Người thầy đầu tiên

(Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi_giai đoạn 2)

Nhà tôi ở đầu chợ thị trấn, lại là chuyên gia đi chợ mua đồ ngay từ bé tí, tương cà mắm muối nhất nhất qua tay tôi, nên rành lắm chuyện mặc cả bán mua từ cái tuổi để chỏm. Duyên cũng từ đó mà tôi biết Thầy võ đầu tiên trong đời mình: Hoàng Thế Phương, cho dù chẳng có học hành lớp lang gì ráo trọi.

artemarcial

Trước chùa Cao Đài có khoảnh đất trống kha khá, cặp bên là chùa Tàu, trước mặt là con kênh đào 16 cuồn cuộn phù sa chảy ra biển Gành Hào. Mỗi lần cầm tiền (lẻ) ra hợ “mua bán” là thằng nhóc nhỏ ( tôi) phải tấp vào khoảnh đất ấy, ngồi cùng đám nhóc và cả người lớn, vòng trong vòng ngoài xem người đàn ông trẻ mang tên Hoàng Thế Phương cùng cộng sự biểu diễn võ nghệ, ảo thuật, và tất nhiên, bán thuốc gia truyền. Tiết mục nội công của “võ sư” (như anh ấy xưng) luôn là tâm điểm của buổi trình diễn – mua bán. Anh Phương cao to, đẹp trai, cơ bắp cuồn cuộn, nước da ngâm, nói chung rất OK về thể hình. Nói vắn tắt, anh ấy và người cộng tác làm như những gì mà các võ sinh trong trường công an, quân đội bây giờ làm qua giới thiệu trên Yotube, có điều thực hơn, giữa trời, giữa chợ, giữa vòng trong vòng ngoài trẻ nhỏ người lớn nín thở ngồi đứng lô nhô mục kích. Nhớ lại mà thương anh Phương cùng những người bạn, đổ mồ hôi thật nhiều  cho bao nhiêu là tiết mục, rốt cuộc để bán mất gói thuốc cao đơn hoàn tán, thuốc tể, thuốc ngâm rượu, mà ít người mua lắm. Chắc anh Phương nghèo…

Quay lại chuyện võ nghệ. Hoàng Thế Phương bắt đầu màn biểu diễn với mình trần, xuống tấn, vận công. Người thuyết minh oang oang “bình luận” bằng miệng (không có micro): vận khí xuống đan điền, tập trung tinh thần cao độ… Cộng sự của anh cầm một ngọn giáo sáng loáng, mũi giáo từ từ chìa thẳng vào yết hầy anh Phương, và đầy dần.. Người xem nín thinh, nghe cả hơi thở, vì hồi hộp. Người đâm giáo mạnh tay dần rồi dùng hết sức đâm vào yết hầu anh Phương, còn anh ấy vận công đỡ ngọn giáo nhọn hoắt, cán giáo cong vút lại! màn vỗ tay vang lên, anh Phương ngước cổ cho xem yết hầu đỏ tấy vết đâm, và cho chúng tôi “kiếm tra” mũi giáo sắc bằng kim loại! Kinh dị. Kế đến, cũng anh Phương, vận công tự đánh nhíp xe hơi (ô tô) bằng thép vào sườn mình, những cú đập thật mạnh, tiếng động vang lên. Cuối cùng của phần võ thuật, trước khi chuyển sang các tiết mục ảo thuật với chim bồ câu và rắn, là màn nuốt kiếm, cũng của anh Phương. Tất nhiên, các anh ấy khéo léo dừng cuộc hơi để ..bán thuốc! Tụi tôi chờ. Anh Phương cho đám nhóc “kiểm tra” lưỡi kiếm sáng loáng, mềm. Anh xuống tấn, tay đưa cao cán kiếm, chúc mũi xuống, miệng mở ra. Lưỡi kiếm từ từ đi vào thanh quản của anh, theo lời người thuyết minh miệng, cuối cùng anh đã nuốt hết lưỡi kiếm! Kinh dị. Đấy, tôi xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần màn võ thuật của anh Phương, rồi co giò chạy đi mua đồ, “cho qua” phần ảo thuật! Vậy mà về bao giờ cũng bị la vì người nhà chờ.

109517_Japanese-martial-arts-wallpapers_1600x1088

Đã lâu lắn không gặp anh Phương, màn võ thuật kiểu như vậy cũng không còn thấy người ta biểu diễn ngoài chợ, những trong ký ức tôi vẫn nhớ rất rõ, từng lời bình và hình ảnh. Mấy anh hướng dẫn kỹ vận công như thế nào, đưa hơi xuống đan điền ra sao, và giữ tinh khí thần cách chi để có công phu. Thậm chí có những câu thoại dễ nhớ, tỉ như: một giọt tinh bằng ba giọt máu (kêu gọi giữ gìn sức khỏe, điều độ, tiết độ), và “cao nhân tất thủ cao nhân trị” để nhắc nhở người học võ khiêm cung, nhún mình, không kiêu căng. Như vậy là dạy võ chứ còn gì nữa? Tôi thì nhớ, không rõ mấy nhóc “đồng học” có nhớ hay không? Bây giờ xem những clip quay cảnh công phu của đặc nhiệm, mạo muội nhận xét: không bằng anh Phương ngày nào.

Tôi chưa từng mua giúp anh Phương một xu thuốc nào, cũng chưa được nói chuyện với anh. Sau nghe anh chuyển sang đấu võ đài, cuối cùng bị người ta hạ trong một trận tỉ thí có sắp xếp. Tôi buồn, và nhớ đến câu đã nghe tại “võ đường” trước chùa Cao Đài, cạnh ngôi chùa Tàu, trước là kênh đào: cao nhân tất thủ cao nhân trị, núi cao có núi cao hơn. Anh Phương ơi! Nếu bây giờ, em sẽ mua thuốc gia truyền giúp anh, hồi nhỏ tụi em không có tiền….

Nguyễn Thành Công (ấp 5, thị trấn Giá Rai, Bạc Liêu)