Văn hóa các quốc gia Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đều có loại hình nghệ thuật múa Lân Sư Rồng và cùng có quan niệm về hoạt động này – Văn hoá – Thể thao và Tâm linh.
Lân Sư Rồng Việt Nam, là một bộ phận văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Việt. Kế thừa, phát triển lâu đời từ xưa đến nay, được hình thành và phát triển song hành với sự phát triển của đất nước, thể hiện rõ nét những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, có nguồn gốc từ thời xa xưa, thông qua hình ảnh nghệ thuật điêu khắc từ những triều đại đầu tiên của thời lập quốc.
Tại Việt Nam, múa Lân Sư Rồng từ lâu nó đã trở thành một hoạt động mang tính tâm linh và rèn luyện thể thao trong dân gian cũng như mục đích phục vụ vui chơi giải trí trong những kỳ lễ hội, với ý nghĩa cầu mong các linh vật này sẽ đem đến tài lộc và bình an, nhất là trong dịp đầu năm và Tết Trung Thu. Hoạt động này thu hút mạnh mẽ và mang tính cộng đồng rất cao. Không chỉ giới nghệ nhân, mà mọi tầng lớp trong xã hội đều thích thú với những màn trình diễn Lân Sư Rồng.
Những đầu lân bé tí tẹo được bày bán khắp nơi trên các gian hàng phục vụ lễ hội vào các dịp Trung Thu.
Không những vậy, ở nhiều vùng xa xôi hẻo lánh hoạt động múa Lân cũng được trẻ em tạo dựng, mô phỏng từ những vật liệu sẵn có để thỏa mãn nhu cầu múa Lân.
Tại các thành phố, nhiều hội nhóm Lân Sư Rồng tự phát xuất hiện ngày càng nhiều, dù có sự đầu tư khá tỉ mĩ và luyện tập công phu, nhưng vẫn chưa thể hiện được tính đồng bộ và chuyên nghiệp, trong khi Bộ Văn Hoá Thể Thao và Du lịch đã nhận định đây là một hoạt động mang tính văn hóa thể thao đang phát triển ở nhiều quốc gia, và có triển vọng sẽ là một môn thi đấu đỉnh cao được diễn ra tại đấu trường ASIAD.
Do vậy, tháng 4 năm 2023, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam được thành lập với sự ủng hộ của trên 140 tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cùng đông đảo người yêu mến Lân Sư Rồng, Khánh Hòa có một người là thành viên BCH Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam.
Trước đó 3 liên đoàn của tỉnh và thành phố đã lần lượt ra đời gồm: Liên đoàn Lân Sư Rồng Thành phố HCM, Liên đoàn Lân Sư Rồng Cần Thơ và Liên đoàn Lân Sư Rồng Tây Ninh.
Tại Khánh Hòa, phong trào múa Lân Sư Rồng cũng có bề dày lịch sử rất lâu đời và hiện nay có hơn 60 đội Lân Sư Rồng lớn nhỏ tự phát.
Do tự phát, cho nên ngoài việc phát triển không đồng đều về kỹ thuật, thì nét văn hoá đặc trưng của loại hình nghệ thuật này không nêu lên được sự nổi bật tính riêng biệt của dân tộc như hoa văn và âm nhạc kèm theo của văn hóa Việt Nam, chính nhu cầu hội nhập và thi đấu trong tương lai chưa được đồng nhất và đầu tư kỹ lưỡng, trong khi loại hình nghệ thuật này đang được nâng tầm và ngày càng lan rộng ra dần ra những quốc gia Châu Âu, Trung Đông.
Một sự kiện điển hình là trong năm 2023 vừa qua, tại Vatican Đức Giáo Hoàng đã thực hiện nghi thức khai quang điểm nhãn, (một nghi thức quan trọng trong loại hình nghệ thuật múa Lân Sư Rồng) cho một đội Lân-Rồng của quốc gia nhỏ bé nhưng đầy quyền lực về mặt tinh thần này. Điều đó đã cho thấy múa Lân-Sư-Rồng không còn hạn chế trong phạm vi các quốc gia ĐNA, mà nó đã trở thành môn nghệ thuật mang tầm vóc quốc tế.
Do vậy, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh việc phát triển phong trào Lân Sư Rồng trên cả nước, nhằm tạo sân chơi cho lực lượng thanh thiếu niên, sáng nay, ngày 25/02/2024 tại Trung tâm Hội nghị Âu Lạc Thịnh, Thành phố Nha Trang, đã diễn ra buổi Đại hội thành lập và lễ ra mắt Ban Chấp hành Liên đoàn Lân Sư Rồng tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2024-2029 theo quyết định cho phép số: 3161/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký ngày 20/12/2023.
Bước đầu, Liên đoàn đã thu hút được 65 hội viên của thành phố Nha Trang và các huyện. Đại hội cũng đã bầu 21 người vào BCH nhiệm kỳ thứ nhất 2024-2029.
Với kết quả bầu cử, ông Đoàn Đức Phước, Trọng tài – HLV võ thuật Cổ truyền và Lân Sư Rồng vào chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Khánh Hòa. Ông Nguyễn Minh Cường, PTGĐ Công ty Bảo vệ Long Sơn vào chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa. Ông Nguyễn Đức Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hàng MOCKBA vào chức vụ Phó Chủ tịch- phụ trách kinh tế.
3 thành viên khác trong Ban thường trực Liên đoàn LSR Tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 1 (Năm 2024 – 2029) gồm: Ông Trương Ngọc Tuấn, ông Nguyễn Đức Quốc Khánh và bà Nguyễn Thị Thanh Vân (Kế toán và thủ quỹ).
Theo đó, Liên đoàn cũng đưa ra dự thảo quy chế hoạt động và kế hoạch hoạt động của Liên đoàn năm 2024, trong đó có kế hoạch tập huấn chuyên môn, công tác trọng tài cho các đơn vị thành viên. Đồng thời nghiên cứu kỹ, luật thi đấu. Tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu. Xây dựng mẫu hình dáng đặc thù Lân Sư Rồng theo tiêu chí của Liên đoàn Lân Sư Rồng quốc gia, mang sắc thái văn hóa Việt Nam, xử dụng tên gọi theo ngôn ngữ Việt, sử dụng nhạc cụ dân tộc… bên cạnh một số quốc gia Châu Á và Đông Nam Á đều sở hữu Lân Sư Rồng theo nét văn hóa riêng của họ.
Võ sư Châu Minh Hay