Làng võ Việt dậy sóng với “kiến nghị” ghép Võ cổ truyền và Vovinam thành môn Vovietnam

 Từ việc kiến nghị “Đề xuất thống nhất hai môn võ thuật dân tộc là Vovinam và Võ cổ truyền làm một là Vovietnam để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế” đang gây ra những tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng võ Việt đầu trong suốt những ngày vừa qua. Điều nguy hiểm của văn bản gọi là “kiến nghị” này gần như đã được Ủy ban Olympic Việt Nam thông qua nếu báo chí không vào cuộc và lên tiếng đúng lúc vì trong biên bản đã được ký đóng dấu bởi ông Hoàng Vĩnh Giang – với vị trí là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, kiêm Trưởng ban chuyên môn và luật của VOC. Văn bản này ghi rõ cuộc họp có sự góp mặt của lãnh đạo các vụ chức năng của Tổng cục TDTT…

Cụ thể, tại cuộc họp của ban chuyên môn và luật VOC vào ngày 18/1 ở Hà Nội, Phó chủ tịch VOC Hoàng Vĩnh Giang làm trưởng ban đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN và thế giới đã ký biên bản kiến nghị: “Đề xuất thống nhất hai môn võ thuật dân tộc là vovinam và võ cổ truyền làm một là vovietnam để tham gia thi đấu tại các giải đấu quốc tế”.

Khi biên bản kiến nghị này được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đã ngay lập tức khiến làng võ Việt được một phen “dậy sóng”.

Giới võ thuật nhận định, với tên gọi mới là Vovietnam, đề xuất này chẳng khác nào khai tử luôn hai thương hiệu Võ cổ truyền và Vovinam. Nói rộng ra, đề xuất này “chẳng giống ai” và hoàn toàn đi ngược với sự phát triển chung của nền võ học dân tộc.

Kiến nghị gộp hai môn võ Vovinam và Võ cổ truyền thành một môn Vovietnam đang khiến cộng đồng võ "dậy sóng".
Kiến nghị gộp hai môn võ Vovinam và Võ cổ truyền thành một môn Vovietnam đang khiến cộng đồng võ “dậy sóng”.

Trước kiến nghị này, chia sẻ với báo Tuổi trẻ, võ sư Lê Kim Hoà (PCT Liên đoàn VCT VN) cho biết: “Tôi rất bất ngờ trước thông tin này. Võ cổ truyền là tập hợp tất cả môn phái, xây dựng lại thành một nền tảng gọi chung là võ cổ truyền VN là quá ổn rồi. Trong khi đó, vovinam đã tách ra khỏi võ cổ truyền VN và có quá trình phát triển lớn mạnh của riêng họ rồi thì tại sao phải ghép trở lại?”.

Cùng quan điểm không đồng ý, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (Chánh chưởng quản môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo) cho rằng: “Vovinam đã có liên đoàn thế giới, liên đoàn các châu lục và hoạt động đâu ra đó. Thậm chí, Vovinam cũng từng được đưa vào thi đấu chính thức tại SEA Games thì tại sao phải ghép chung với Võ cổ truyền. Tôi nghĩ môn nào thì ra môn đó, chứ ai đi sửa tên tuổi môn phái lại như vậy. Chúng tôi còn liên đoàn thế giới nữa, làm vậy người ta cười cho”.

Trong khi đó, TS Võ Danh Hải (PCT Hiệp hội Võ thuật thế giới) – người từng nhiều năm làm công tác quảng bá võ thuật Việt Nam ra quốc tế – cho rằng: Sáp nhập Võ cổ truyền và Vovinam sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết, và nặng nề hơn có thể dẫn đến sự mất đoàn kết giữa hai môn võ. Giả sử Võ cổ truyền và Vovinam được gộp thành một, vậy chúng ta sẽ lấy nền tảng kỹ thuật, hệ thống thi đấu của môn võ nào làm nền tảng phát triển? Việc “thống nhất” hai môn võ thuật dan tộc của Việt Nam với bất cứ lý do gì cũng sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, và là bước thụt lùi trên chặng đường phát triển võ thuật Việt Nam”.

Võ cổ truyền có lịch sử lâu đời và đa dạng về môn phái.
Võ cổ truyền có lịch sử lâu đời và đa dạng về môn phái.

Trước hết, cần phải nói rõ rằng, Võ cổ truyền Việt Nam (võ phục màu đen) dùng để chỉ những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc VN, được bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí… với đặc điểm nổi bật là các bài quyền có lời thiệu bằng thơ, phú… Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã được thành lập và hoạt động rộng khắp trong nước và có hệ thống thi đấu cấp quốc gia từ hơn 20 năm qua.

Vovinam đã phát triển rộng rãi trên thế giới, từng được đưa vào thi đấu chính thức ở SEA Games.
Vovinam đã phát triển rộng rãi trên thế giới, từng được đưa vào thi đấu chính thức ở 2 kỳ SEA Games 26 và 27.

Trong khi đó, Vovinam (võ phục màu xanh dương) là môn phái được võ sư Nguyễn Lộc phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật khác với chủ thuyết “cách mạng tâm thân”, trên nguyên lý Cương nhu phối triển. Sau 80 năm thành lập (1938-2018) và hơn 40 năm phát triển quốc tế, cùng sự nỗ lực của nhiều thế hệ, Vovinam đã phát triển rộng khắp ra trên 60 quốc gia trên toàn thế giới, Liên đoàn Vovinam thế giới ra đời vào năm 2008, Vovinam chính thức được đưa vào các kỳ tranh tài đỉnh cao của khu vực và châu lục: SEA Games (2013 (Indonesia), 2015 (Myanmar)); ASIAN Indoor Games 2009; ASIAN Beach Games (2017).

 

Giải VĐTG Võ cổ truyền Việt Nam lần 1-2016 được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM.
Giải VĐTG Võ cổ truyền Việt Nam lần 1-2016 được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM.

Võ cổ truyền Việt Nam và Vovinam (và các môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam khác) là tách biệt hoàn toàn, không chỉ về bản sắc, triết lý, kỹ thuật và luật lệ thi đấu mà còn cả lộ trình phát triển. Việt sáp nhập Võ cổ truyền và Vovinam sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Trong làng võ, kiến nghị này cũng nhanh chóng gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội. Anh Minh Tuệ kiên quyết nhận định: Văn vô đệ nhất. Võ vô đệ nhì. Môn nào cũng có những tinh hoa riêng. Và quan trọng hơn nữa là không thể ghép được”.

“Tôi là môn sinh Vovinam, tôi yêu Vovinam và tôn trọng các võ phái khác, đặc biệt là Võ cổ truyền. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc sáp nhập hai môn võ này thành một”, Nguyễn Cẩm, một môn sinh Vovinam cho biết.

Chia sẻ với VoThuat.vn, bạn đọc Minh Đoan cho biết: “Nếu xét riêng Cõ cổ truyền thì cả nước có rất nhiều môn phái với nhiều cách chiến đấu khác nhau. Theo tôi thì không nên sáp nhập hai môn võ bởi triết lý mỗi bên khác hoàn toàn. Nếu đã muốn thi đấu quốc tế thì tại sao không đưa cả Võ Cổ Truyền và Vovinam cùng tham gia. Qua đó càng khiến cho bạn bè quốc tế thấy được sự phong phú của võ thuật Việt Nam”.

Văn bản kiến nghị của ông Hoàng Vĩnh Giang đang vấp phải nhiều ý kiến tiêu cực từ dư luận. Đa số ý kiến từ cộng đồng võ đều không tán thành việc sáp nhập hai môn Vovinam và Võ cổ truyền thành Vovietnam.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, điều nguy hiểm của văn bản gọi là “kiến nghị” này gần như đã được Ủy ban Olympic VN thông qua nếu báo chí không vào cuộc và lên tiếng đúng lúc vì trong biên bản đã được ký đóng dấu bởi ông Hoàng Vĩnh Giang – với vị trí là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, kiêm Trưởng ban chuyên môn và luật của VOC. Văn bản này ghi rõ cuộc họp có sự góp mặt của lãnh đạo các vụ chức năng của Tổng cục TDTT (Ông Phạm Đông Anh, Ông Đặng Danh Tuấn (Phụ Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng kiêu TTK Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam)), Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc TT HLTT QG Bắc Ninh và Tổng thư ký VOC Trần Văn Mạnh. Thế nên về các vấn đề chuyên môn này gần như không cần phải có ý kiến của các thành viên của BCH VOC và tinh thần văn bản này sẽ được các cơ quan liên quan thực hiện.

Toàn thể văn bản cuộc họp ngày 19/1/2018:

Biên ghi rõ các thành viên tham dự buổi họp quan trọng này. 

 

 Biên bản cũng thêm một nội dung khá quan trọng của cuộc họp “thống nhất bầu 4 phó trưởng ban chuyên môn và luật VOC gồm có 3 Vụ trưởng quan trọng của TC TDTT: Hoàng Quốc Vinh (Vụ thành tích cao 1), Nguyễn Trọng Hổ (Vụ thành tích cao 2) và Nguyễn Ngọc Anh (Vụ TDTT quần chúng). 

Trong 3 kiến nghị của văn bản thì kiến nghị làm “dậy sóng” làng võ thuật Việt Nam bằng việc thống nhất 2 môn võ thuật dân tộc thành một là Vovietnam?

Để có thêm nhiều ý kiến về vấn đề này, bạn đọc có thể gửi ý kiến về: banbientap@vothuat.local.dev. Chúng tôi sẽ tiếp tục có các bài viết về vấn đế này trong các bài báo tới!

Võ Út Đạt – Tổng hợp