Một giải đấu vật chuyên nghiệp ngay tại Bình Nhưỡng khó có thể được xếp vào bậc nhất, nhưng chắc chắn là một sự kiện lịch sử. Vào cuối tháng này, ít nhất 21 võ sĩ sẽ tranh tài tại thủ đô của CHDCND Triều Tiên
Ông Antonia Inoki, cựu đô vật chuyển sang làm chính trị gia và là người tổ chức giải, hy vọng giải đấu sẽ giúp xoa dịu căng thẳng của quốc tế đối với chính quyền ông Kim Jong Un.
“Những sự kiện thể thao kéo con người lại gần nhau”, ông Inoki nói. “Đó là điều tôi đã bày tỏ từ lâu”. Ông nói thêm: “Đây là thể thao giải trí. Thế vận hội là cuộc đua tài giữa các nước, nhưng tại đây người xem có thể tự do chọn cổ vũ cho ngôi sao nào họ thích, và đoàn kết với nhau như một khối”.
Trả lời phỏng vấn tại văn phòng, bất chấp cái nóng mùa hè, chính khách tại thượng viện này vẫn choàng chiếc khăn đỏ đặc trưng, kỉ vật của thời kì thượng đài với biệt danh “Chiến thần rực cháy”.
Tuy đã giải nghệ và bước sang tuổi 71, ông Inoki vẫn là hình ảnh nổi bật tại Nhật Bản với chiếc cằm chẻ và thân hình cao 1m90. Đối với người Mỹ, tên ông được gắn liền với trận hoà năm 1976 với Muhammad Ali ở Tokyo, một trận đấu được xem như mở đường cho võ thuật phối hợp.
Giải đấu tổ chức ngày 30 đến 31-8 tới sẽ có sự kết hợp giữa taekwondo, aikido và vật chuyên nghiệp. Trong đoàn vận động viên đến tham dự có ba người Mỹ.
Đó là Bob Sapp, người khá nổi tiếng tại Nhật Bản; Bobby Lashley, vô địch cử tạ tại giải TNA; và Eric Hammer. Theo ông Inoki, giải đấu còn có sự góp mặt của các đô vật từ Nhật Bản (có bốn phụ nữ), Brazil, Pháp, Trung Quốc và Hà Lan.
Sáu tháng trước giải này, Dennis Rodman và đội Harlem Globetrotter đã tổ chức một giải bóng rổ tại Bình Nhưỡng làm hao tốn giấy mực của báo giới. Lần ấy, Rodman đã ngồi cạnh ông Kim Jong Un, sau đó còn dự tiệc và hát chúc mừng sinh nhật ông.
Chuyến đi trên bị chỉ trích nhiều tại Mỹ vì Rodman đã chuyển nhầm thông điệp tới “người bạn thân suốt đời”. Với Bình Nhưỡng, chính phủ Obama thực hiện “kiên nhẫn chiến lược”, tức chờ ông Kim nhượng bộ thay vì cho Triều Tiên cơ hội hứa hẹn phi hạt nhân hoá trên bàn đàm phán, nhận viện trợ từ bên ngoài rồi lại quay về đường cũ.
Hiện Triều Tiên chưa thử hạt nhân lần thứ tư nhưng đã tiến hành mấy vụ phóng tên lửa khiêu khích, kèm theo đó là đợt công kích Hoa Kỳ kịch liệt hơn hẳn bình thường.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một nhân vật cứng rắn với Triều Tiên, đang cố giải quyết vấn đề bắt cóc đã tồn đọng mấy thập kỉ. Trong những năm 1970 và 1980, ít nhất 17 công dân Nhật đã bị bắt cóc để dạy ngoại ngữ và văn hoá cho điệp viên Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã thừa nhận những vụ việc trên và trả năm người về năm 2002, đồng thời tuyên bố những người còn lại đã qua đời ở Triều Tiên. Tuy nhiên, giờ đấy chính quyền ông Kim Jong Un đã đồng ý mở thêm điều tra về số phận họ.
Giới chức Nhật Bản hy vọng rằng một số người vẫn còn sống và sẽ được trả về. Báo cáo điều tra đầu tiên của Triều Tiên sẽ được công bố trong tháng sau. Về phần mình, chính phủ nhật đã dỡ vài lẹnh cấm vận để bày tỏ thiện chí.
Bước vào chính trường với đảng “Thể thao và hoà bình” tự lập, ông Inoki từ lâu đã cổ suý cách tiếp cận “hoà bình thế giới nhờ thể thao” và tự xem mình như người tiên phong không chính thức của nước Nhật.
Ông có một bản thành tích tương đối đáng nể về mặt này. Năm 1990, chỉ một năm sau khi ông được bầu vào Quốc hội, 100 công dân Nhật bị bắt làm con tin tại Iraq. Chính quyền Saddam Hussein dự định lấy họ ra làm lá chắn sống trước cuộc tấn công sắp tới trong Chiến tranh vùng Vịnh.
Lấy tư cách cá nhân, ông Inoki đến Iraq vài lần trước khi tổ chức “lễ hội hoà bình” ở Baghdad, một hoạt động kết hợp đấu vật, karate và judo. Mấy ngày sau, toàn bộ con tin được phóng thích (một phần cũng do nỗ lực thương thuyết của Bộ Ngoại giao Nhật Bản).
Ông Inoki không khẳng định chuyến đi lần này là vì vấn đề bắt cóc, nhưng có thể nói ông có ảnh hưởng nhất định. Ông cũng đã kêu gọi các quan chức đang làm việc với Triều Tiên về vụ điều tra cùng đi với ông chuyến này.
Một số người ở Tokyo nghĩ ông Inoki chỉ đang đơn thuần quảng bá tên tuổi hoặc phung phí thời gian; tuy nhiên, đô vật về hưu này bỏ ngoài tai những lời chỉ trích. “Người như tôi hiếm lắm,” ông nói, “Tôi không quan tâm.
Cái chính là phải can đảm. Sự ủng hộ của đồng bào mình cũng quan trọng đấy, nhưng mình cần phải đi trước mọi người một bước… Sau này, sẽ có người nhận ra tôi hành động vì ý tốt”.
Nhưng liệu ông Kim có đáp lại nỗ lực của ông Inoki như ông Hussein năm 1990 hay không thì vẫn chưa chắc. Giáo sư ĐH Harvard Joseph Nye, cha đẻ của khái niệm “quyền lực mềm”, cho rằng CHDCND Triều Tiên khá trơ lì trước thứ quyền lực của sức hấp dẫn.
“Nói tới Triều Tiên thì tui thường hoài nghi về chuyện này”, ông Nye nhận xét khi nhắc lại chuyến lưu diễn tại Bình Nhưỡng của dàn nhạc New York Philharmonic năm 2008. Chuyến đi trên đã không làm cho quan hệ Mỹ-Triều hoà dịu hơn.
Đề cập đến vị lãnh tụ quá cố của Triều Tiên, ông Nye nói: “Kim Jong Il thích nhiều thứ trong văn hoá Mỹ, nhưng ông ấy sẽ không ngưng theo đuổi chương trình hạt nhân chỉ vì dàn nhạc New York Philharmonic hay bộ phim Hollywood ông lén xem”. Dù vậy, ông Nye, bổ sung, những đợt trao đổi văn hoá như âm nhạc và thể thao có thể xem như biểu trưng cho thiện chí.