Ngày 30/1 vừa qua có lẽ là câu chuyện “nhớ đời” của chàng võ sĩ trẻ Nguyễn Thanh Tùng nói riêng, và làng Muay Việt nói chung, đặc biệt là đối với các đấu sĩ trẻ, khi Thanh Tùng buộc phải nói lời tạm biệt chiến thắng chỉ vì sự nhầm lẫn của trọng tài.
Thanh Tùng – Anuwat: Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Cận cảnh chấn thương kinh hoàng của võ sĩ Thanh Tùng
Những năm gần đây, chúng ta không chỉ biết đến những cái tên nổi trội của làng Muay Việt Nam như Nguyễn Trần Duy Nhất, Nguyễn Phú Hiển, mà các võ sĩ trẻ mới nổi cũng đang từ từ “lấn sân” các sàn đấu nước ngoài, khẳng định tên tuổi và chứng minh bản lĩnh kế thừa thế hệ thứ 2 của làng Muay Thái Việt Nam. Thế nhưng, cũng từ đó mà nảy sinh nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
Vừa qua, tại giải Muay giao hữu Việt – Thái (diễn ra tại tỉnh Nan, Thái Lan), các võ sĩ Việt dù cận kề ngày Tết cổ truyền dân tộc nhưng vẫn hăng hái “đem chuông đi đánh xứ người”, dù trở về với nhiều kết quả thắng – thua lẫn lộn, thế nhưng những bài học rút ra cho mỗi võ sĩ trong chặng đường dài sự nghiệp vẫn là điều đáng quý nhất.
Tuy nhiên, giữa những cảm xúc đó lại là nỗi buồn “khó đỡ” của Nguyễn Thanh Tùng, chàng võ sĩ trẻ nhất đội hình tham dự thi đấu giao hữu lần này.
Sinh năm 1996, chỉ mới bắt đầu tập Muay Thái từ năm 2013, Thanh Tùng nhanh chóng khẳng định tài năng vượt trội, từng 2 lần thượng đài tham dự Đấu trường Thép Let’s Viet 2015 cùng nhiều danh hiệu đáng chú ý như HCV Giải trẻ QG 2013, 2014, HCV Giải Tp.HCM mở rộng 2015, chàng võ sĩ trẻ này được biết đến như một cỗ máy chiến đấu không hề”dư xăng thừa giáp” nhưng đặc biệt khôn ngoan và có tốc độ tiến bộ rất đáng kì vọng.
Tại giải đấu giao hữu vừa rồi, chạm trán với một đối thủ “cứng cựa” người Thái Lan (cần hiểu rằng tại Thái Lan, các võ sĩ thi đấu từ rất sớm nên sở hữu kinh nghiệm vượt trội, và được rèn luyện trong môi trường cực kì khắc nghiệt), Thanh Tùng đã khiến ban huấn luyện vô cùng bất ngờ khi nhanh chóng “lấy máu” được đối thủ, buộc chàng trai kiêu hãnh với dòng máu Thái phải thừa nhận sau trận đấu: “Tôi có lời khen dành cho anh ta, thi đấu rất tốt. Tôi đã bị thương ở chân đến mức gần như không thể đi nổi.”
Thế nhưng, cùng lúc đó – khi đối thủ người Thái cũng đang phải chăm sóc y tế vì vết rách trên mặt thì Tùng cũng lãnh nhận vết thương tương tự – vết rách trên chân mày trái đã không biết bao nhiêu lần tái phát, và cũng đã từng làm Thanh Tùng thua cuộc tại Đấu trường Thép.
Ở Việt Nam, để đảm bảo an toàn cho các võ sĩ (vốn không có ý định đeo đuổi nghiệp đánh đài lâu dài) nên các chấn thương thế này có thể dẫn trận đấu đi thẳng đến kết quả K.O. Tuy nhiên, tại Thái Lan, đó là điều ngược lại. Ban huấn luyện của Thanh Tùng cũng đã chắc mẩm trận đấu sẽ tiếp tục khi giám sát y tế ra hiệu Tùng có đủ khả năng tiếp tục thi đấu.
Thế nhưng, kết cục “lãng xẹt” của trận đấu đã đến từ sự nhầm lẫn của giám sát y tế và trọng tài, khi hai người sử dụng hiệu lệnh không thống nhất, dẫn đến hiểu lầm. Trận đấu được dừng lại ngay khi cả 2 võ sĩ đều đã lãnh nhận chấn thương giống nhau, nhưng kết quả lại dẫn Thanh Tùng đến…thất bại.
Bình luận về điều này, nhiều võ sĩ trẻ cho rằng cần cảm thông với trọng tài Việt Nam, bởi lẽ khi thi đấu tại Việt Nam, các trọng tài – người góp phần đảm bảo an toàn cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng các võ sĩ luôn phải trong tâm thế cảnh giác các nguy hiểm. Vả lại, do sự bất đồng ngôn ngữ và hệ thống hiệu lệnh, việc trọng tài và giám sát y tế không đồng nhất quan điểm xử lý trận đấu là một “tai nạn nghề nghiệp” đúng nghĩa.
Dù sao, trở về sau thất bại “lãng xẹt”, Nguyễn Thanh Tùng vẫn xứng đáng được chào đón với tư cách một võ sĩ trẻ đã xuất sắc chứng minh bản lĩnh cá nhân. Từ một chàng trai “lính mới”, lần đem chuông đánh xứ người này, Thanh Tùng đã có thể cân sức với một võ sĩ đẳng cấp tại đất thánh tổ Muay Thái Lan, và nếu có thể tiếp tục thi đấu, ban huấn luyện hoàn toàn có thể tin tưởng vào một kết quả khả quan hơn là 2 vết thương cùng lúc cho cả 2 võ sĩ, cũng như kết quả thua vì sự nhầm lẫn.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”95430″]
Hồ Võ