Tai nạn tại Coco Championship: Cái giá của việc xem thường luật thể thao

Vừa qua, tại giải đấu võ thuật tổng hợp Coco Championship (Đà Nẵng), một tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra khi một võ sĩ TP.HCM bị bốc vật và gãy gập khớp cùi chỏ vì té ngã không đúng cách.

Coco Championship sẽ là giải đấu võ thuật bạo lực nhất Việt Nam

Lý do “ông hoàng” phim võ thuật Johnny Trí Nguyễn rời xa showbiz

Tai nạn xảy ra khi võ sĩ Nguyễn Tấn Phúc (Tp.HCM, áo xanh) bị võ sĩ Phùng Trí Hướng (Hà Nội) bốc vật qua khỏi đầu và ngã xuống sàn. Do tiếp đất không đúng cách nên Tấn Phúc bị gãy khớp cùi chỏ phải, không thể tiếp tục thi đấu và nhận kết quả thua cuộc.

Trước đây, giải Coco Championship từng bị báo chí “vạch mặt” vì có biểu hiện tìm cách tổ chức giải đấu MMA, thông qua cách tuyển chọn võ sĩ có các nội dung kỹ thuật trong bộ môn MMA.

Điều đáng nói rằng ngay sau trận đấu, cộng đồng võ thuật – trong đó có nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định tiêu cực về tình huống gây chấn thương. Cụ thể, tình huống bốc vật – té ngã hoàn toàn nằm ngoài sự cho phép của hầu hết các bộ luật thể thao hiện nay. Trong Muay Thái, các tình huống dạng bốc – vật ngã không được cho phép và có thể dẫn đến cảnh cáo – nhắc nhở của trọng tài. Trong Tán thủ, dù các tình huống tương tự được cho phép và có thể ghi điểm hoặc công nhận knock out nhưng vẫn có giới hạn nhất định (không bốc vật qua đầu). Nếu theo luật của hai bộ môn trên, tình huống tai nạn vừa qua không thể được công nhận trận thắng knock out. Một trong số ít bộ môn công nhận tình huống bốc vật nguy hiểm như thế là Wrestling lại có hệ thống quản lý trình độ võ sĩ chặt chẽ và tuyệt đối không cho phép các võ sĩ không có khả năng tự bảo vệ bản thân (cách té ngã) tham gia thi đấu.

https://www.youtube.com/watch?v=e3zxtgJnXn0&feature=youtu.be

Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến tai nạn vừa qua là sự tự tung tự quyền của ban tổ chức Coco Championship trong cả công tác thiết kế luật đấu và kiểm tra – cấp phép võ sĩ. Trước đây, báo chí từng phản ánh việc giải đấu này tự đề ra bộ luật kiểm tra võ sĩ và thi đấu võ thuật mang tính chất tương đồng MMA (Võ tổng hợp) – thể thức đã bị chính Tổng cục TDTT ra công văn cấm hoàn toàn kể từ 11/2016.

Trí Nguyễn từng tổ chức MMA (Ngày hội võ sĩ Nha Trang 2016) với cái cớ “tạo sân chơi cho nhiều môn võ cùng tranh tài”. Sau khi bị cấm tổ chức MMA, Trí Nguyễn vẫn tiếp tục đeo đuổi ý định này, bất chấp việc phải “lách luật” thay vì ngồi lại tìm ra giải pháp với các cơ quan chức năng.

Điều đáng nói rằng Johnny Trí Nguyễn – người được giải đấu Coco Championship chọn làm tổng đạo diễn và cố vấn chương trình cũng chính là người giữ vai trò lớn nhất trong các sự kiện “Ngày hội võ sĩ” – “Kiện tướng võ thuật”, những sự kiện đình đám từng “cố đấm ăn xôi” vi phạm hàng loạt nguyên tắc cơ bản trong quản lý và tổ chức sự kiện thể thao, trực tiếp dẫn đến việc Tổng cục phải ra công văn cấm MMA để tránh việc thể thức mới này phát triển lệch lạc và dẫn tới hậu quả nguy hiểm.

Công văn của Tổng cục TDTT yêu cầu các cơ quan quản lý thể thao cấp tỉnh – thành phố ngừng cấp phép tổ chức thi đấu MMA

Lại nói về vấn đề tự tung tự quyền của Coco Championship, giải đấu này không chỉ đề ra một bộ luật riêng (ban đầu mang tính chất MMA, sau đó bị lãnh đạo thể thao nhắc nhở và sửa thành thể thức thi đấu striking (gần giống Muay Thái)) dựa trên sự cố vấn của Johnny Trí Nguyễn mà còn tự tổ chức các buổi tuyển chọn võ sĩ theo cách thức riêng và không có sự cố vấn, cho phép của bất cứ tổ chức võ thuật trực thuộc một bộ môn tương tự (như các Liên đoàn, hội Muay, Kickboxing, Boxing, Tán thủ). Điều này không chỉ vi phạm Luật thể thao Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của các võ sĩ, bởi từng yếu tố kỹ thuật của một bộ luật đều có sự ảnh hưởng to lớn đến cách các võ sĩ thi đấu, cũng như những tình huống rủi ro có thể xảy ra.

Các buổi thi tuyển võ sĩ Coco Championship có phần nội dung kỹ thuật vật ngã, nhưng vì sao vẫn có võ sĩ thiếu kỹ năng đến mức tệ hại trong các trận đấu vốn không được bất cứ Liên đoàn nào bảo hộ về luật?

Tai nạn vừa qua tại Coco Championship là bằng chứng đầu tiên cho hậu quả của những sai phạm mà giải đấu này đang mắc phải, làm dấy lên một nghi vấn to lớn trong cộng đồng: Liệu Nguyễn Tấn Phúc có phải là võ sĩ duy nhất không có kỹ năng té ngã cơ bản nhưng lại “lọt” qua sự kiểm tra của BTC và bước vào thi đấu trong một bộ luật mà anh ta không có khả năng tự bảo vệ mình? Còn bao nhiêu võ sĩ nữa tại Coco Championship cũng đang ở trong sự nguy hiểm tương tự? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như trước đây các cơ quan công luận không trực tiếp ngăn chặn việc Coco Championship tổ chức giải đấu MMA – một thể thức đấu còn phức tạp, đầy rủi ro và đòi hỏi tính chuyên nghiệp của các võ sĩ lẫn Ban tổ chức?

Các võ sĩ tại Coco Championship thi đấu với trang phục bảo hộ gần giống Muay Thái bán chuyên, nhưng lại có luật đấu không giống Muay Thái. Giải đấu cũng chưa bao giờ thừa nhận việc đang sử dụng bộ luật nào.

Phát biểu về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Giang (Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam) cho biết: “Cơ quan TDTT chỉ cấp giấy phép thi đấu cho các môn thể thao mà Ủy ban Olympic và Luật thể thao cho phép tại Việt Nam”. Bên cạnh đó, vẫn chưa có bất cứ tổ chức lãnh đạo thể thao cấp địa phương hay các Liên đoàn thể thao nào thừa nhận việc cho phép tổ chức giải đấu đầy rủi ro này.

Đ.P.A