(Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi)
Vốn nhút nhát, yếu ớt, tự ti… tôi xa lạ với võ thuật và những gì “thuộc về sức mạnh” nói chung. Ngay môn thể dục trong học đường đã không kham nổi, và mọi cuộc tỉ thí thuở học trò tôi đều bị hạ “nốc ao”. Vậy mà…
Sự khác biệt của một trường phái võ học (tạm gọi vậy- theo tôi) mà tôi sắp đề cập, chính là tinh thần cao sâu của nó – một tôn giáo lớn, đạo Phật. Thiền Tông đến với tôi bởi một nhân duyên: trong một khóa học, tôi được bạn cho mượn rồi sau đó tặng hẳn một quyển sách có bìa rất đẹp với dòng tựa in lớn màu xanh mát lành: Thiền Tông. Tôi đã đọc nhanh, rồi đọc lại, thấy lạ lắm: “Thiền Tông không lời nói, vắng bặt hết suy tư. Niệm trước không sanh là tự tánh, niệm sau chẳng diệt ấy là Chơn Như…”. Tất nhiên, tôi không hiểu ngay, đấy là những biệt ngữ tôn giáo. Rồi, cũng nhân duyên, tôi bệnh trọng, vào tá túc công quả trong một cơ sở tôn giáo đúng 10 năm tròn, và được chạm chút xíu với Thiền Tông, một môn võ vi diệu.
Muốn học, biết, hành Thiền Tông tất yếu phải học, hiểu, hành giáo lý cơ bản nhà Phật, tỉ như sự từ bi, buông xả, làm sạch tinh thần. Nói vậy chứ mênh mông lắm, cả một kho tàng lý luận sâu sắc. Tu học, phải tu mới học được. Giữ giới, khép mình, sống như người xưa, hiểu Phật và cố gắng sống theo những lời Phật dạy: nhân ái, từ tâm, song không hề khiếp nhược mà dũng mãnh, can cường. Có lẽ khó có môn phái võ thuật nào đòi hỏi nhiều như thế, ngoài sức mạnh cơ bắp và sự khéo.
Chính Sư Thầy trụ trì, trong 10 năm dài, bằng chính suy niệm và cuộc sống của mình, đã giúp tôi- như đã nói- chạm được chút xíu vào Thiền Tông. Chưa hề thấy Thầy nóng nảy với bất cứ ai cho dù Chùa lớn và bao nhiêu là chuyện tham – sân – si mà trách vụ trụ trì phải đương đầu. Thầy nhẫn nại tháo gỡ hết, nhân từ, hy sinh, buông xả. Chưa hết, mưa gió, nắng cháy, Thầy vẫn ẫn nhẫn phụng sự nhân sinh bằng nghề thuốc: phơi, chế biến thuốc đông y; bắt mạch, châm cứu… Không một lời than, hay một yêu cầu nào, hoàn toàn bất vụ lợi, cả một đời. Có người sẽ nói: như vậy, dài dòng thế, thấy có liên quan gì đến võ thuật đâu?
Vâng, Thiền Tông là một thứ võ không thấy được theo lý thông thường. bao nhiêu tay anh chị giang hồ tung tác ngoài đời, vào tù ra trại, mình xăm vằn vện, ngôn ngữ hung ác… vậy mà đều dễ dàng bị khuất phục bởi Sư Thầy: Thầy chăm sóc họ, ân cần nói chuyện với họ, cho họ những gì có thể, không lên lớp bảo ban, vậy mà có sức mạnh không ngờ. Sự tập trung tinh thần cao độ, xuất phát từ lòng từ tâm vô biên của Phật pháp khiến Thầy đón nhận, chấp nhận, cưu mang những con người không dễ chấp nhận, chân tình chứ không giả tạo, và họ đón nhận được thông điệp tình người từ một nhà sư, buông gươm, xả bỏ. Không tung những đòn cước mãnh liệt, không có những tiếng quát sấm sét, không có máu đổ, vậy mà có sức mạnh. Thầy lay động những tâm hồn tưởng như “chai lạnh”, “bắt” họ nương vào nhà Phật, quay vào bờ giác. Bao nhiêu năm dài ăn bờ ngủ bụi, giải quyết mọi sự bằng sức mạnh cơ bắp, không được nghe một lời lẽ nhẹ nhàng, không được nhận một cử chỉ ân cần, không hề được tôn trọng, giờ họ được- từ Thầy. Nói như thế, không dễ làm đâu, có tu mới làm được, và Thiền Tông là như thế, hay chính xác: một khía cạnh của Thiền Tông là như thế. Khó nắm bắt diễn giải, chỉ biết có thể hiểu nôm na như vậy. Xuất phát của Thiền Tông chính từ nhu cầu người tu hành phải sở đắc được một sức mạnh phù hợp với giáo lý nhà Phật, nhằm bảo vệ chùa chiền trước mọi sự phá hoại, và còn để chiến đấu với chính mình nhằm đi đến cùng trên con đường tu gian nan. Một thứ võ thiên về tinh thần? Cũng có thể hiểu như thế.
Nhưng không hoàn toàn như thế, vì tôi từng chứng kiến những giờ phút hành thiền nghiêm ngặt của Sư Thầy để thanh lọc tinh thần, giữ vững tư tưởng. Và những bước chân mạnh mẽ dẻo dai khó tin khi Thầy trường chay với cơm rau đạm bạc quanh năm. Thầy có thể khuân những vật rất nặng, chịu lạnh giá hay nóng bức, và khó tin: dùng nhãn lực khuất phục thú hoang. Như thế, trong hoàn cảnh bắt buộc tự vệ, người tu hành hoàn toàn có đủ sức để chiến đấu theo cách riêng trước đối phương, tiên lễ hậu binh. Khái lược: có tâm, tâm đi trước và làm nền, và một sức mạnh sẵn sàng. Với sự tập trung tinh thần cao độ do công phu mà có, Sư Thầy có thể ngồi thiền trong chánh điện mà vẫn phân biệt được bước chân khẽ khàng đang tiến vào từ phía sau là của ai! Đấy là sự thật, không huyền hoặc.
Tôi chỉ biết có như thế, qua Thầy mình, về Thiền Tông.
Nguyễn Thành Công (ấp 5, thị trấn Giá Rai, Bạc Liêu)