(VoThuat.vn) – Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.400 người dân, nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, tối nay (19.11) Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP HCM phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Cùng Vothuat.vn điểm qua và hướng đến những hoạt động ý nghĩa nhân ngày toàn dân cả nước tưởng niệm những đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 trong suốt khoảng thời gian qua.

Hôm nay 19-11, các hoạt động tưởng niệm sẽ diễn ra ở khắp nơi trên mọi miền đất nước. Lễ tưởng niệm như một cơ hội để mọi người lắng lòng, một phần xoa dịu đi những nỗi đau mất mát trong thời gian qua. Để từ đây cũng chính là lúc chúng ta nhìn lại và suy ngẫm về những ngày đau thương của dịch bệnh, để biết trân quý từng phút giây bình yên, an lành của cuộc sống hiện tại, sống có ích hơn trong tương lai. Học cách cho đi để nhận lại được nhiều hơn.

Sáng hôm qua 18-11, tại chùa Việt Nam Quốc tự (Q.10, TP.HCM), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN TP.HCM tổ chức đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong trong đại dịch Covid-19. Đây là một trong những hoạt động của Giáo hội Phật giáo VN TP.HCM nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, xoa dịu phần nào những mất mát sau đại dịch.

Đại lễ kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong đại dịch Covid-19 được tổ chức ở Việt Nam Quốc Tự (TP HCM) vào ngày 18-11. Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, là trưởng ban tổ chức. Tham dự có bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cùng đại diện các cơ quan chức năng và đại diện những gia đình có người thân mất do Covid-19

Ngày hôm nay 19-11, lễ tưởng niệm bắt đầu lúc 20 giờ tại điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), điểm cầu phụ ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) được truyền hình trực tiếp. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì Covid-19 tại điểm cầu chính. Sau khi xem một số hình ảnh, phóng sự về những ngày tháng chống dịch, các đại biểu thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.

Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) tại TP.HCM cùng đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20h30. Bên cạnh đó còn có các hoạt động như thả đèn hoa đăng trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (trước chùa Pháp Hoa, Q.3) và trên kênh Tàu Hủ – Bến Nghé (gần cầu Mống, Q.4) vào lúc 20h35.

Mọi công tác chuẩn bị cho buổi Lễ tưởng niệm đã sẵn sàng tại hội trường Thống Nhất, số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1.
Lễ tưởng niệm tại đầu cầu Hà Nội tổ chức ở công viên Thống Nhất
Tại chùa Pháp Hoa, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thiện, sẽ có khoảng 3.000 chiếc đèn hoa đăng được chuẩn bị để thực hiện lễ thả đèn.
Chùa Vĩnh Nghiêm cùng những ngôi chùa khác cũng sẽ đánh chuông tưởng niệm các nạn nhân đã tử vong vì dịch bệnh COVID-19.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết buổi lễ này nhằm tưởng nhớ những người đã không may mất vì Covid-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với các gia đình có người thân mất vì dịch, cũng như chia sẻ với đồng bào vừa trải qua một trận đại dịch. Lễ tưởng niệm lần này nhắc nhở chúng ta rằng thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Từ những gì đã trải qua, chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đối diện với những hoàn cảnh tương tự trong tương lai, giảm thiểu những thiệt hại.

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, các địa phương kết thúc sớm nhất lúc 21 giờ và có thể kéo dài thời gian tổ chức để người dân trên địa bàn thực hiện nghi thức tưởng niệm. Sở VH-TT TP.HCM khuyến nghị người dân tham gia các hoạt động tưởng niệm chú ý tuân thủ khuyến cáo 5K của ngành y tế.

Đại dịch đã và đang cướp đi quá nhiều thứ, gây ra bao nỗi mất mát đau thương cho xã hội. Lễ tưởng niệm những người ra đi sẽ là một hành động mang tính nhân văn cao cả ngay lúc này, để những người còn sống cảm thấy bản thân mình thực sự may mắn. Còn được sống, còn có gia đình, cha mẹ, con cái xung quanh. Điều đó có gì hạnh phúc bằng.

Đó cũng là lời nhắc nhớ mỗi người chúng ta về sự khốc liệt của dịch bệnh, để mỗi người may mắn được sống hôm nay ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng. Nhìn về quá khứ đau thương để mỗi bản thân ta, đặc biệt là người trẻ, sống cuộc đời có ích hơn nữa cho người thân, gia đình và xã hội.

Hãy cùng Vothuat.vn và cả nước tắt đèn và thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong, các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19!

Vothuat.vn