Sau thời đại của Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt trở thành một trong hai ngôi sao võ thuật Trung Quốc sáng chói cùng với Thành Long. Tên tuổi của anh đã trở thành niềm say mê của công chúng yêu điện ảnh và võ thuật trên toàn thế giới. Nhưng ít ai biết con đường tới đỉnh vinh quang của tài tử này gặp không ít cay đắng và chông gai.
Lý Liên Kiệt sinh ngày 26/4/1963 tại Bắc Kinh trong một gia đình toàn các chị gái. Là con trai út trong nhà nên Lý rất được cưng chiều.
Năm lên 2 tuổi, cha của Lý Liên Kiệt vĩnh viễn ra đi bỏ lại gia đình vốn đã khó nay lại càng khó hơn.
Năm lên 8, Lý được làm quen với võ thuật. Ông cùng học một sư phụ với Chung Tử Đơn. Chẳng ai ngờ, từ mối lương duyên tình cờ này, về sau kungfu gắn bó với Lý như một định mệnh.
Năm 9 tuổi, Lý Liên Kiệt tham gia vào Đại hội võ thuật toàn năng Trung Quốc lần thứ nhất. Đây là cuộc thi hội tụ đông đủ các cao thủ võ lâm toàn quốc. Không nằm ngoài dự đoán, Lý ngay lập tức đạt giải quán quân ở nội dung biểu diễn.
Năm 1974, Lý Liên Kiệt xuất sắc đoạt liền 3 HCV tại Giải vô địch võ thuật toàn quốc cho lứa tuổi thiếu niên, đồng thời được tạp chí Võ lâm nhận xét: “Động tác võ của Lý Liên Kiệt đặc biệt ở chỗ: Tốc độ nhanh, động tác chuẩn, lực đánh mạnh, cú đá đẹp, tiết tấu rõ ràng, thần thái đẹp mắt”.
Trong nhiều năm sau đó, Lý Liên Kiệt liên tiếp tham gia hàng loạt các cuộc thi tranh tài võ thuật ở Trung Quốc, đồng thời mang về 5 Huy chương vàng 5 giải thi đấu quốc gia lần 4 (1979) dù bị chấn thương trật khớp gân và xương đầu gối.
Một ngày 8 tiếng, một tuần 6 buổi, cậu bé chỉ được về nhà vào tối thứ 7 và quay lại trường vào tối chủ nhật. Điều duy nhất mà Lý có thể diễn tả về việc tập luyện của anh là “cay đắng”, gần như quá sức chịu đựng của con người. Ngay cả khi gặp tai nạn cũng không được phép nghỉ tập.
Lý Liên Kiệt kể lại: Đừng dại dột mà than phiền về chấn thương của mình. Bởi như thế, HLV sẽ bắt người đó phải tập một khối lượng bài tập mới khắc nghiệt hơn để anh ta không bao giờ dám mở mồm nữa. Chẳng hạn, có học sinh bảo với thầy giáo rằng cậu ta bị đau tay. Thầy giáo liền đáp: “Hừm, cậu được đấy. Cậu không nên tập tay quá sức. Thế thì sao lại không tập chân nhỉ?”. Thế là ngay lập tức học sinh này phải thi triển 2.000 cú đá hoặc 5.000 thế tấn.
Thiên Lạc (tổng hợp)