Võ thuật Trung Hoa và những ảnh hưởng đến võ thuật Việt Nam (Kì 1)

Võ thuật và võ thuật Trung Hoa

Bản thân hai từ “võ thuật” đã gợi lên cho mọi người bao nhiêu hứng thú, tò mò và ngưỡng mộ. Võ thuật bao hàm trong đó nhiều vô kể những ý nghĩa sâu xa, mỗi một người lại có những quan điểm khác nhau về võ thuật. Nếu gạt bỏ đi những ý nghĩa sâu xa, nhân văn trong đó  theo tôi võ thuật chỉ đơn giản là nghệ thuật chiến đấu. Cho đến bây giờ, võ thuật vẫn là một điều thu hút kì lạ đối với rất nhiều người trên thế giới này, nhưng có lẽ nhắc đến võ thuật  hay “kungfu” như người Phương Tây gọi thì ai cũng nghĩ đến Trung Hoa như là một biểu tượng  của một nền văn hóa đồ sộ có cả mấy nghìn năm lịch sử. Võ thuật Trung Hoa không đơn giản chỉ là võ thuật, chỉ là một môn chiến đấu mà đó còn chính là một phần văn hóa Trung Hoa.05ethieulam3

Võ thuật cũng nên cần được nhìn nhận như một môn văn hóa, một điều thường thấy bấy lâu nay là người ta lại không mấy chú trọng đến nó, và lại xem nó thuộc về tay chân về cơ bắp chứ không phải là văn hóa .

Có rất nhiều thuật ngữ để chỉ võ thuật Trung Hoa, chẳng hạn như “quốc thuật”, “quyền Trung Quốc”, “quyền pháp” và “quyền thuật”. Tuy nhiên kungfu (công phu), lại được dùng nhiều nhất ở phương Tây và trên thế giới. Họ cho rằng kungfu chính là võ Thiếu Lâm, có lẽ do quan niệm Thiếu Lâm là một ngôi sao Bắc Đẩu trong “thất đại môn phái” ở Trung Hoa (Võ Đang, Thiếu Lâm Nam, Thiếu Lâm Bắc, Côn Luân, Nga Mi, Không Động và Bạch Hạc). Thiếu Lâm là môn võ thuật có 72 tuyệt kỹ Kungfu nên các nước Phương Tây gọi chung võ thuật Trung Hoa là võ Thiếu Lâm rồi giản lược hơn, họ dùng chữ kungfu để hiểu đó là võ Thiếu Lâm hay võ thuật Trung Hoa.

Thực ra Kungfu nguyên nghĩa không phải chỉ là một hệ thống quyền thuật đơn thuần, mà bao quát hơn nó còn mang ý nghĩa nhiệm vụ bài tập phải thực hiện, phải biểu diễn, là các kĩ năng đặc thù, là sức mạnh, sự khéo léo và nói chung là “thuật ngữ chỉ là sự khổ luyện”.

© NHNZ. Shaolin monks training, Song Mountains. Inside China Shaolin Temple

Trong thế kỉ này, không chỉ là ở nước ta mới có sự ngộ nhận như trên mà ở nhiều nơi trên thế giới, người ta vẫn có quán tính nhận định tất cả môn võ (Trung Quốc, Châu Á) là võ Thiếu Lâm, ngoại trừ một số trường hợp phái Nội gia như Thái cực, Hình Y và Bát Quái quyền. Đúng ra mặc dù giữ vai trò trụ cột, then chốt nhưng Thiếu Lâm chỉ là một đại môn phái trong hàng trăm môn phái khác.

Hệ thống võ học Trung Hoa, vô cùng phức tạp và mênh mông, không thể nào tìm hiểu được hết, một phần do tính phức tạp của nó, một phần do các tài liệu liên quan đến đều không rõ ràng đầy đủ, còn ở nước ta thì lại vô cùng thiếu lâm.

Do vậy có thể nói, cái gọi là “tìm hiểu về võ thuật Trung Hoa” là cực kì phức tạp gian nan, kể về tiểu sử võ thuật Trung Hoa quả là một nhiệm vụ đầy rắc rối, cam go, hoàn thành được nó đôi khi là điều vô vọng”. (R.W Smith – chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu và giảng dạy võ thuật Trung Hoa trên thế giới nhận định). Bởi thế trong hàng trăm môn phái võ thuật tại Trung Hoa, nếu có đề cập đến , chúng tôi chỉ dám và chỉ đủ khả năng nói sơ qua về tiểu sư và nội dung của môn võ Thiếu Lâm, bởi khi nhắc đến võ thuật Trung Hoa, người ta liên tưởng đến chùa Thiếu Lâm và võ học nơi đây  do sự quá nổi tiếng của nó…

Nhất Trung (Tổng hợp)