(Bài dự thi “Võ thuật trong trái tim tôi”)
Lời toà soạn:
Sau gần 1 tuần công bố cuộc thi viết “Võ thuật trong trái tim tôi”, toà soạn báo điện tử võ thuật đã nhận được rất nhiều bài vở tham dự của các độc giả gần xa trên mọi miền cả nước. Để tránh bài thi thất lạc và nhầm lẫn, xin độc giả gửi về địa chỉ vothuat.info@gmail.com, tiêu đề ghi rõ: Tham dự cuộc thi viết Võ thuật trong trái tim tôi.
Từ hôm nay, báo điện tử võ thuật sẽ công bố các bài dự thi đạt chất lượng và tiến hành chấm bài. Mở đầu là bài viết của độc giả Nguyễn Hoàng Khoa, quận Gò Vấp, TP.HCM:
Tôi là người yêu Cung Lê, luôn cổ vũ, động viên hết mình mỗi khi anh thượng đài. Tôi yêu UFC là nhờ anh truyền cảm hứng, không phải bởi anh là người võ sĩ Mỹ gốc Việt mà bởi từ chính những đòn đá móc gót “độc nhất vô nhị” của anh trên sàn đấu khốc liệt này. Khi biết tin Cung Lê bị cấm thi đấu 1 năm ở tuổi 42 vì doping, tôi buồn. Buồn nhưng không sốc, không bất ngờ. Tôi đã không còn ngạc nhiên gì với việc các vận động viên nói chung và các võ sĩ nói riêng dùng chất kích thích vào thể thao chuyên nghiệp. (dẫu trong tâm thế viết bài này, trong con tim, tôi vẫn có chút hy vọng rằng UFC đã có gì đó sai sót với mẫu máu và nước tiểu của anh, như chính anh đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của Zuffa).
Khi khoa học phát triển thì việc các vận động viên sử dụng thuốc kích thích, hay ở cấp độ nói “nhẹ nhàng hơn” là thuốc bổ trợ thể lực (cái giới hạn ấy mỏng manh vô cùng) đã thành chuyện cơm bữa. Chúng ta hẳn không quên Lance Armstrong đã dùng doipng có hệ thống đến mức độ nào, cả thập
kỷ không hề bị phát hiện ra, để cuối cùng phải chính anh thú nhận: “Tôi đã chơi doping” thì cả thế giới mới vỡ oà. Mọi người gọi lời tự thú của Lance là: “Kẻ lừa dối thế kỷ” nhưng tôi cho rằng, đấy mới là lời thú tội dũng cảm nhất bởi là lời thú tội từ trái tim của một tên tội đồ dũng cảm.
Thật ra, trong bài viết Võ thuật trong trái tim tôi này, tôi không quy tội ai, cũng không muốn bàn về doping, bàn về sự “đúng – sai”, sự có tội – hay vô tội của Cung Lê. Bởi những điều ấy sẽ có toàn án thể thao phân xử. Tôi chỉ muốn mượn sự kiện: “Cung Lê và nghi án doping” để nói lên suy nghĩ của mình về võ thuật và con đường võ đạo. Khi thể thao càng lên mức chuyên nghiệp, tôi càng cảm nhận sâu sắc rằng, các võ sĩ đã đi xa dần cái đẹp mà võ thuật vốn dành cho mỗi môn sinh của mình. Bất kỳ môn võ nào cũng có chữ đạo đi cùng: Taekwondo – Thái Cực Đạo; Karatedo – Không Thủ Đạo; Judo – Nhu Đạo; Jeet Kune Do, Triệt Quyền Đạo. Đạo đây chính là con đường võ thuật, đạo mang nghĩa niềm tin, tâm thức và đạo lý của người võ sĩ. Thật sự, không một “bí kiếp” võ công của bất kỳ môn phái nào hướng dẫn môn sinh triệt thủ đối phương bằng những đòn tà đạo, không một chương nào yêu cầu môn sinh phải dùng thuốc bổ trợ để nâng cao thể lực, để chiến thắng đối thủ bằng mọi cách. Ngày nay, khi lên sàn đấu, người võ sĩ còn mấy ai nhớ đến “đạo” trong tâm thức của mình.
Tôi thích câu nói: “Chiến tranh giả – hoà bình thật” trong khẩu hiệu của Liên đoàn cờ vua thế giới để nói lên tinh thần đoàn kết của các kỳ thủ sau mỗi ván cờ. Võ thuật cũng thế thôi. Đó chỉ là cuộc cạnh tranh gay cấn trên sàn đấu nhưng là cuộc chiến đấu giả, giả để đem lại giá trị sáng ngời cho người võ sĩ sau mỗi cuộc thượng đài: tinh thần thượng võ. Khi dùng doping (hay bất kỳ thuốc bổ trợ nào, dưới bất kỳ hình thức nào) thì đấy là cách người võ sĩ đặt “chiến thắng đối phương bằng mọi giá” lên hàng đầu, đã nghĩ đến toan tính thiệt hơn, “chơi ăn gian” và xa rời tôn chỉ mà võ đạo mang đến cho tất cả chúng ta.
Đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, ta dễ nhận thấy những Trương Vô Kỵ, Quách Tĩnh, Dương Quá luyện tập võ công đến mức thượng thừa để hành hiệp trượng nghĩa. Nghĩa là luyện võ với cái tâm trong sáng. Trái lại, cũng là luyện võ, nhưng những cái tâm ác của Đông Phương Bất Bại (với Quỳ Hoa Bảo Điển sẽ thành kẻ ái nam – ái nữ); Tây Độc Âu Dương Phong (tẩu hoả nhập ma với dị bản Cửu Âm chân kinh giả của Hoàng Dung) đều phải trả giá thích đáng. Ngay cả Kim Mao Sư vương Tạ Tốn về cuối cuộc đời cũng quyết định tự tàn phế võ công khi nhận ra việc dùng võ công “cái thế” trong quá khứ của mình là vô nghĩa, chỉ đem lại “cái ác” cho nhân gian.
Luyện tập võ nghệ, ở một nghĩa đơn giản nhất là luyện tập quyền cước và công phu để vượt qua giới hạn chịu đựng thông thường của bản thân. Giới hạn ấy là do chính hành giả luyện tập và vượt qua chứ không cần một sự bổ trợ nào từ bên ngoài. Luyện tập từ tâm, từ trái tim là như thế. Võ đạo tức võ và đạo.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có một đạo, một con đường riêng cho mình. Luyện võ thuật cũng có nhiều mục đích: hành hiệp trượng nghĩa, nâng cao sức khoẻ, đối kháng võ đài để thoả niềm đam mê, mưu sinh cuộc sống. Dẫu vậy, luyện võ nghệ cũng đừng quên võ đạo. Con đường ấy không có chỗ cho những viên thuốc bổ trợ, không có những toan tính vị kỷ, tìm cách chiến thắng đối thủ bằng những sự trợ giúp không từ chính bản thân mình. Hãy luyện võ bằng cả trái tim, bằng tâm thức và con đường võ đạo của mình…
Nguyễn Hoàng Khoa (Gò vấp, TP.HCM)