Chúng tôi rất tự hào và cảm phục khi chứng kiến không chỉ các vận động viên VN mà cả các võ sư, môn sinh đến từ nhiều nước say mê trình diễn những môn phái khác nhau trong ngày thi đấu đầu tiên của Đại hội quốc tế Võ cổ truyền VN đang diễn ra ở Hà Nội.
Có vẻ ngoài như một người mẫu với thân hình thon gọn, hấp dẫn, mái tóc nâu óng cắt tém đầy cá tính, K.Svetlana duyên dáng bước vào sàn đấu cùng với 8 võ sinh mắt xanh tóc vàng khác. Bài biểu diễn tập thể với quạt của đoàn Nga được điểm cao gần tuyệt đối bởi kỹ thuật và thần thái rất tốt. Svetlana hoan hỉ: “Cảm ơn bạn đã khen tôi trẻ. Lý do tôi giữ được vóc dáng là nhờ cả vào môn phái Vĩnh Xuân, một trong những môn phái độc đáo của võ cổ truyền VN.
Điều thú vị của Vĩnh Xuân là người tập không cần bất kỳ một năng khiếu đặc biệt nào cả mà hầu như ai cũng có thể tập luyện, nếu yêu thích và thực sự đam mê. Tôi đã biết võ Vĩnh Xuân được 20 năm, sư phụ của tôi là người Sài Gòn. Tôi yêu võ cổ truyền VN bởi động tác đẹp, uyển chuyển, tinh tế. Có lẽ vì thế mà Vĩnh Xuân được gọi là tinh võ đạo”.
Vừa là trò vừa là đồng đội của HLV Svetlana, môn sinh Popov năm nay 11 tuổi nhưng đã tập môn phái Vĩnh Xuân được hơn 6 năm và trở thành một trong những trụ cột của đội Nga sang VN thi đấu lần này. Popov kể, già nửa lớp học của em ở thủ đô Moscow tập võ cổ truyền VN. Còn Anton, một trong 30 VĐV vovinam đến từ Belarus, khoe: “Tôi tập vovinam mới được 5 năm nhưng năm 2014 đã đoạt ngôi á quân giải vovinam toàn châu Âu, chỉ thua một võ sư Nga”.
Câu chuyện của võ sư người Pháp Frederic Marion cũng thú vị không kém: “Gia đình tôi 4 thế hệ tập luyện môn phái Minh Long. Con rể tôi là người VN và cháu nội tôi mới 4 tuổi cũng luyện Minh Long thạo lắm. Bản thân tôi đã tập môn phái do thầy Trần Minh Long, người Cao Bằng sáng lập này được hơn 53 năm.
Hiện môn phái Minh Long đã tồn tại và phát triển được hơn 40 năm bên Pháp với hơn 1.000 môn sinh, từ 4 – 85 tuổi. Chúng tôi yêu thích võ Việt bởi giàu tính nhân văn, giàu tính nghệ thuật, gợi nhớ về truyền thống của cha ông – một đặc tính rất đáng quý trọng của người phương Đông. Hiệp hội Minh Long phái ngày càng được mở rộng ở Mỹ, Bỉ, Qatar, Algeria, Marocco, Bờ Biển Ngà và một số nước châu Phi khác nữa”.
Trọng tài quốc tế, võ sư Bùi Hoàng Lân rưng rưng nói: “Có nhìn các VĐV các nước tập luyện và thi đấu rồi tiếp xúc mới họ mới càng thấy rõ tình yêu sâu đậm mà bạn bè quốc tế dành cho võ cổ truyền VN. Chất lượng các bài biểu diễn rất cao, rất thuần thục, kể cả ở những VĐV nhỏ tuổi. Không phải ngẫu nhiên mà môn võ cổ truyền của chúng ta được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và ngày càng được nhiều người biết đến.
Võ cổ truyền Việt Nam dùng để chỉ những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc, được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù. Với những kỹ pháp võ thuật này, người Việt Nam đã dựng nước, mở mang và bảo vệ đất nước suốt trong suốt chiều dài lịch sử”.
Truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam
Tại đại hội lần này rất nhiều môn sinh bé bỏng khi đi thi đấu được kèm bởi… bố mẹ. Chẳng hạn như cậu bé Phạm Bảo Minh (Hải Phòng) mới hơn 3 tuổi, thí sinh nhí nhất nhưng động tác xuống tấn của cậu khiến chúng tôi phải “lác mắt” thán phục. Mẹ Minh kể, cậu anh 12 tuổi Phạm Hữu Anh Tú cũng ra Hà Nội thi thố. Gây thích thú cho khán giả nhiều nhất có lẽ là cô bé 9 tuổi Đào Thu Thảo. Thảo được mẹ buộc tóc cây dừa trên chỏm đầu và đứng lọt thỏm giữa thảm thi đấu. “Nhỏ nhưng có võ”, Thảo từng đoạt HCV giải võ cổ truyền toàn quốc năm 2013, HCB năm 2014, còn lần này, cô bé đứng khóc hu hu vì hồi hộp quá, khiến mẹ phải ôm vào lòng dỗ dành.
Sư phụ của bé Thảo là Nguyễn Thị Thanh Tâm, võ sư nữ duy nhất của toàn miền Bắc, trưởng môn phải Uy Long tại Hải Phòng. Tâm nữ tính, dịu dàng nhưng khi cô cầm cái… xẻng để thị phạm cho học trò, thần thái của mắt thực là dữ dội. “Môn phái Uy Long có thể sử dụng được tất cả các loại binh khí như liềm, cuốc, ghế, thậm chí cả… chổi hay xẻng. Xưa kia, những thế hệ đi trước đã dùng cả những vật dụng rất đỗi quen thuộc đó để đánh giặc và nay chúng tôi tái hiện lại nhằm hoài niệm quá khứ, nhắc nhớ những truyền thống anh hùng của dân tộc VN”, sư phụ Thanh Tâm chia sẻ.
Theo Chủ tịch Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền VN Hoàng Vĩnh Giang, hiện có khoảng hơn 1 triệu người trên toàn thế giới tập võ cổ truyền VN. “Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2020 sẽ có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trở thành thành viên liên đoàn. Năm sau, giải vô địch thế giới võ cổ truyền VN sẽ tổ chức hoặc ở Iran hoặc ở Nga”, ông Giang nói.