SEA Games 31 đã chính thức khép lại, Đoàn Thể thao Việt Nam dẫn đầu với 205 HCV. Trong đó, võ thuật đã đóng góp 85 HCV cho thành tích chung của cả đoàn để lại dấu ấn cùng những bài học đáng suy ngẫm cho sự phát triển chuẩn bị cho SEA Games 32.
Thành tích ấn tượng và sự chuẩn bị tốt trước thềm SEA Games của võ thuật Việt Nam
Võ thuật là nơi đã mang về cho Đoàn thể thao Việt Nam 4 chiếc HCV đầu tiên ở bộ môn Kurash. Bốn tên tuổi là Tô Thị Trang, Trần Thương, Bùi Minh Quân và Phạm Nguyễn Hồng Mơ đã “nổ những phát súng” đầu tiên cho sự bùng nổ của Võ thuật Việt Nam tại Đại hội thể thao lần này.
85 HCV, 35 HCB và 43 HCĐ là thành tích ấn tượng mà các võ sĩ Việt Nam đã đóng góp vào thành tích chung tại SEA Games 31. Trong đó 12 môn võ, có 10 môn đạt thành tích nhất toàn đoàn còn hai môn Boxing và Jujitsu giữ vị trí thứ hai toàn đoàn.
Ở các bộ môn sở trường như Vật, Vovinam hay Kurash, các đội tuyển Việt Nam vẫn giữ vị trí số một với sự áp đảo về số lượng huy chương, cũng như trình độ với các đối thủ cạnh tran. Sự trở lại mạnh mẽ của các vận động viên Wushu, Taekwondo, Karate và đặc biệt là Judo giúp những đội tuyển này quay trở lại vị trí đứng đầu trong khu vực. Trong đó, bộ môn Judo với 9 nhà vô địch đánh dấu kỉ lục mới về số huy chương vàng trong một kì SEA Games (vượt qua thành tích 7 HCV ở SEA Games 2009 tại Lào). Hay các nữ võ sĩ Boxing đã tái lập thành tích 3 HCV ở một kì đại hội đã làm được từ năm 2015.
Riêng Vovinam, các võ sĩ Việt đoàn Vovinam giành đươc 6 HCV trên tổng số 15 nội dung thi đấu. Dù không áp đảo, nhưng tổng kết giải, các võ sĩ Vovinam đủ sức dẫn đầu sự kiện, tạo nên cuộc tranh tài sôi nổi để hứa hẹn những cuộc đua quyết liệt ở các SEA Games tới. Đồng thời, kết quả cũng cho thấy được những nỗ lực quảng bá môn võ này đang đạt được những tín hiệu tích cực. Trình độ của các nước tham gia đã phần nào thu hẹp và được đón nhận nhiều hơn.
Thành tích của các môn võ tại SEA Games 31
Boxing: 3 HCV – 2 HCB – 2 HCĐ
Judo: 9 HCV – 2 HCB – 4 HCĐ
Jujitsu: 2 HCV – 1 HCB – 2 HCĐ
Karate: 7 HCV – 2 HCB – 6 HCĐ
Kickboxing: 5 HCV – 6 HCĐ
Kurash: 7 HCV – 5 HCB – 5 HCĐ
Muay: 4 HCV – 6 HCB – 1 HCĐ
Pencak Silat: 6 HCV – 2 HCB – 5 HCĐ
Taekwondo: 9 HCV -5 HCB – 3 HCĐ
Vovinam: 6 HCV – 6 HCB – 2 HCĐ
Wrestling (Vật): 17 HCV – 1 HCB
Wushu: 10 HCV – 3 HCB – 7 HCĐ
Thành tích này cho thấy được sự chuẩn bị về công tác huấn luyện và sàng lọc của ban huấn luyện và sự cọ sát của các VĐV trước thềm SEA Games 31.
Đơn cử, môn Taekwondo đã diễn ra Giải Vô địch Taekwondo Đông Nam Á lần thứ 15 từ ngày 1-3 tháng 4. Đây là dịp để các VĐV có thể cọ sát và làm quen trước khi SEA Games 31 diễn ra. Minh chứng là thành tích 4/5 chiếc HCV tại nội dung Quyền ở kỳ Đại hội lần này.
Môn Boxing cũng có cơ hội lấy phong độ tại Giải Vô địch Boxing Thái Lan Mở rộng 2022. Những VĐV như Nguyễn Thị Tâm, Võ Thị Kim Ánh hay Vũ Thành Đạt đều đạt được thành tích tốt tại Giải. Đến SEA Games, Nguyễn Thị Tâm lại tiếp tục đem vàng về cho Đoàn thể thao Việt Nam ở hạng cân 51kg. Đây là những điểm tích cực khi lãnh đạo các Liên đoàn tạo điều kiện để các võ sĩ có cơ hội tập luyện và tham gia các giải đấu trước khi bước vào giai đoạn tranh tài ở sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.
Khoảng cách khu vực và sự đầu tư để tiến tới tầm Olympic
Dù thành công tại SEA Games 31, các nhà phát triển thể thao võ thuật cùng cần nhìn lại chiến lược phát triển cho các võ sĩ.
Tại môn Taekwondo, 4 trên 9 chiếc HCV đạt được đến từ các nội dụng quyền. Điều đó cho thấy được, ở nội dung đối kháng thành tích của Việt Nam vẫn chỉ ngang tầm với đối thủ mạnh nhất khu vực là đội tuyển Thái Lan vẫn đang thể hiện phong độ tốt.
Trong đó, gương mặt kỳ vọng cho khả năng cạnh tranh Olympic như Trương Thị Kim Tuyền vẫn đang có một khoảng cách khá xa vớ đối thủ cạnh tranh là Panipak Wongpattanakit. Ở SEA Games lần này, Kim Tuyền đã phải chấp nhận xuống hạng cân 46kg để tránh đụng độ với võ sĩ Thái Lan. Với những gì đã thể hiện nữ võ sĩ sinh năm 1997 sẽ khó soán ngôi đối thủ tại các đấu trường hàng đầu khu vực.
Còn môn Boxing, SEA Games 31 được xem là một kỳ SEA Games “đáng quên dành cho các nam võ sĩ. Sự vắng mặt của Nguyễn Văn Đương nên mọi hi vọng được đặt lên Trương Đình Hoàng và Trần Văn Thảo. Tuy nhiên, Trương Đình Hoàng và Trần Văn Thảo không thể đáp ứng kỳ vọng lên đỉnh cao khu vực dành cho Boxing Việt Nam.
Nếu như các đồng nghiệp nam luôn gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh tại “sân chơi” khu vực thì các nữ võ sĩ lại cho thấy “lương duyên” trong việc vươn ra biển lớn.
Trường hợp điển hình là Trần Thị Linh, dù không được đánh giá cao ở đấu trường quốc nội, nhưng nữ võ sĩ này đã xuất sắc vượt qua hai đối thủ mạnh là Sudaporn Seeoondee và Nesthy Petecio để góp mặt ở trận chung kết rồi tiến đến chiếc HCV danh giá cho Boxing.
Nhìn lại toàn cuộc, có thể thấy rằng sau SEA Games 31, việc phát triển cần được đẩy mạnh hơn ở nội dung đối kháng. Những môn võ xưa nay có thế mạnh là nội dung quyền thì cần đào tạo và phát triển hơn nữa những nhân tố ở đối kháng, vì đây là nội dung sẽ tranh tài tại các kỳ ASIAD hay Olympic.
Trong khu vực Đông Nam Á, võ thuật Việt Nam luôn được đánh giá như một thế mạnh, đóng góp không nhỏ vào thành công chung của thể thao nước nhà. Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn đang cần thêm những cái tên đủ khả năng vươn xa hơn, góp mặt trong các cuộc cạnh tranh ở đấu trường lớn hơn, đặc biệt là sự “bùng nổ” mạnh mẽ của những nữ võ sĩ.
Hơn thế, những bộ môn võ thuật như Kurash, Judo, Jujitsu cần được quan tâm phát triển đẩy mạnh hơn để có thể mang thành tích tốt hơn trong những kỳ SEA Games tới bên cạnh những môn đã có đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam như Taekwondo, Karate, Boxing,…
Có thay đổi hay định hướng phát triển thì võ thuật Việt Nam mới có thể giữ vững được thành tích đứng đầu khu vực và hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic trong tương lai tới với những thành tích ấn tượng.
Đinh Phúc – Ảnh: Tổng hợp