Thành tích mà môn muay giành được tại ABG 4 với 8 VĐV tham dự thì cả 8 đều có huy chương (HC) với 2 vàng, 2 bạc và 4 đồng, hay kurash dự 5 người được 3 HC với 1 vàng, 2 đồng cho thấy dường như võ thuật VN đang bước vào giai đoạn chuyển giao thành tích.
Khi thể thao VN mở cửa và hội nhập với thế giới thì những môn võ có truyền thống lâu đời như taekwondo, judo và karatedo đều là thế mạnh của chúng ta trên đấu trường Olympic, ASIAD hay SEA Games.
Những chiến tích như HC bạc Olympic Sydney 2000 môn taekwondo của Trần Hiếu Ngân, HC vàng ASIAD Hiroshima 1994 môn taekwondo của Trần Quang Hạ, ASIAD 1998 của Hồ Nhất Thống, HC vàng ASIAD 2002 môn karatedo của Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, HCV ASIAD Doha 2006 của Vũ Nguyệt Ánh, HCV ASIAD Quảng Châu 2010 của Lê Bích Phương hay 3 lần vô địch SEA Games môn judo của Cao Ngọc Phương Trinh… đều làm nức lòng người hâm mộ và giới yêu võ thuật.
Nhưng trong các năm gần đây, công tác chuẩn bị đội ngũ kế thừa có phần hụt hẫng, việc đầu tư còn dàn trải, cộng với việc có thêm các quy định mới về giáp, cách tính điểm và sự tiến bộ rất nhanh của nhiều nước khác trong khu vực khiến cho việc tìm kiếm thành tích của các môn võ này thêm khó khăn. Các kỳ SEA Games hay ASIAD gần đây, 3 môn võ này không còn là “mỏ vàng”, thi đấu chật vật và dù vẫn phần nào phát huy được thế mạnh song không còn chiếm ưu thế như trước.
Thế nên việc xuất hiện các môn võ khác có được sự hội nhập tốt và thu hoạch nhiều thành tích ở một số giải khu vực là tín hiệu vui cho giới yêu võ thuật. Đầu tiên là sự quảng bá vovinam rất ấn tượng, đã đưa vào chương trình SEA Games và sẽ “tấn công” vào ASIAD trong tương lai gần.
Kế đến là các môn như kick-boxing, kurash và muay đã được các VĐV VN lĩnh hội, rèn luyện và có sự thăng tiến rất nhanh. Các môn võ này đã được phổ cập mạnh mẽ với sự tham gia của hơn 20 nước châu Á tại AIMAG năm rồi và ABG mới đây đều có sức lan tỏa và thu hút rất cao.
Việc VN đầu tư các môn võ này rất phù hợp và đều có tính toán chặt chẽ để đạt hiệu quả, đặc biệt là muay VN đang trở thành thế lực mới trong khu vực chỉ sau nước sản sinh ra là Thái Lan về tổng số HC vàng, và trong một số hạng cân cụ thể hoàn toàn có thể giành chiến thắng hoặc tranh chấp ngang ngửa.
Như trường hợp của Nguyễn Trần Duy Nhất, Bùi Yến Ly, thậm chí cả Lê Hoàng Đức, Nguyễn Thị Thanh Trúc cũng chơi rất hay chỉ thua suýt soát do thiếu kinh nghiệm ở trận chung kết.
Lẽ ra muay đã có 3 HCV nếu Võ Văn Đài không bất ngờ bị đau chân phải bỏ cuộc ở bán kết, vì nếu đi tiếp anh hoàn toàn có thể thắng võ sĩ Trung Quốc trong trận chung kết.
Do vậy thời điểm này cũng nên được coi là bước “chuyển giao” tìm thành tích ở các môn võ thuật, trút bỏ gánh nặng tạm thời cho các môn võ có bề dày để thúc đẩy mạnh hơn các môn võ đang phát triển khác.
Theo Quang Tuyến – Thanh Niên Online