Trong khi Tào Tháo, Tôn Quyền đều có thực lực hùng mạnh, vì sao Lưu Bị trở thành lựa chọn duy nhất trong cuộc đời nhà quân sự tài ba Gia Cát Lượng vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
- Lữ Bố có phải là kẻ tiểu nhân như trong “Tam Quốc Chí” khắc họa?
- 5 nhân vật đầy bí hiểm trong Tam Quốc diễn nghĩa
Có nhiều ý kiến cho rằng, Khổng Minh – Gia Cát Lượng – lựa chọn phò tá Lưu Bị không chỉ vì phù hợp với lý tưởng chính trị Nho gia của ông, mà còn bởi Lưu Bị cho Gia Cát Lượng đầy đủ không gian phát huy “sở học bình sinh” của mình.
Tuy nhiên, một luồng quan điểm khác tại Trung Quốc cho rằng, việc Lưu Bị trở thành “đáp án cuối cùng” của Gia Cát Lượng hoàn toàn không đơn thuần chỉ là vấn đề “không gian thăng tiến”.
1800 năm qua, các học giả Trung Quốc vẫn luôn đi tìm lời giải đối với vấn đề này.
Một bài phân tích đăng trên trang Phượng Hoàng nêu ra 4 luận điểm để giải thích cho việc Gia Cát Lượng chịu về dưới trướng Lưu Bị, chứ không phải Tào Tháo – người khi đó nắm danh nghĩa “triều đình Đông Hán” trong tay.
Con người của Gia Cát Lượng
Gia Cát Khổng Minh là nhà quân sự tài ba. Chính sách lược “thế chân vạc” – tam phân thiên hạ – của ông đã tạo nên cục diện Tam Quốc Ngụy, Thục, Ngô.
Gia Cát Lượng là chính trị gia và quân sự gia được giới trí thức Trung Quốc sùng bái suốt hàng nghìn năm.
Một lý do quan trọng chính là việc Gia Cát Khổng Minh “là một nhà trí thức cơ bản và kiểu mẫu”. Khuôn mẫu này chủ yếu chỉ đạo đức cao thượng và sự nghiệp hiển hách.
Theo đó, “tam bất hủ” mà cổ nhân Trung Quốc đề ra – gồm lập đức, lập công, lập ngôn – đều được thể hiện ở “hình mẫu” Gia Cát Lượng.
Xét về “lập đức”, tức tiêu chuẩn hành vi của phần tử trí thức, mà theo Nho gia là trung, hiếu, nhân, nghĩa.
Là một nhà trí thức tiêu biểu và khắt khe, đương nhiên Khổng Minh hiểu rõ chính quyền trung ương mà Tào Tháo thao túng, thực chất đã không còn là chính phủ Hán triều.
Như vậy, nếu muốn “lập đức”, giữ trọn trung – nghĩa, Gia Cát Lượng không thể đầu quân dưới cờ Tào Tháo. Thay vào đó, ông lựa chọn Lưu Bị – nhân vật thực tế có huyết thống hoàng gia và được gọi là “Lưu hoàng thúc”.
Lý tưởng của Gia Cát Lượng
Theo phân tích của Phượng Hoàng, lý tưởng trị quốc của Gia Cát Lượng là chính trị Nho gia – đề cao chữ “Nhân”.
Trong khi đó, Tào Tháo thi hành chính sách bá quyền, thực hiện thể chế chính trị dựa trên cường quyền.
Có thể nói, Khổng Minh và Tào Tháo dù là 2 nhân vật xuất sắc, song cũng là 2 thái cực từ trong tư tưởng cốt lõi, dẫn đến việc 2 người này không thể bước chung một con đường.
Gia Cát Lượng là người tôn sùng Nho giáo, và ông cũng trung thành tuyệt đối với tư tưởng của mình. Đây là nguyên nhân căn bản nhất khiến ông không theo Tào Ngụy.
Sức hút của Lưu Bị
Lưu Bị là một hình mẫu “đạo đức” phù hợp với tư tưởng Nho giáo mà Gia Cát Lượng tôn sùng.
Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, đạo đức được đề cao hơn tất cả, đặc biệt là phẩm hạnh của bậc quân chủ.
Theo quan niệm này, chỉ cần vị lãnh tụ là nhân vật hiền đức thì có thể khiến trên dưới một lòng, triều đình kỷ cương, đi tới hiện thực hóa một xã hội hòa hợp.
Xét trên phương diện đạo đức, lịch sử Trung Quốc đã công nhận đây là “thế mạnh áp đảo” của Lưu Bị.
Lưu Bị vốn đã mang thân phận hoàng tộc, lại tham gia hành động ám sát Tào Tháo, thể hiện lòng trung thành đối với chính quyền Hán triều.
Về mặt cảm quan, những hành động của Lưu Bị đã “vô tình” đồng điệu với lý tưởng của Gia Cát Lượng – một đệ tử Nho gia sùng bái tư tưởng trung – hiếu.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ Lưu Bị nắm quyền ở Thái Nguyên, Từ Châu, đã thi hành chính sách cai trị “nhân nghĩa”.
Điều này cũng khiến tiếng tốt của Lưu đồn xa, hiển nhiên không nằm ngoài sự quan sát của Gia Cát Lượng.
Như vậy, về mặt công tác tuyên truyền, Lưu Bị đã xây dựng tốt hình ảnh của một “lãnh tụ kiểu mẫu” trong mắt các nhân sĩ Nho giáo nói chung và Khổng Minh nói riêng.
Lưu Bị cho Khổng Minh không gian phát triển
Trở thành quân sư của Lưu Bị, Khổng Minh được phát huy hết khả năng và được hàng loạt tướng tài quân Thục phò trợ.
Cũng theo phân tích của Phượng Hoàng, mặc dù Lưu Bị tạo lập được danh vọng, song trước khi có được Gia Cát Lượng, thì Lưu không có nhiều quân sư xuất chúng bên mình.
Nếu Khổng Minh về phò tá Lưu Bị, thì toàn bộ quá trình từ thoát ly khó khăn, ổn định lực lượng, phát triển hùng mạnh cho tới thống nhất thiên hạ, ông có thừa “sân khấu” để phô diễn hết tài năng của mình.
Đồng thời, tuy không có quân sư xuất sắc, nhưng ngược lại, Lưu Bị sở hữu một dàn võ tướng hàng đầu như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… Gia Cát Lượng trở thành quân sư của Lưu, những hổ tướng này đều thuộc quyền sai khiến của ông.
Khổng Minh theo Lưu Bị chỉ vì “tiền đồ sự nghiệp”?
Tại Trung Quốc, có quan điểm cho rằng Gia Cát Lượng lựa chọn Lưu Bị chủ yếu nhằm vào “không gian thăng tiến”.
Sở dĩ có ý kiến này, bởi khi Gia Cát Lượng đi sứ Đông Ngô trước trận đại chiến Xích Bích, ông từng được Trương Chiêu dụ dỗ “nhảy việc” sang phò tá Tôn Quyền.
Tuy nhiên, Khổng Minh khước từ Trương, nói rằng – “Tôn Quyền là một chủ nhân tốt, nhưng không thể phát huy hết tài năng của ta”.
Câu nói này được cho là đã lộ ra “tham vọng” của Gia Cát Lượng.
Song luận điểm trên cũng vấp phải nhiều sự phản đối, bởi vào thời điểm đó Gia Cát Lượng ở vào vị thế “thỉnh cầu” sự giúp đỡ của Tôn Quyền, do đó ông buộc phải tìm những lý do “tế nhị” để từ chối lời đề nghị của Đông Ngô.
Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn cho rằng, thực chất Gia Cát Lượng “không màng đến Tôn Quyền” nhưng vẫn phải tỏ ra “lịch sự” như vậy mà thôi.
Các nhà sử học cũng đánh giá, quan điểm Khổng Minh “không có đất dụng võ” dưới trướng Tào Tháo chỉ là cách nhìn của người đời sau.
Nếu theo Tào Tháo, Khổng Minh hoàn toàn có thể đạt được sự nghiệp hiển hách, nhưng ông vẫn lựa chọn Lưu Bị.
Đứng từ góc nhìn của Gia Cát Lượng, có thể thấy ông là người luôn tin bản thân có thể sánh ngang các bậc cao nhân trong lịch sử Trung Quốc như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Chính Gia Cát Lượng cũng có biệt hiệu “Ngọa Long tiên sinh”, cho thấy ông xem trọng bản thân và không lép vế so với nhóm quân sư Tuân Úc, Giả Hủ, Quách Gia của Tào Tháo.
Do đó, bài phân tích của Phượng Hoàng cũng bác bỏ khả năng Khổng Minh không theo Tào Tháo vì không thể phát triển.
Đồng thời, nếu chỉ xét về con đường sự nghiệp, thì thế lực Lưu Bị chắc chắn kém xa so với Tào Tháo.
Vào thời điểm Gia Cát Lượng đầu quân cho Lưu Bị, lực lượng của Lưu yếu kém, tương lai cũng không rõ ràng.
Ngược lại, Tào Tháo khi đó đã có thế lực mạnh và vững vàng. Nếu nói Khổng Minh chỉ nhìn vào tiền đồ sự nghiệp thì theo logic, Tào Tháo mới là phương án tối ưu.
Lưu Bị là lựa chọn ngay từ đầu
Là một thanh niên trí thức ôm nhiều hoài bão và lý tưởng, việc lựa chọn chủ nhân của Gia Cát Lượng sẽ không đơn giản chỉ phụ thuộc vào “miếng cơm”.
Gia nhập lực lượng của Lưu Bị, đồng nghĩa với Gia Cát Lượng đem toàn bộ “vốn liếng” của bản thân đặt vào Lưu.
Nếu Lưu Bị hùng mạnh, lý tưởng của Khổng Minh sẽ thành hiện thực. Ngược lại, tất cả tư tưởng của ông cũng sẽ tiêu vong và trở nên vô danh trong lịch sử.
“Tam cố thảo lư” – 3 lần tới lều cỏ thỉnh Gia Cát Lượng xuống núi, điển tích tô đậm hình tượng “trọng hiền tài” của Lưu Bị.
Sự lựa chọn của Gia Cát Lượng cho thấy, ông sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh để thực hiện lý tưởng của mình bên cạnh Lưu Bị, bất chấp khả năng thất bại rất lớn.
Điều thú vị là, nhiều học giả Trung Quốc cho hay, mặc dù Khổng Minh đã quyết tâm theo Lưu Bị ngay từ khi còn ở ẩn, song ông cũng không vội vàng “xuất sơn”.
Nguyên nhân do ông vẫn còn những hoài nghi, rằng liệu Lưu Bị có “nhìn trúng” ông hay không?
Lưu Bị sẽ đối đãi với ông như một mưu sĩ bình thường, hay trọng dụng ông như bậc quốc sĩ?
Liệu Lưu Bị có chấp nhận sách lược trị quốc của ông?
Xuất phát từ những “nghi vấn” trên, cho nên mặc dù bản thân đã có đáp án, nhưng Gia Cát Lượng vẫn phải “nằm im chờ thời”.
Ở thời điểm đó, Khổng Minh chỉ mới ngoài 20, và ông có đủ thời gian để chờ đợi ngày Lưu Bị “tam cố thảo lư”.
Khi ấy, con đường của Gia Cát Lượng mới thực sự bắt đầu.
V.Đ – Tổng hợp