là ông Lâm Văn Hồng – Trưởng Ban Hành chánh ấp Mỹ Phú – đã tạo điều kiện để lớp học hoạt động. Tại đây, lớp học quy tụ được nhiều môn sinh gia nhập môn phái như Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Hữu Hòa, Nguyễn Khắc Duy, Nguyễn Thanh Điền, Lâm Hoàng Phương, Lê Trọng Trường, Lê Hùng Dũng, Nguyễn Thành Lập, Nguyễn Văn Hoàng Liêm, Lê Trung Hậu, Huỳnh Văn Vĩnh,…

 

 

Sau thành công của lớp tập tại ấp Mỹ Phú, các môn sinh bắt đầu nhen nhóm phát triển Vovinam rộng hơn. Với niềm khao khát ấy, năm 1990 lớp tập tại Nhà Văn hóa xã Tân Phú ra đời. Không những thế, VS Phan Hoàng Tân và các học trò còn có mong ước môn võ này được quan tâm nhiều hơn và thu hút ngày càng nhiều môn sinh tham gia tập luyện, vì thế thầy trò đã nhờ sự giúp sức của Hội Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1994, Đoàn môn sinh của Hội Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh do VS Nguyễn Văn Chiếu, Trần Văn Mỹ và Nguyễn Hồng Tâm đã về thăm, hướng dẫn và biểu diễn võ thuật tại Nhà Văn hóa xã Tân Phú. Kể từ đó, các lớp Vovinam được mở ra ở xã Phú Đức, xã Phú Túc, xã Tiên Thủy, xã An Hiệp, xã Quới Thành,… do VS Nguyễn Văn Hoàng Liêm phụ trách, góp phần phát triển phong trào Vovinam của huyện Châu Thành nói riêng và của tỉnh Bến Tre nói chung.

Cũng trong thập niên 90, HLV Huỳnh Quyền phát triển phong trào tại Thị xã Bến Tre. Sau đó, do hoàn cảnh cá nhân, HLV Huỳnh Quyền không thể tiếp tục huấn luyện đã bàn giao cho VS Phan Hoàng Tân tiếp tục phát triển phong trào cho đến nay.

Liên đoàn Vovinam tỉnh Bến Tre

Được sự quan tâm của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cùng các ban, ngành hữu quan trong tỉnh, Liên đoàn Vovinam Bến Tre được thành lập vào năm 2012. Đại hội Liên đoàn Vovinam Bến Tre khóa I – Nhiệm kỳ 2012 – 2017 đã diễn ra ngày 29 tháng 9 năm 2012 tại Trung tâm TDTT tỉnh.

 

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 1 chủ tịch, 3 Phó chủ tịch, 20 ủy viên,  Tổng thư ký và Ban Kiểm tra. Ông Nguyễn Quốc Bảo – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre đắc cử chức danh Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Bến Tre. 

Trong nhiệm kỳ 2012 – 2017, Đại hội đã thống nhất đề ra 3 mục tiêu:

Thứ nhất, xây dựng và phát triển phong trào tập luyện môn võ Vovinam sâu rộng trong tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú trọng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên,…. trong hệ thống trường học (từ tiểu học đến đại học) nhằm phát hiện vận động viên năng khiếu và góp phần đạt kết quả tốt trong hội thao các cấp, các ngành.

Thứ hai, xây dựng Liên đoàn, Chi hội, Câu lạc bộ Vovinam vững mạnh, chuyên nghiệp, đoàn kết, trong sạch; phấn đấu đưa phong trào Vovinam vào hoạt động ngày một hiệu quả khắp các huyện, thành phố.

Thứ ba, tăng dần tính chủ động của một tổ chức xã hội theo xu hương giao lưu học hỏi và hội nhập chung với phong trào Voinam ở khu vực, quốc gia, quốc tế; từng bước tiến tới tự trang trải kinh phí hoạt động, nhằm đảm bảo vai trò hỗ trợ tích cực hơn cho phong trào và thành tích của Vovinam tỉnh nhà tại các giải khu vực, quốc gia, quốc tế.

Sự ra đời của Liên đoàn Vovinam tỉnh Bến Tre có ý nghĩa tích cực đối với hoạt động thể thao của tỉnh nhà, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của những người có tâm huyết với việc phát triển môn võ dân tộc.

Luyện tập môn võ Vovinam ngày càng trở thành một loại hình rèn luyện sức khỏe phổ biến của nhiều người, nhất là lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên ở thành thị cũng như ở nông thôn trên quê hương xứ dừa.

Thành tích 

Từ một môn võ phong trào đến nay Vovinam đã trở thành một trong những môn thể thao có thế mạnh của thể thao Bến Tre, chúng ta có quyền tự hào và điểm lại một số thành tích nổi bật sau những năm thành lập Liên đoàn. Về phong trào trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 30 câu lạc bộ (CLB), thu hút khoảng 1000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên khắp 9 quận, huyện, thành phố trong toàn tỉnh như Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre, v.v…

Khoảng đầu những năm 2000, Vovinam Bến Tre xuất hiện những vận động viên xuất sắc như Nguyễn Hoài Bảo, Nguyễn Văn Hoàng Liêm, Phan Thị Ngọc Mai, Võ Văn Chiến, Lưu Thị Mộng Thường, Văn Văn Nhựt, Phan Thị Ngọc Hân, Nguyễn Thị Thuý Kiều, Huỳnh Văn Vĩnh, Lâm Hoàng Phương, Phạm Trần Khắc Phương, Võ Thị Thu Thủy, Lê Trung Hậu, Lê Quang Thuấn.

Năm Giải HCV HCB HCĐ
2000 Giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Giải vô địch toàn quốc 1 6 15
2001 Giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Giải vô địch toàn quốc 5 6 13
2002 Giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Giải vô địch toàn quốc 5 4 12
2003 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc và Giải trẻ toàn quốc 10 11 7
2004 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc và Giải trẻ toàn quốc 17 8 9
2005 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc và Giải trẻ toàn quốc 9 13 13

 

Sau năm 2005, Vovinam Bến Tre được Sở TDTT (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thành lập đội tuyển do VS Phan Hoàng Tân làm HLV trưởng cùng 2 trợ lý là HLV Nguyễn Hoài Bảo và Nguyễn Văn Hoàng Liêm cùng các VĐV gồm: Phan Thị Ngọc Hân, Nguyễn Hoàng Tấn, Nguyễn Văn Việt Lan, Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Văn Thừa, Nguyễn Thị Diễm Tiên,Nguyễn Hoàng Lam, Phạm Thị Kiều Giang, Trần Thị Xuân Phương, Nguyễn Hoàng Phú Quốc, Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Hoàng Bảo, Lê Quang Thuấn, Phan Văn Thanh Giang, Trang Sĩ Trường Giang, Nguyễn Thị Tiên, Lê Tấn Tài, Nguyễn Thị Thái Hà, Lê Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Như Thủy, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Duyên, Nguyễn Thị Ánh Nhi, Nguyễn Thi Huỳnh Như, v.v. 

Từ đây, Vovinam Bến Tre lại bước vào một giai đoạn mới, một thử thách mới với nhiều sự chinh phục và những hoài bão lớn hơn. Giai đoạn này Vovinam Bến Tre đã giành được những thành tích đáng khích lệ.

Năm Giải HCV HCB HCĐ
2006 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc và Giải trẻ toàn quốc 15 6 7
2007 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc và Giải trẻ toàn quốc 17 9 9
2008 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc, Giải Quân đội mở rộng và Giải trẻ toàn quốc 16 13 18
2009 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc, Giải trẻ toàn quốc, Giải vô địch thế giới và Asian Indoor Games lần III.  26 huy chương các loại
2010 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc, Giải trẻ toàn quốc và Giải cúp các câu lạc bộ toàn quốc 11 13 2
2011 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc,  Giải trẻ toàn quốc, Giải cúp các CLB toàn quốc và Giải vô địch thế giới. 18 20 13
2012 Giải khu vực ĐBSCL, Giải vô địch toàn quốc, Giải trẻ toàn quốc, Giải cúp các CLB toàn quốc 9 9 8

 

Kể từ khi Liên đoàn Vovinam Bến Tre thành lập và lãnh đạo các câu lạc bộ, đội tuyển, phong trào thi đấu và thành tích của các vận động viên (VĐV) đã được cải thiện rõ rệt. Một số vận động viên đã nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật thi đấu và đã đạt được thành tích tốt trên đấu trường trong nước và quốc tế như VĐV Nguyễn Hoàng Tấn, Nguyễn Thị Duyên, Nguyễn Thị Ánh Nhi, Phạm Thị Kiều Giang v.v. Tham gia tại các giải thi đấu Vovinam Bến Tre đã đạt được một số thành tích như sau:

Năm Giải HCV HCB HCĐ
2013 Giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Giải vô địch toàn quốc, Giải trẻ toàn quốc, Giải cúp các CLB toàn quốc và Giải vô địch Đông Nam Á  14 17 15
2014 – Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc

–  Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc

1

0

5

3

2

3

2015 – Giải khu vực vực Đồng bằng sông Cửu Long 

– Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc

– Giải vô địch toàn quốc

5

1

1

7

4

3

3

1

1

2016 – Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc

– Giải vô địch toàn quốc

2

1

2

4

3

4

2017 – Giải khu vực ĐBSCL

– Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc

– Giải vô địch toàn quốc

0

1

0

7

4

0

6

3

2

2018 – Giải vô địch các đội mạnh toàn quốc

– Đại hội Thể thao toàn quốc

1

1

9

0

3

3

2019 – Giải trẻ toàn quốc

– Giải học sinh toàn quốc

0

3

0

3

2

7

 

Trong số những VĐV đã mang vinh quang về cho Vovinam Bến Tre phải kể đến những võ sĩ nổi bật đã đóng góp nhiều thành tích tốt như:

Vận động viên Nguyễn Hoài Bảo – HCĐ Giải vô địch toàn quốc 1997, HCB Giải vô địch toàn quốc 1999. Từ đó cho đến nay, Hoài Bảo giành được 30 HCB và HCĐ tại Giải vô địch toàn quốc; 16 HCV, HCB và HCĐ tại Giải các đội mạnh toàn quốc; 94 HCV, HCB và HCĐ tại Giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vận động viên Phan Thị Ngọc Hân – 6  HCV tại Giải vô địch toàn quốc; 2 HCV tại Giải các đội mạnh toàn quốc; 1 HCV, 1 HCB châu Á; 1 HCV Thế giới.

Vận động viên Nguyễn Hoàng Tấn – 9 HCV tại Giải các đội mạnh toàn quốc; 8 HCV tại Giải vô địch toàn quốc; 1 HCV, 2 HCB tại Giải Đông Nam Á; 2 HCV, 2 HCB tại Giải Thế Giới cùng nhiều HCV tại Giải khu vực vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm tạo điều kiện cho các môn sinh Vovinam cọ xát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và tìm nguồn tài năng bổ sung cho đội tuyển Vovinam của tỉnh, Liên đoàn Vovinam Bến Tre cùng sự giúp sức của một số mạnh thường quân trong tỉnh đã tổ chức Giải Vovinam tranh cúp Xổ số kiến thiết thường niên từ năm 2012. Qua giải, các VĐV trẻ sẽ được chọn lọc và đào tạo, phát triển những phẩm chất và kỹ năng để đóng góp vào thành tích chung của Vovinam Bến Tre. Nhờ tinh thần phấn đấu và nhiệt huyết trong  tập luyện và thi đấu của các VĐV mà Vovinam Bến Tre đứng đầu Giải vực Đồng bằng sông Cửu Long 6 năm liên tục (2003 – 2008) và cho đến năm 2018 vẫn luôn đứng trong Top 3, nhiều năm liền đứng trong Top 2 và Top 3 Giải vô địch toàn quốc. 

Đạt được những thành tích trên, không thể không nhắc đến đội ngũ võ sư, huấn luyện viên – những người luôn âm thầm cống hiến không ngừng nghỉ. Tính đến nay, Vovinam Bến Tre đã có 31 võ sư trong đó có 2 Hồng đai II cấp, 5 Hồng đai I cấp, 24 Chuẩn hồng đai – những người luôn tâm huyết về sự phát triển Vovinam của tỉnh nhà.

Nhìn lại một chặng đường

Những thành tích vừa nêu tuy còn rất khiêm tốn, nhưng Vovinam Bến Tre đã có những đóng góp nhất định vào phong trào TDTT của tỉnh nhà. Để có được những thành quả như ngày hôm nay, Liên đoàn Vovinam Bến Tre luôn trân trọng sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, các huyện, các mạnh thường quân, v. v. đã tạo điều kiện cũng như đồng hành cùng các sự kiện, hoạt động của Liên đoàn. 

Dù vậy, để có thể sớm sánh vai cùng các môn võ khác, Vovinam Bến Tre cần nghiêm khắc nhìn lại các hạn chế của mình. Trên tinh thần Vovinam – Việt Võ Đạo là một gia đình, tất cả võ sư và huấn luyện viên, môn sinh đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, chú trọng giáo dục tinh thần thượng võ, tôn sư trọng đạo. Liên đoàn Vovinam Bến Tre cần quan tâm và tích cực đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài, nhất là lực lượng trẻ – những người có tâm và đủ tầm để gánh vác trọng trách.

Vì một tương lai phát triển của Vovinam Bến Tre, chúng ta hãy yêu thương, giúp đỡ, tôn trọng, hòa hợp cùng đồng môn nhưng mạnh dạn đấu tranh với những tiêu cực nhằm đưa Vovinam Bến Tre phát triển ngang bằng với các tỉnh bạn và xa hơn nữa là vươn tầm quốc tế. 

Liên đoàn Vovinam tỉnh Bến Tre


 Tin liên quan: