Cử tạ và đấu kiếm có lượng VĐV đi Brazil đông nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng nếu cử tạ có bốn vé nhờ suất dành cho đồng đội, thì những tấm vé của đội tuyển đấu kiếm là thành quả của bốn tay kiếm tài năng và giàu ý chí.
“Hotboy đấu kiếm” được vinh dự cầm cờ TTVN tại Olympic Rio 2016
Văn Ngọc Tú: VĐV cuối cùng giành vé dự Olympic 2016
Vũ Thành An (kiếm chém). Vũ Thành An là kiếm thủ đầu tiên của Việt Nam có vé dự Olympic, và cũng là thành viên nam duy nhất trong số bốn VĐV của đội tuyển. Sinh ra tại Hà Nội, môn thể thao đầu tiên mà chàng kiếm thủ điển trai theo đuổi là bóng đá. Nhưng khi nhận ra bản thân không phù hợp với môn này, Thành An xin rút lui khỏi đội tuyển năng khiếu Hà Nội, chuyên tâm cho việc học văn hoá.
Mối duyên giữa anh và đấu kiếm cũng lắm phen lận đận. Sau khi trúng tuyển vào đội kiếm Hà Nội lúc 15 tuổi, Thành An cũng bỏ cuộc vì vỡ mộng giữa thực tế tập luyện thiếu thốn và hình ảnh oai hùng của các đấu sĩ trong phim ảnh. Nhờ sự thuyết phục của HLV Nguyễn Lê Bá Quang, anh mới trở lại đội một cách nghiêm túc hơn.
Cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của Vũ Thành An là SEA Games 2015, với hai HC vàng cá nhân lẫn đồng đội. Còn tại các giải đấu vòng loại Olympic, Vũ Thành An thắng gọn các đối thủ, đoạt vé đến Brazil. Ngay sau đó, cũng tại Trung Quốc, anh mở ra trang sử mới cho đấu kiếm Việt Nam bằng tấm HC đồng châu lục cá nhân đầu tiên.
Vũ Thành An cũng là người nhận vinh dự cầm quốc kỳ, dẫn đầu đoàn thể thao Việt Nam diễu hành trong lễ khai mạc. Người nhận nhiệm vụ này ở bốn năm trước tại London là Nguyễn Tiến Nhật – cũng là một kiếm thủ.
Nguyễn Thị Lệ Dung (kiếm chém). Nguyễn Thị Lệ Dung là gương mặt kỳ cựu của đấu kiếm Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu bắt đầu phát triển môn này, cụ thể là từ SEA Games 22 mà Việt Nam là nước chủ nhà, Lệ Dung đã là trụ cột của đội, gánh trọng trách săn vàng cho đấu kiếm Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Và nhờ phong độ vững vàng trong suốt thời gian dài, cô được mệnh danh là “nữ hoàng kiếm chém”. Đã sở hữu đến chín HC vàng SEA Games, nhưng đây mới là lần đầu tiên sau 16 năm cầm kiếm thi đấu, Lệ Dung được dự đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.
“Là một VĐV, ai cũng mong ước được một lần đặt chân đến Olympic. Bởi vậy tấm vé này thật sự rất ý nghĩa đối với sự nghiệp của tôi, vì tôi dự tính giải nghệ sau Olympic lần này. Dĩ nhiên khi ra thi đấu ở đó, trình độ của mình sẽ khác biệt so với các đối thủ mạnh, nhưng sứ mệnh của mình khi bước ra đấu trường lớn này là để mọi người biết đến Việt Nam, biết đến những vận động viên cũng không ngừng tiến bộ cùng với bạn bè năm châu”, kiếm thủ 31 tuổi chia sẻ với VnExpress.
Nguyễn Thị Như Hoa (kiếm chém ba cạnh). Như Hoa là cái tên gây bất ngờ nhất trong số bốn tấm vé của đội tuyển đấu kiếm. Dù là một tay kiếm kỳ cựu, thuộc thế hệ F1 cùng với Lệ Dung hay Hoài Thu…, Như Hoa luôn chịu cảnh về thứ hai, vì ở nội dung của kiếm thủ sinh năm 1985 này, đồng nghiệp Trần Thị Len thi đấu quá xuất sắc. Mãi đến chặng cuối sự nghiệp, Như Hoa mới được thoả nguyện thăng hoa trên sàn đấu nhờ phong độ xuất thần ở vòng loại. Việc cô giành vé đi Olympic là một bất ngờ lớn, ngay cả với ban huấn luyện.
“Đây là thành quả từ sự nỗ lực của bản thân. Tôi đã tự nhủ là phải tập nhiều hơn tất cả các bạn. Các bạn tập một – hai tiếng thì tôi phải tập thêm hai – ba tiếng nữa, vì tôi dành rất nhiều tâm huyết cho tấm vé dự Olympic. Cuối cùng thì tôi cũng có thể nói với mọi người rằng tôi đã đạt được những gì mình đặt ra”, kiếm thủ 32 tuổi chia sẻ.
Như Hoa có hoàn cảnh khá đặc biệt. Sau hai lần thực hiện thiên chức làm mẹ, cô vẫn quay trở lại sàn tập, vì đam mê và cũng vì cơm áo gạo tiền để nuôi gia đình nhỏ. Trong chuyến đi đến Brazil lần này, hai thiên thần nhỏ sẽ nguồn động lực vô giá, giúp cô hun đúc tinh thần quyết tâm tại đấu trường Olympic danh giá.
Đỗ Thị Anh (kiếm liễu). Đỗ Thị Anh là thành viên cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam có suất dự Olympic tại Brazil. Nhờ sự cố quốc tịch của một VĐV người New Zealand, Đỗ Thị Anh may mắn được đôn lên thay thế và nhận tấm vé cuối cùng của khu vực châu Á.
Tuy nhiên, bên cạnh vận may, không thể phủ nhận tài năng và tiến bộ của cô gái trẻ mới 20 tuổi này sau một thời gian được chuyên gia người Hàn Quốc dìu dắt. Ban huấn luyện cũng đánh giá Đỗ Thị Anh chính là kỳ vọng lớn cho tương lai của đấu kiếm Việt Nam. Bên cạnh thế mạnh truyền thống về kiếm chém, việc xuất hiện một tài năng mới ở nội dung kiếm liễu sẽ giúp đội tuyển có thêm nhiều cơ hội cạnh tranh toàn diện ở các đấu trường quốc tế.
“Tôi có đôi chút hồi hộp, nhưng không có nhiều áp lực. Có thể vì mình là VĐV ít người biết đến nên sẽ thoải mái tâm lý hơn, không e ngại gì các đối thủ. Tôi nghĩ là tuổi trẻ và tinh thần vô tư là một lợi thế của mình”, Đỗ Thị Anh nói về giải đấu sắp khởi tranh tại Brazil.
Video: Vũ Thành An và và câu chuyện những người cầm cờ của các đoàn dự Olympic
https://www.youtube.com/watch?v=A2SVmBeBNJ8
Theo Vnexpress