Vắng bóng các môn võ thế mạnh từng giành nhiều HCV ở các kỳ SEA Games trước đây như Vovinam, Karatedo, Muay Thai và Vật, các đội tuyển võ thuật còn lại của Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ phải “gồng mình” trong cuộc chiến rất gian nan và được xem là khó khăn nhất trong lịch sử tại đại hội lần này.
Tại SEA Games 28, Đoàn Việt Nam tham dự ở 6 môn võ: Đấu kiếm, Pencak Silat, Judo, Wushu, Taekwondo và quyền Anh. Ở môn Wushu, chủ nhà Singapore đã cắt bỏ các hạng cân Sanshou (đối kháng), thế mạnh của các nữ võ sĩ chúng ta. Còn nhớ tại SEA Games 27 trên đất Myanmar, trong số 5 HCV mà Wushu Việt Nam giành được thì có đến 2 HCV thuộc về các võ sĩ nội dung Sanshou. Với tình hình của SEA Game 28, Wushu Việt Nam sẽ lâm vào tình cảnh “khó càng thêm khó”.
Đại hội thể thao lớn nhất ĐNA lần này, Wushu Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành 3-4 HCV, kém thành tích SEA Games 27 (5 HCV). Chính vì thế, hy vọng của chúng ta được đặt hết vào các nội dung Taolu (quyền). ĐKVĐ của Asiad 17 Dương Thúy Vi (nội dung Kiếm – Thương), Hoàng Thị Phương Giang (Trường quyền nữ), Phạm Quốc Khánh (nam côn) tiếp tục là niềm hy vọng tại Singapore vào tháng 6 tới.
Chuẩn bị cho SEA Games 28, đội tuyển Wushu Việt Nam có 2 chuyến tập huấn tại Trung Quốc, mỗi chuyến kéo dài khoảng 1 tháng. Đầu năm nay, đội đi Tây An và từ cuối tháng 4, đội Taolu (biểu diễn) đi Thượng Hải, đội Tán thủ (đối kháng) tiếp tục sang Tây An. Việc được tập luyện, thi đấu cùng các vận động viên đẳng cấp của nước bạn cũng giúp các tuyển thủ của chúng ta cải thiện nhiều về chuyên môn.
Pencak Silat – khi đối thủ là… trọng tài
Ngay từ đầu năm nay, ĐT Pencak Silat của Việt Nam đã khởi động chiến dịch SEA Games bằng một thành tích đầy khích lệ tại giải vô địch thế giới diễn ra ở Phuket (Thái Lan, từ ngày 6 đến 16/1) với 7 HCV, 6 HCB, 6 HCĐ. Tại SEA Games 27, Việt Nam đã giành được 3 HCV của Nguyễn Thị Yến, Lê Sỹ Kiên và Nguyễn Duy Tuyến. Tuy nhiên, so với đại hội thể thao được tổ chức tại Myanmar, thành phần hiện tại của Pencak Silat Việt Nam chỉ còn 5 trong số 6 VĐV kỳ cựu như Lê Sỹ Kiên, Nguyễn Thị Thúy, Diệp Ngọc Vũ Minh… Bên cạnh đó là những võ sỹ trẻ nhiều triển vọng như Nguyễn Thị Hương, Vũ Thị Vân Anh, Lò Thị Tươi, Vũ Thị Huyền, Trần Thị Thêm…
Do hơn một nửa là các võ sỹ trẻ, nên chỉ tiêu BHL đặt ra cho đội tuyển Pencak Silat là đoạt từ 2-3 HCV ở kỳ SEA Games lần này. Đó là chỉ tiêu có thể đạt được, khi những VĐV trẻ đã sẵn sàng gây bất ngờ. Khó khăn trong việc giành HCV của thầy trò đội Pencak Silat của Việt Nam không phải trên thảm đấu, mà chính ở hậu trường. Suốt nhiều kỳ SEA Games nói riêng hay các giải quốc tế chính thức khác gần đây, nhiều trọng tài luôn tìm cách o ép các võ sỹ Việt Nam đến mức họ phẫn nộ.Thế nên, nếu giữ vững được vị trí trong Top 2 (chủ nhà Singapore chỉ tổ chức thi đấu 13 hạng cân đối kháng – tanding và 3 nội dung biểu diễn – seni), các VĐV Pencak Silat tài năng của Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu, vấn đề là các võ sĩ chúng ta phải nỗ lực chiến đấu hơn 100% sức lực và cũng cần chờ thêm sự công tâm của các trọng tài.Kỳ vọng vào Taekwondo
Tại SEA Games 27, ĐT Taekwondo Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra với 5 HCV. Vì thế ở SEA Games 28, bộ môn này tiếp tục được kỳ vọng sẽ giành thành tích cao. Ở nội dung đối kháng, hy vọng giành HCV của Taekwondo Việt Nam được đặt vào những cái tên như Nguyễn Văn Duy (HCB châu Á), Hà Thị Nguyên, Phạm Thị Thu Hiền (ảnh – phải)… Còn ở nội dung quyền, những nhà vô địch thế giới như Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thùy Xuân Linh cũng được đặt niềm tin rất lớn!