Vấn đề phát kình trong Thông bối quyền
Vấn đề phát kình là vấn đề trọng yếu nhất trong các bộ môn quyền thuật Trung Hoa. Đây cũng chính là vấn đề thống nhất trong các phái võ Trung Hoa.
Về quan điểm kình, đã có nhiều người nghiên cứu cho rằng đây là sự ly kỳ hóa và làm cho thần bí của các võ sư về lực nghĩa là sức mạnh.
Thật ra kình và lực khác nhau. Kình do nội khí hóa thành chuyển ra gân, gân chứ không phải cơ bắp xác thịt. Lực do cơ bắp xác thịt và xương tạo ra khi nâng vật nặng. Kình đòi hỏi buông lỏng khớp và các cơ bắp, gân xương. Lực làm căng cứng cơ bắp (nghĩa là gồng).
Trong Thái Cực quyền, Vịnh Xuân quyền, Bạch Mi quyền, Thiếu Lâm quyền luôn đòi hỏi phải buông lỏng thì khí mới thông xuốt toàn thân mà hóa kình. Điều này hợp lý với khoa học hiện đại vì khi cơ thể gồng cứng cơ bắp sẽ tạo ra stress (sự căng thẳng thần kinh) thì rất dễ sinh bệnh do cơ thể rối loạn chức năng bắt đầu từ não bộ và các trung khu thần kinh. Thế mà sau này các môn đồ Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan lại yêu cầu phải súc kình, co kình và làm cho cơ bắp căng cứng thì không hiểu làm thế nào mà họ có thể vận khí hóa kình và phát kình ra được để cho đòn đánh có hiệu quả! Chúng ta thử suy nghĩ xem chúng ta có thể nào gồng cứng cơ thể (nghĩa là khóa cứng các khớp xương lại) suốt cả ngày được không ? Khi gồng cứng cơ thể thì nội khí không di chuyển trong châu thân khi đó làm sao ta có thể vận động đi lại được!
Về vấn đề vận khí luôn có sự tập trung tư tưởng kết hợp hơi thở điều hòa và sâu lắng để khí được vận lên và truyền dẫn đến các khớp và hóa kình tạo thành sức mạnh, tức là phát kình; nếu không vận khí khi phát kình thì có thể làm tổn thương các dây chằng tại các khớp và rất đau đớn, trong võ thuật gọi là bị nội thương. Phần lớn các môn đồ sau này của Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan đều không biết đến điều này nên càng ngày xa rời tông pháp nguyên ủy của Thiếu Lâm quyền và của võ thuật Trung Hoa nói chung, như Thông bối quyền đây thì đề cập khá rõ đến kình nhưng không thấy nói đến khí mà khí chính là nền tảng của kình và lực.
Một đặc điểm nữa khi phát kình trong khi diễn luyện các bộ môn quyền thuật Trung Hoa là dùng các động tác rung, lắc và uốn éo các khớp xương cho khí được vận hành làm nóng các đầu khớp xương để tạo kình, chuẩn bị phóng kình.
Khi phát kình thì toàn thể các khớp xương cùng phối hợp và tập trung khí từ các khớp và gân (gân chứ không phải cơ bắp xác thịt) vào một điểm là đối tượng cần công phá.
Đa số các môn quyền thuật Trung Hoa trong phần lý luận về kình đều cho rằng kình xuất phát từ eo lưng. Các môn Nam quyền lại cho rằng kình xuất phát từ gót chân lên eo lưng rồi đến ngực mà phát ra! Thật ra không phải vậy mà kình là sản phẩm từ khí vận động thông suốt châu thân từ gót chân lên đến đỉnh đầu. Thiếu Lâm yếu quyết quyền lý có nói rõ điều này:
Hư linh đỉnh kình: đầu cổ và xương sống luôn ngay ngắn để tập trung khí lực dễ dàng.
Hàm hung bạt bối: co ngực căng lưng để cho khí lực trầm xuất tại đan điền dễ vận chuyển đến cánh tay.
Ý thủ đan điền: hơi thở và khí lực tập trung tại đan điền thì trọng tâm cơ thể mới được hạ thấp xuống đôi chân làm cho cơ thể bình ổn mới phát động được khí lực hóa kình, câu này và câu trên nhập làm một khi tác động vào quyền thuật và luyện công.
Chủ tể tại yêu: eo là chúa tể đưa khí lực về đó (khắp vùng đan điền) tập trung tối đa sức mạnh của cơ thể.
Kỳ căn tại cước: tuy eo là chúa tể tạo sức mạnh nhưng thật ra cái gốc là tại chân, tại gót chân thông suốt lên đỉnh đầu (Hư linh đỉnh kình), do vậy eo là cái trục khi vận khí thông suốt khắp châu thân.
Đa phần các môn quyền thuật của các lưu phái Thiếu Lâm quyền dù là Bắc Thiếu Lâm hay Nam Thiếu Lâm sau này không thấy nói đến (hay có lẽ thất truyền) các yếu lý trên và càng ngày làm cho Thiếu Lâm quyền trở thành môn võ chỉ dùng sức mạnh bì phu (bên ngoài da thịt) của kẻ vũ dũng thô bạo mà mất đi tính vi tế sâu sắc của Thiếu Lâm quyềntập trung tại khái niệm về khí.
Một số cao thủ Thông Bối Quyền
Kỳ Tín
Kỳ Tín, là người có vai trò quan trọng trong Ngũ Hành Thông bối quyền dựa trên cơ sở của Kỳ Thị Thông bối quyền do ông truyền dạy.
Kỳ Tín là người Triết Giang, sinh vào năm Đạo Quang thời nhà Thanh, do lánh nạn nên đến cư ngụ tại phủ họ Y ở sông Lưu Ly, Cố An, Hà Bắc.
Một ngày kia, hai họ Y và Đỗ có xích mích dẫn đến đánh nhau khốc liệt. Nghe tin, chẳng hề sợ hãi Kỳ Tín đã cầm côn đến tham chiến giúp họ Y và đã một mình tả xung hữu đột phá tan đám đông nhà họ Đỗ với đủ loại khí giới vây quanh. Nhà họ Y thắng. Danh tiếng của Kỳ Tín vang lừng, thiên hạ đến xin học nghề và ông đã mở trường dạy võ. Từ đó, Kỳ Gia Môn xuất hiện trên võ đàn Trung Quốc truyền đến ngày nay.
Sau này con của Kỳ Tín là Kỳ Đại Xương luyện Kỳ Gia Thông bối quyền thành đạt chủ về nhu kình biến hóa đa dạng và hình thành Kỳ Gia Thiếu phái. Kỳ Gia Môn của Kỳ Tín chủ về cương kình dũng mãnh được gọi là Kỳ Gia Lão phái.
Cuối thời nhà Thanh đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, Ngũ Hành Thông bối quyền rất thịnh hành và cao thủ rất nhiều. Truyền môn nhân của Kỳ Gia Môn như Tu Kiếm Si (danh hiệu “Yên Bắc Đại Hiệp”) và Lưu Trí (danh hiệu “Khoái Thủ”) rất nổi tiếng.
Trương Sách
Trương Sách, tự là Tú Lâm, người huyện Hà Hương, tỉnh Hà Bắc, bản tính khẳng khái hiếu nghĩa, khiêm tốn, hòa nhã, học võ nghệ từ Trần Khánh người ở Lương Hương, tỉnh Hà Bắc.
Sau khi Trần Khánh qua đời, Trương Sách theo sư huynh đồng môn là Vương Chiếm Xuân khổ luyện 9 năm trường mới luyện đạt thành được người đời gọi là “Tỳ Thánh”, “Thiết Hài”.
Trương Sách luyện công rất khắc khổ, ngày nào cũng thức dậy canh ba, mặc giáp sắt, mang giày sắt (mỗi chiếc nặng 10 cân) rồi luyện Thông bối quyền không ngừng nghỉ.
Khi luyện Thông bối quyền, Trương Sách luyện mỗi chiêu mỗi thức lên đến cả ngàn lần rồi mới đổi chiêu đổi thức. Khi luyện Lãnh tụy kình trong thương thuật, Trương Sách ban đêm đốt nhang rồi luyện đâm mũi thương vào đầu nhang đang cháy cho đến sáng mới thôi!
Đơn đao là binh khí mà Trương Sách luyện đạt đến thượng thừa danh lừng thiên hạ, cao thủ bốn phương tới thách đấu đều bị rớt đao xuống đất. Có một cao thủ đao thuật đến thách đấu, sau khi từ chối mãi không xong, hai bên cùng giao đấu sau vườn nhà ông, hàng xóm kéo đến xem rất đông. Lúc đó đang vào mùa hè, tiết trời rất nóng, hai người mặc áo trắng cầm đao nhập nội vào nhau vờn nhau loang loáng trông rất đẹp mắt. Đang giao đấu, tự nhiên Trương Sách tung mình nhảy ra ngoài rồi cười lớn nói: “Ông còn muốn giao đấu nữa sao?” Vị cao thủ đao thuật kia nghe xong ngơ ngác không hiểu, khách quan xem vây quanh nói: “Ông thử xem lại sau lưng xem sao?” Vị cao thủ kia cởi áo ra xem thì thấy lưng áo bị chém nát tả tơi mà da thịt trên lưng vẫn không hề gì! Sau đó vị cao thủ kia xấu hổ quá lẳng lặng xếp đao lại và bỏ đi không nói một lời nào!
Trương Sách qua đời năm 1934, thọ hơn 70 tuổi, học trò của ông có Vương Trọng Du, Châu Cảnh Hải, Hàn Kiếm Ngao, Ngô Đồ Nam khá nổi tiếng.
Tu Kiếm Si
Tu Kiếm Si, tự là Yên Y, lại có tên là Tu Minh, người Mãn Châu, ở huyện Cố An, tỉnh Hà Bắc, có danh xưng là “Yên Bắc Đại Hiệp”.
Tu Kiếm Si từ thuở nhỏ đã rất thông tuệ và hiếu học. Ông đã được truyền nhân của Kỳ Gia Môn là Hứa Thiên Hòa truyền dạy cho Thông bối quyền.
Sau khi luyện đạt thành Thông bối quyền, Tu Kiếm Si mở trường dạy võ truyền thụ Ngũ Hành Thông bối quyền. Năm 1933 được mời làm trọng tài võ thuật tỉnh Hà Nam và ở lại đó làm huấn luyện viên võ thuật. Hết nhiệm kỳ, ông trở về Đại Liên.
Tu Kiếm Si căn cứ vào kinh nghiệm luyện công và giảng dạy nhiều năm của mình đã sáng tạo và chỉnh lý Ngũ Hành Thông bối quyền mở ra một bước đột phá về lý luận.
Cuối đời Tu Kiếm Si soạn sách lập thuyết, dựa trên các bài quyền cũ mà sáng tạo và biên soạn hệ thống bài quyền như Thông bối chưởng, Thông bối quyền, Thông bối thương, Thông bối công, Thông bối đao nên gọi là Ngũ Hành Thông bối quyền. Do vậy Tu Kiếm Si là nhân vật trọng yếu nhất trong Thông bối quyền vào giai đoạn cận đại và hiện đại.
Tu Kiếm Si có nhiều môn đồ thành nghệ rất đông, trong đó phải kể đến Vương Chi Hòa ở Quí Châu, Sa Quốc Chính ở Vân Nam, Thành Truyền Nghệ,… đều nổi danh thiên hạ. Các cao thủ Thông bối quyền hiện đại thành danh đa số đều là học trò của Tu Kiếm Si.