Trong một thông báo mới đây, Philippines đã xin rút khỏi vị trí nước chủ nhà của SEA Games 30 (năm 2019) vì chịu tổn thất kinh tế nặng nề do các vụ bạo loạn, đặc biệt là vụ khủng bố của phiến quân IS tại thành phố Marawi.
Taekwondo Việt Nam: Chiến thuật nào cho SEA Games 29
Judo Việt Nam: Không “ngán” chủ nhà SEA Games
Trong bức thư tường trình lên Ủy ban Olympic IOC, Chủ tịch ủy ban Olympic Philippines William Ramirez cho biết: “Philippines đang chịu những tổn thất nặng nề vì nạn bạo loạn, và những ảnh hưởng kinh tế của nó sẽ còn kéo dài cho đến thời điểm SEA Games 30 phải được tổ chức (năm 2019). Chúng tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo trước rằng chúng tôi không còn đủ khả năng để thực hiện các công tác chuẩn bị cho Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30. Các nguồn lực kinh tế của chúng tôi đều phải được tập trung để phục hồi sau bạo loạn. Chúng tôi vẫn sẽ cố hết sức mình để phục vụ và hỗ trợ sự kiện SEA Games 29 được tổ chức sắp tới đây tại Malaysia”.
Cũng trong thông báo này, phía Philippines cho biết sẽ “sẵn sàng tiếp đón mọi sự kiện thể thao khu vực và quốc tế sau khi đã lập lại trật tự, đảm bảo an toàn cho du khách và các đoàn VĐV cũng như phục hồi kinh tế”.
Năm 2015, Philippines được Liên đoàn SEA Games trao quyền chủ nhà SEA Games 30 khi Brunei từ chối quyền chủ nhà vì không đảm bảo được khả năng tổ chức. Như vậy, SEA Games 30 là mùa SEA Games đầu tiên trong lịch sử phải đổi chủ nhà dự kiến hai lần liên tục. Theo lịch sử tổ chức SEA Games cũng như điều kiện kinh tế các nước hiện nay, nhiều khả năng Thái Lan sẽ là nước thay thế Philippines cho vị trí chủ nhà SEA Games 30, bởi lẽ lần cuối Thái Lan tổ chức SEA Games đã là năm 2007, còn Việt Nam và Capuchia đều đã có vé vào năm 2021 – 2023, nhưng tiềm lực kinh tế không phù hợp để thay đổi kế hoạch. Trong khi đó, Thái Lan đã có vé tổ chức SEA Games vào năm 2025, nhưng với khả năng kinh tế và chính trị, Thái Lan có vẻ vẫn là ứng cử viên sáng giá để chuẩn bị ngay cho SEA Games năm 2019.
Phạm Vũ